Hai quốc gia có thể sẽ làm phương Tây bị phá sản kế hoạch áp giá trần với dầu Nga

ANTD.VN - Kế hoạch áp giá trần dầu Nga do Mỹ đề xuất nhiều khả năng không thành hiện thực vì quan điểm phản đối của hai quốc gia trong EU.

Thủ tướng Đức có thể phá hủy kế hoạch của G7 trong việc áp giá trần dầu Nga. Chuyên gia phân tích Jagdish N Singh của tờ báo Ấn Độ EurAsian Times đã viết về điều này.

Các nước thành viên nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã tuyên bố ý định cấm vận chuyển dầu của Nga nếu mặt hàng này không được mua với giá thấp. Kế hoạch trên theo nhận định sẽ làm giảm doanh thu năng lượng của Nga.

Do các lệnh trừng phạt, xuất khẩu dầu từ Liên bang Nga đã giảm đáng kể, nhưng lợi nhuận của Moskva lại tăng lên cùng với giá nhiên liệu tăng. Vì vậy, trong tháng 6, Nga đã tăng thu nhập từ việc bán "vàng đen" thêm 700 triệu USD.

Điều này gây ra sự khó chịu ở phương Tây, nơi bắt đầu hình thành các cơ chế áp lực mới. Tuy nhiên kế hoạch G7 có nguy cơ thất bại nếu các nước EU không tuân thủ các quy tắc mà nhóm đặt ra.

“Để thực hiện đề xuất của G7, các nước thành viên EU sẽ phải tham gia. Điều này gây ra sự không chắc chắn. Việc xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên từ Nga là rất quan trọng đối với EU. Kim ngạch thương mại giữa EU và Nga lên tới 80 tỷ Euro”, bài báo viết.

Theo nhà phân tích, ít nhất hai quốc gia châu Âu có thể tạo ra vấn đề cho kế hoạch của G7. Đầu tiên là Hungary, về nguyên tắc, Budapest không thoải mái với các lệnh trừng phạt chống Nga.

Khi EU bắt đầu tấn công vào lĩnh vực năng lượng của Liên bang Nga, các nhà chức trách Hungary luôn luôn tỏ thái độ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt trong một thời gian khá dài.

Quốc gia thứ hai từ chối tuân theo giá trần sẽ là Đức, nhà quan sát người Ấn Độ tuyên bố. Theo ông, việc Berlin là thành viên của G7 không làm giảm sự phụ thuộc của Đức vào nguồn cung cấp nhiên liệu từ Nga.

“Đức - một thành viên quan trọng của EU, có quan hệ rất chặt chẽ với Nga. Berlin luôn tìm cách theo đuổi chính sách của mình đối với Liên bang Nga theo cách giữ cho Moskva có tâm trạng tốt”, ấn phẩm EurAsian Times cho biết.

Nhà báo Singh nhớ lại rằng chính Đức vào năm 2008 đã không ủng hộ việc kết nạp Gruzia vào NATO. Cũng trong giai đoạn 2014 - 2015, họ phản đối việc Mỹ muốn vũ trang cho Ukraine.

Ngoài ra, vào năm 2016, Berlin đã chỉ trích các cuộc điều động quân sự của Liên minh NATO gần biên giới Nga. Tất cả điều này chỉ ra rằng các nhà chức trách Đức có thể đi ngược lại quyết định của G7 để duy trì quan hệ với Moskva.