Hàng hóa tồn kho có xu hướng gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Bộ Công Thương, so với tháng trước, hàng hóa tồn kho ngành chế biến, chế tạo có dấu hiệu gia tăng. Hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp có dấu hiệu khó khăn hơn khi thị trường thế giới bị thu hẹp.
Xuất khẩu hàng hóa đối mặt với nhiều khó khăn dịp cuối năm

Xuất khẩu hàng hóa đối mặt với nhiều khó khăn dịp cuối năm

Bộ Công Thương cho biết, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2022 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 2,8%).

Trong khi đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2022 tăng 7,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 13,4% so với cùng thời điểm năm trước. Tuy vậy, mức tăng hàng hóa tồn kho đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái (cùng thời điểm năm trước tăng 28,2%).

Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2022 là 76,4% (bình quân 9 tháng năm 2021 là 81,1%).

Phản ánh từ doanh nghiệp cho thấy, xuất khẩu các tháng đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi thị trường thế giới bị thu hẹp, người tiêu dùng nhiều quốc gia có xu hướng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với hàng hóa không thiết yếu do lạm phát tăng cao, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Các ngành được nhận định khó khăn hơn gồm: dệt may, da giày, điện tử…

Phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Bộ Công Thương cho biết, xu hướng bảo hộ thương mại khi nguồn cung hàng hoá đứt gãy, các nước phải có biện pháp để ổn định hàng hoá trong nước;

Dịch bệnh Covid -19 có xu hướng gia tăng trở lại, trong khi đó xuất hiện những yếu tố mới, nhất là là tình trạng hạn hán tại Trung Quốc, EU có thể ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực, vật tư công nghiệp đầu vào trên thế giới và khu vực trong ngắn hạn.

Chuỗi cung ứng vẫn nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu…

Đáng chú ý, lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia, là các thị trường lớn của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước.

Đồng thời, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng, dẫn tới đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD.

Thị trường xuất khẩu đối mặt với thách thức bị thu hẹp thị trường khi kinh tế Mỹ và nhiều nước có nguy cơ rơi vào suy thoái, làm gia tăng áp lực lên nguồn thu ngoại tệ, cán cân thanh toán quốc tế... dẫn tới nhiều hệ lụy cho tăng trưởng kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn (trên 200%).

Ngoài ra, bất ổn liên quan đến căng thẳng địa chính trị khu vực và toàn cầu, giá đầu vào nhập khẩu cao hơn và triển vọng tăng trưởng không chắc chắn ở các đối tác thương mại chính của Việt Nam cũng có thể hạn chế khả năng duy trì thặng dư cán cân thương mại do Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn.

Do đó, các Bộ, ngành cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường để xuất khẩu.

Nhận định của các chuyên gia cho thấy, dù xuất khẩu báo hiệu nhiều khó khăn song kim ngạch xuất khẩu năm nay vẫn có thể đạt 700 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.