Hải quân Triều Tiên: Có thực sự đáng sợ?

ANTD.VN - Như tình hình chung trong quân đội Triều Tiên, hải quân nước này do thiếu ngân sách mà chỉ bao gồm các loại tàu chiến nghèo nàn và cũ kĩ, tuy nhiên, đây có thể là lực lượng sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân trong tương lai. 

Hải quân Triều Tiên có quy mô khoảng 60.000 người bao gồm cả những nhân sự phục vụ ngắn hạn từ 5 đến 10 năm. Đây là nhánh quân sự nhỏ nhất trong quân đội Triều Tiên với quy mô nhân sự chỉ bằng 1/12 lục quân và một nửa không quân.  

Về tổ chức, hải quân Triều Tiên bao gồm một trụ sở hải quân, 2 bộ chỉ huy hạm đội, 16 đội tàu và nhiều đơn vị bảo vệ duyên hải. Lực lượng này cũng kiểm soát một vài khu huấn luyện hải quân, cảng biển, trung tâm hậu cầu và thậm chí cả xưởng đóng tàu. 

Hải quân Triều Tiên được ước lượng sở hữu từ 700 đến 900 tàu chiến có nguồn gốc từ Liên-xô, Trung Quốc hoặc tự đóng nội địa. Vào năm 2001, chuyên gia về Triều Tiên ông Joseph Bermudez ước lượng 360 tàu của Triều Tiên được phân bổ cho hạm đội Tây, hoạt động tại biển Hoàng Hải và 480 chiếc ở hạm đội Đông, hoạt động trên biển Nhật Bản. 

Mặc dù có khá nhiều tàu nhưng chủ yếu đây đều là các chiến hạm cỡ nhỏ với khoảng 200 chiếc dưới 200 tấn. Những tàu này chủ yếu chỉ gắn súng máy hạng nặng và pháo cối hạng nhẹ, trong khi loại pháo lớn nhất cũng chỉ là có kích cỡ nòng 85mm như trên xe tăng T-34 hay T-85. 

Một vài tàu được nhìn thấy có trang bị tên lửa bắn loạt 122m nhưng được cho là có độ chính xác rất thấp và chỉ đủ để hỗ trợ hoạt động đổ bộ, trong khi ngư lôi là loại gắn ngay trên boong tàu. Hệ thống kiểm soát hỏa lực của các tàu này chỉ là những thiết bị quang học. 

Phần lớn các tàu chiến của Triều Tiên được đánh giá là không thể gây hại cho hải quân Mỹ và nó thậm chí chỉ có thể hoạt động ở khu vực 100km gần bờ. 

Tuy nhiên, hạm đội các tàu cỡ nhỏ này lại là lực lượng xảy ra xung đột nhiều nhất với Hàn Quốc. Hải quân Triều Tiên và Hàn Quốc từng giao tranh 2 lần trên biển Hoàng Hải vào năm 1999 và 2002, cùng một lần khác vào năm 2009 ở đảo Daecheong. Mặc dù Triều Tiên vẫn gây thiệt hại được cho Hàn Quốc nhưng họ lại thường là bên tổn thất lớn hơn về người. 

Một phần rất lớn khác của hải quân Triều Tiên phải kế đến đó là lực lượng tàu ngầm. Vào năm 2015, Mỹ từng phán đoán Triều Tiên có 70 tàu ngầm bao gồm 40 chiếc lớp Romeo, 20 chiếc lớp Sang-O và 10 chiếc Yono. 

Một số lượng nhỏ tàu lớp Sang-O được thiết kế để hỗ trợ các thợ lặn trong những nhiệm vụ bí mật, phần còn lại để bảo vệ khu vực duyên hải Triều Tiên. 

Tuy nhiên, loại tàu ngầm quan trọng nhất được cho là lớp Gorae, có khả năng mang tên lửa đạn đạo. Loại tàu ngầm này được nhìn thấy lần đầu tiên qua ảnh vệ tinh vào năm 2014 và được cho là xây dựng dựa theo lớp Yono. Nó có trọng lượng khoảng 1.650 tấn khi trang bị đầy đủ vũ khí và có đoàn thủy thủ 70 đến 80 người. 

Gorae có một ống phóng tên lửa đạn đạo duy nhất để chứa tên lửa Pukguksong. Loại tên lửa này có tầm bắn ước lượng vào khoảng 600 đến 1.200km và thiết kế để mang được một đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ. 

Triều Tiên cũng có một lực lượng đổ bộ quy mô nhỏ bao gồm 100 tàu lớp Nampo, cùng các xuồng tấn công tốc độ cao dựa theo loại P-6 của Liên-xô. 

Hải quân Triều Tiên còn sở hữu một đội bao gồm 130 chiếc tàu đệm khí lớp Kongbang, tuy nhiên lực lượng này được cho là khó có thể hoạt động xa bán đảo Triều Tiên, nó thậm chí chưa chắc đã vươn tới Nhật Bản. 

Trong những năm gần đây, Triều Tiên được nhìn thấy đang đóng mới nhiều loại tàu mới. Cụ thể như vào năm 2014, 2 tàu hộ tống Namp’o của Triều Tiên được các nhà quan sát phát hiện ra với khả năng mang theo được 8 tên lửa chống hạm Kumsong-3, vốn là phiên bản nhái theo Kh-35 của Nga và các loại pháo phản lực chống tàu ngầm. 

Tên lửa Kumsong-3 nếu có thể đạt được đến khả năng của Kh-35 thì nó không chỉ đủ sức gây nguy hiểm cho tàu chiến Hàn Quốc mà ngay cả tàu hải quân Mỹ cũng có thể trở thành mục tiêu. 

Ngoài các tàu hộ vệ cỡ nhỏ, Triều Tiên còn có một số lượng chưa xác định các tàu hai thân tốc độ cao mà Mỹ đặt tên là lớp Nongo, có khả năng mang theo tên lửa Kumsong-3

Cuối cùng, lực lượng phải kể đến trong hải quân Triều Tiên đó là các đơn vị pháo binh tập trung tại duyên hải. Hầu hết pháo chống hạm này đều là loại sử dụng công nghệ cũ, nhưng một hệ thống bảo vệ bờ biển mới được Triều Tiên ra mắt vào năm 2017 cho thấy nó đang phóng đi tên lửa Kumsong-3 từ bệ phóng lưu động trên mặt đất. 

Có thể kết luận rằng, hải quân Triều Tiên nhỏ và khó đe dọa cho các khu vực nằm xa lãnh thổ nhưng lực lượng này đang được chú trọng hơn và vẫn có khả năng gây nguy hiểm cho những đối thủ muốn tiến gần nước này. Đặc biệt, lực lượng này sẽ được đưa lên một tầm cao mới sau khi Triều Tiên hoàn thiện tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong.