Hàng loạt tàu biển vật vờ xin phá dỡ

ANTĐ - Kinh tế khó khăn, nhiều công ty vận tải tàu biển lâm vào thua lỗ. Tàu mua về không hoạt động, hàng tỷ đồng vạ vật trên biển, tốn kém chi phí. Từ chủ tàu đến ngân hàng đều rơi vào thế lúng túng, không biết xử lý ra sao với những khối tài sản khổng lồ này.
Hàng loạt tàu biển đang xin phá dỡ bán trả nợ

Phá dỡ để trả nợ vì làm ăn thua lỗ

Theo thống kê của Cảng vụ hàng hải, hiện tại, nước ta đang có 41 tàu biển, trong đó có 10 tàu mang quốc tịch nước ngoài và 31 tàu mang quốc tịch Việt Nam neo đậu dài ngày trong vùng cảng biển, không đảm bảo đủ các điều kiện an toàn, an ninh hàng hải. Ngoài ra, đội tàu biển thuộc sở hữu của doanh nghiệp Việt Nam neo đậu dài ngày ở nước ngoài có 54 tàu với trọng tải hơn 1.000 DWT, chiếm 14% tổng trọng tải đội tàu nước ta. Toàn bộ số tàu trên đều có tuổi quá quy định, không được phép đăng ký tại Việt Nam do vậy phải đăng ký mang quốc tịch nước ngoài. Trong đó có 12 tàu gồm cả 7 tàu biển của Vinashinlines đang neo chờ dài ngày ở các cảng biển nước ngoài trong tình trạng không được chủ tàu cung cấp kinh phí duy trì, bảo đảm điều kiện an toàn, an ninh. 

Đáng kể là 7 tàu (trọng tải từ 8.700-65.000 tấn) của Cty TNHH vận tải viễn dương (Vinashinlines) như Hoa Sen, New Phoenix, Sea Eagle, Hoàng Sơn 28, Diamond Way… Chủ tàu không còn khả năng khai thác, tàu phải sửa chữa hoặc tàu bị bắt giữ đã nằm bờ nhiều tháng. Thậm chí, con tàu tải trọng 65.000 tấn Sea Eagle đã neo tại Trung Quốc suốt 6 năm nay.

Theo ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, việc tàu biển Việt Nam và tàu biển mang quốc tịch nước ngoài thuộc sở hữu doanh nghiệp Việt Nam không được đưa vào khai thác là do tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển sụt giảm. Vì thế, nhiều tàu không được đưa vào khai thác, phải nằm chờ dài ngày. “Theo quy định hiện hành, kể cả trong trường hợp tàu neo chờ, chủ tàu vẫn phải cung cấp đầy đủ nguyên nhiên vật liệu và bố trí thuyền viên để duy trì hoạt động, bảo đảm các điều kiện về an toàn, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, đồng thời phải đóng các loại phí, lệ phí liên quan”, ông Nhật cho biết.

Ngoài ra, ông Nhật cũng nhìn nhận, do kinh doanh thua lỗ, không có khả năng cung cấp tài chính duy trì hoạt động của tàu và đóng các loại phí, nhiều chủ tàu đã bỏ rơi tàu dẫn đến tình trạng mất an toàn và gây hoang mang cho thuyền viên, ảnh hưởng đến uy tín của đội tàu Việt Nam trên trường quốc tế.

Lách luật rồi lại xin tháo dỡ?

Có thực trạng trên một phần do nhiều chủ tàu đã lách Nghị định 29 - CP của Chính phủ quy định về đăng ký và mua bán tàu biển đã qua sử dụng. Tại Việt Nam, tàu biển có niên hạn không quá 10 tuổi đối với tàu khách và không quá 15 tuổi với các loại tàu biển khác. Do vậy, các chủ tàu đã lách luật bằng cách mua lại những tàu trên rồi đăng ký mang quốc tịch nước ngoài để kéo dài niên hạn sử dụng và giá rẻ hơn. Khi không còn nhu cầu khai thác hoặc do tàu quá cũ không đủ điều kiện hoạt động nên chủ tàu muốn phá dỡ để thu hồi vốn. Song, khi các chủ tàu muốn phá dỡ để bán tàu, trả nợ ngân hàng thì lại vướng cơ chế. 

Cũng bởi vậy, hiện nhiều ngân hàng, công ty cho thuê tài chính và công ty vận tải biển đang lúng túng khi xử lý phá dỡ loại tàu này. Theo Luật Bảo vệ môi trường quy định, cấm nhập khẩu phương tiện vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ. Do thế, các chủ tàu muốn thanh lý tàu sẽ phải đưa tàu ra nước ngoài phá dỡ, tốn kém chi phí rất lớn và thường bị ép giá hoặc bị lừa đảo. Chính điều này đã gây ách tắc trong việc giải bán, phá dỡ tàu cũ của các doanh nghiệp Việt Nam làm phát sinh tình trạng chủ tàu bỏ rơi hoặc neo đậu dài ngày chờ giải quyết. Không ít chủ tàu đã phải bán lại tàu để cho người khác phá dỡ “chui” làm sắt vụn.

Để tháo gỡ thế bí này, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Bộ GTVT kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép tàu biển mang cờ nước ngoài của chủ tàu Việt Nam được phá dỡ trong nước. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ TN-MT đề xuất sửa đổi quy định để phù hợp với thực tế hoạt động phá dỡ tàu cũ hiện nay.