Hai chiến lược của Nga sẽ làm tê liệt NATO mà không cần bắn một phát súng nào?

ANTD.VN - Nga sẽ làm tê liệt NATO thông qua những biện pháp chính trị đặc biệt thay vì đối đầu quân sự là điều khiến phương Tây cảm thấy lo ngại.

Hai chiến lược của Nga sẽ làm tê liệt NATO mà không cần bắn một phát súng nào. Nhà phân tích Michael Rubin đã đưa ra nhận xét nói trên trong một bài báo đăng trên tờ 19FortyFive.

Theo ông Rubin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là nhân tố chính trong Kế hoạch A của Nga nhằm làm suy yếu NATO. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, theo tờ báo, trong tháng qua đã chứng tỏ “tài ngoại giao mạnh mẽ”.

Ankara đã đồng ý cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sau khi đã đạt được một số nhượng bộ đáng kể. Trước hết là việc Helsinki và Stockholm từ chối ủng hộ Đảng Công nhân Kurdistan (PKK), tổ chức bị coi là khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, Ankara đã thành công trong các cuộc đàm phán với Washington về việc cung cấp máy bay chiến đấu F-16 thế hệ mới và bộ nâng cấp cho những tiêm kích đang được hàng không quân sự Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng.

Ông Rubin tin rằng đối với một bước đi táo bạo và mạo hiểm như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ xứng đáng bị trục xuất khỏi NATO. Tuy nhiên, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương không thể làm gì đối với một thành viên ương ngạnh của khối.

Thứ nhất, điều lệ NATO chỉ đơn giản là không quy định cơ chế loại bỏ thành viên, trừ khi họ tự rút chân khỏi khối. Thứ hai, việc quản lý tổ chức, như tờ báo lưu ý, được thực hiện trên cơ sở đồng thuận.

Điều này có nghĩa là mặc dù dân số và sự đóng góp vào tiềm lực quốc phòng của khối có sự chênh lệch rất lớn, nhưng tất cả các phiếu bầu đều bình đẳng, cho dù đó là Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Bắc Macedonia.

“Nếu Tổng thống Erdogan có thiện cảm với Nga hơn là Mỹ và tất cả các bằng chứng đều chỉ ra điều này, thì ông ấy và người đồng cấp Vladimir Putin sẽ giành được nhiều lợi ích hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ ở trong NATO thay vì bên ngoài".

"Lý do là bởi vì họ có thể sử dụng tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ để làm tê liệt Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ngay từ bên trong”, ấn phẩm 19FortyFive của Mỹ viết rõ.

Tuy nhiên nhà báo Rubin lưu ý, Nga hiểu rõ Tổng thống Erdogan hay thay đổi như thế nào, vì vậy việc Moskva đặt cược vào vấn đề làm suy yếu NATO là xa vời nếu họ chỉ tập trung vào riêng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo nhà quan sát, kế hoạch "B" là một chiến dịch lớn của Nga nhằm lan rộng ảnh hưởng ở khu vực Balkan, bao gồm lôi kéo các thành viên NATO như Montenegro, Bắc Macedonia và Croatia.

“Trong khi Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao tham gia vào các hoạt động đối ngoại riêng biệt, Tổng thống Nga Putin đang thực hiện một cách tiếp cận tổng thể hơn".

"Nói một cách đơn giản, chiến lược của ông Putin dường như vô hiệu hóa NATO bằng cách lấy sự phủ quyết từ các thành viên nhỏ, những người từng chịu ảnh hưởng của Nga từ lâu, trước khi trở nên cần thiết để đối đầu với liên minh trên chiến trường”, ông Rubin nhấn mạnh.

Theo nhà phân tích, câu chuyện với Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ rõ ràng về chính sách thất bại của Mỹ và EU, vốn 'chỉ có thể thở phào nhẹ nhõm khi cuộc khủng hoảng kết thúc'".

Tác giả kết luận: “Một xu hướng như vậy sẽ khiến NATO bất đồng, bởi vì những gì thực sự xảy ra với Thổ Nhĩ Kỳ là một nỗ lực nhằm tiêu diệt NATO từ bên trong”.