Hàng loạt mức phạt mới nhất liên quan đến sổ đỏ, áp dụng từ tháng 10-2024

ANTD.VN - Nghị định 123/2024/NĐ-CP về việc xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã quy định mới về các mức phạt liên quan đến sổ đỏ như chậm sang tên, tự sửa thông tin trên sổ đỏ…

Về mức phạt chậm sang tên sổ đỏ, theo khoản 2, khoản 3 Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, hành vi chậm đăng ký biến động sau khi đã thực hiện công chứng nhà đất sẽ bị phạt tới 6 triệu đồng và buộc thực hiện việc đăng ký biến động đối với thửa đất.

Cụ thể, phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định. Mức phạt này áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp hành vi vi phạm là do tổ chức thực hiện sẽ bị phạt mức tiền gấp 2 lần mức phạt với cá nhân.

Trong khi đó, theo Luật Đất đai 2024 và Luật Quản lý thuế 2019, trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm công chứng hợp đồng chuyển nhượng, người dân bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký sang tên và nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 10 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.

Việc đăng ký biến động và nộp thuế là bắt buộc bởi người sử dụng đất buộc phải hoàn thành xong 2 việc trên thì mới được Văn phòng/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai trả lại sổ đỏ.

Bên cạnh mức phạt chậm đăng ký biến động, người sử dụng đất còn có thể bị phạt tới 25 triệu đồng vì chậm nộp hồ sơ khai thuế theo Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Nghị định 123/2024/NĐ-CP còn quy định, hành vi cố tình chuyển nhượng đất không sổ đỏ sẽ bị phạt tới 100 triệu đồng.

Theo Nghị định này, cá nhân có hành vi cố tình chuyển nhượng dù nhà đất không có sổ đỏ sẽ bị phạt hành chính từ 30 - 50 triệu đồng và buộc: Bên mua phải trả lại đất; Hợp đồng mua bán bị vô hiệu; Nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc phải thực hiện việc đăng ký đất đai với trường hợp đất đủ điều kiện cấp sổ đỏ.

Mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân, nếu đối tượng thực hiện hành vi vi phạm là tổ chức thì sẽ bị phạt từ 60-100 triệu đồng và buộc phải thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục hậu quả.

Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024, đất phải có đủ các điều kiện sau mới được phép mua bán: Có sổ đỏ; Đất không có tranh chấp; Đất không bị kê biên hoặc bị áp dụng các biện pháp khác để đảm bảo thi hành án; Vẫn còn trong thời hạn sử dụng đất; Đất không bị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Về mức phạt với hành vi không đăng ký đất đai khi làm sổ đỏ lần đầu, Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu theo Điều 132 Luật Đất đai (đất vẫn đang sử dụng nhưng chưa đăng ký; Đất được Nhà nước giao và cho thuê để sử dụng; Đất được Nhà nước giao để quản lý mà chưa thực hiện đăng ký).

Về mức phạt khi tự ý sửa thông tin trên sổ đỏ, theo Nghị định 123/2024, hành vi tự ý sửa chữa, tẩy xóa Giấy chứng nhận sẽ bị phạt từ 2-5 triệu đồng và bị tịch thu sổ đỏ đã sửa chữa, tẩy xóa đó.

Còn với hành vi dùng sổ đỏ giả đi mua bán nhà đất, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm của hành vi, cá nhân vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính, theo khoản 3 Điều 27 Nghị định 123/2024, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng với trường hợp sử dụng giấy tờ giả khi thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai chưa đến mức xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ tịch thu giấy tờ giả đã sử dụng và hủy bỏ toàn bộ kết quả thủ tục đăng ký biến động sử dụng hồ sơ giả khi chuyển nhượng.