Hàng chục nghìn phương tiện vi phạm tốc độ bị thu hồi phù hiệu nhưng vi phạm không giảm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trung bình mỗi tháng, trên cả nước, nhà chức trách đã thu hồi hàng nghìn phù hiệu phương tiện kinh doanh vận tải khách và hàng hóa vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình (GSHT) nhưng vi phạm vẫn không giảm, hàng loạt doanh nghiệp vẫn tái phạm...

Vi phạm kỷ lục

Riêng trên địa bàn TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội thường xuyên có quyết định thu hồi phù hiệu đối với hàng trăm các phương tiện kinh doanh vận tải vi phạm trong 1 tháng.

Đơn cử, trong tháng 2/2023, Sở GTVT Hà Nội đã có quyết định thu hồi 819 phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm tốc độ thông qua trích xuất dữ liệu trên Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam.

Lý do thu hồi, trong 1 tháng, phương tiện có từ 5 lần vi phạm tốc độ xe chạy theo quy định. Đơn vị kinh doanh vận tải không được sử dụng các phương tiện nêu trên để tham gia hoạt động kinh doanh vận tải trong thời gian phương tiện đó bị thu hồi phù hiệu

Tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động của bộ phận theo dõi an toàn giao thông, đội ngũ lái xe nghiêm chỉnh chấp hành đúng các quy định.

Theo danh sách của Sở GTVT Hà Nội, đứng đầu về vi phạm tốc độ là xe hợp đồng BKS 29B-147.12 của Công ty TNHH TM&DV du lịch Hòa Phát với 2.037 lần vi phạm tốc độ trong 1 tháng;

Hay xe đầu kéo BKS 29H-1462 của Công ty CP TCT Việt Nam với 541 lần vi phạm tốc độ trong 1 tháng; Hay như xe khách tuyến cố định BKS 29B-171.71 của Công ty TNHH Vận tải CIV với 357 lần vi phạm tốc độ trong 1 tháng;

HTX ô tô Trường Hải liên tục xuất hiện trong "danh sách đen" các doanh nghiệp có số phương tiện vi phạm tốc độ nhiều và tần suất lớn

HTX ô tô Trường Hải liên tục xuất hiện trong "danh sách đen" các doanh nghiệp có số phương tiện vi phạm tốc độ nhiều và tần suất lớn

HTX Vận tải xe Đô Thành có nhiều phương tiện xe đầu kéo, xe container vi phạm về tốc độ, từ 200-500 lần/tháng; Xe đầu kéo BKS 37C-327.08 của HTX Dịch vụ vận tải Trường Hải có 942 lần vi phạm. Đây cũng là HTX có nhiều đầu xe vi phạm tốc độ...

Và tiếp tục trong tháng 4/2023, Sở GTVT đã có quyết định thu hồi 793 phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm tốc độ trong tháng 3/2023.

Đứng đầu vi phạm về tốc độ trong tháng 3/2023 Sở GTVT Hà Nội “gọi tên” phương tiện của HTX ô tô Trường Hải, xe đầu kéo BKS 37H-0052 với 1.289 lần vi phạm tốc độ; tiếp đến là xe đầu kéo BKS 37H-040.55 với 1.269 lần vi phạm tốc độ; xe đầu kéo BKS 37H-040.56 với 1.120 lần vi phạm.

Đáng nói, HTX ô tô Trường Hải cũng đứng đầu danh sách các doanh nghiệp có số phương tiện vi phạm nhiều nhất trong tháng 4 với 40 đầu xe bị thu hồi phù hiệu…

Công ty TNHH TM&DV du lịch Hòa Phát, xe hợp đồng BKS 29B-147.12 với 559 lần vi phạm cũng tiếp tục lọt vào danh sách các phương tiện vi phạm nhiều lần trong tháng 3.

Doanh nghiệp "nhờn" với thu hồi phù hiệu

Thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, tính đến hết tháng 3/2023, đã có gần 940.000 phương tiện thuộc đối tượng phải lắp thiết bị GSHT truyền dữ liệu về hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT.

Số liệu thống kê cho thấy, 3 tháng đầu năm, hệ thống đã ghi nhận hơn 3 triệu lần xe vi phạm tốc độ.

Thanh tra GTVT kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải

Thanh tra GTVT kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên xe kinh doanh vận tải

Trong 3 tháng đầu năm, các Sở GTVT đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 3.000 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên/tháng; Chấn chỉnh, nhắc nhở đối với hơn 8.300 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu.

Cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố kiểm tra, trích xuất dữ liệu trên hệ thống để phục vụ công tác quản lý, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Trong đó, cần tập trung xử lý các trường hợp vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe liên tục và các trường hợp không truyền dữ liệu khi xe tham gia giao thông theo quy định.

Các Sở GTVT tiếp tục thực hiện tra cứu, cung cấp dữ liệu của các phương tiện theo yêu cầu của các cơ quan Công an để phục vụ công tác điều tra và đảm bảo ATGT trên cả nước.

"Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cấp phần mềm, xây dựng phương án kết nối, chia sẻ dữ liệu từ thiết bị GSHT với Cục Cảnh sát giao thông để phục vụ công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT", Cục Đường bộ Việt Nam cho hay.

Dù số lượng phương tiện vi phạm bị thu hồi phù hiệu hoạt động rất lớn nhưng vì sao vi phạm vẫn không giảm? Do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe với doanh nghiệp và lái xe hay còn yếu tố nào khác?

Chia sẻ về thực trạng này, một chuyên gia trong lĩnh vực vận tải cho rằng, các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực này chưa “nhấn” đúng trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải. Đặc biệt, trong việc giám sát thu hồi phù hiệu do vi phạm thông qua thiết bị GSHT chưa có hậu kiểm cũng như kiểm soát.

“Doanh nghiệp bị thu hồi phù hiệu của một số phương tiện nhưng cũng không lực lượng nào kiểm soát xem các phương tiện đã bị thu hồi phù hiệu có sử dụng phù hiệu của xe khác để tiếp tục hoạt động hay không? Cũng bởi vậy nên việc thu hồi phù hiệu phương tiện vi phạm với doanh nghiệp có vẻ quen như “cơm bữa”, không có tác dụng răn đe và ngăn chặn vi phạm”- vị chuyên gia này cho hay.

Cũng theo vị chuyên gia này, để có thể giảm tình trạng vi phạm thì phải ràng buộc được trách nhiệm của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp có số lượng xe vi phạm tốc độ lớn, nhiều tháng liên tiếp thì phải có chế tài xử lý nghiêm với doanh nghiệp.