Hai ca sốt rét "nhập khẩu": Một thai phụ đi khám tuyến dưới không phát hiện ra bệnh

ANTD.VN - Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho hai bệnh nhân sốt rét do về từ vùng dịch, đáng chú ý là từ nhiều năm nay, Hà Nội hầu như không phát hiện bệnh nhân bị bệnh này…

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện

Theo thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, hai bệnh nhân sốt rét đang điều trị tại đơn vị này là những người trở về nước từ Angola. Một bệnh nhân nam 38 tuổi, quê Hà Tĩnh và một sản phụ 32 tuổi quê ở Hà Nội, đang mang thai tháng thứ sáu.

Trong đó, bệnh nhân Nguyễn Đình Th. (38 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) từ Angola về nước được 1 tuần thì xuất hiện sốt cao, rét run, kèm đau đầu nhiều khi sốt, đi khám tại cơ sở y tế gần nhà nhưng không phát hiện ra bệnh nên khi vào Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh đã trong tình trạng nặng, lập tức được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân thứ 2 (sản phụ 32 tuổi, ở Hà Nội, mang thai tháng thứ 6) cũng mới về nước từ Angola được 1 tuần, xuất hiện sốt cao rét run thành cơn, chủ yếu sốt về chiều tối. Chị này đi khám phòng khám tư, sau đó được đưa vào Viện Sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng Trung ương làm xét nghiệm và được chẩn đoán là sốt rét. Do có thai và kèm bệnh lý hạ tiểu cầu cần theo dõi nên chị H được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Theo các bác sĩ, điều đáng cảnh báo là từ nhiều năm nay Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc hầu như không còn bệnh nhân sốt rét nên việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời các ca bệnh ở nhiều cơ sở y tế tuyến dưới còn khó khăn và dễ bị bỏ sót.

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây, trung tâm nhận được nhiều bệnh nhân sốt rét do đi từ châu Phi về, nên được gọi là sốt rét “nhập khẩu”.

Vì thế, bác sĩ Cường khuyến cáo, người dân trở về nước từ vùng dịch tễ có sốt rét cần được khám sàng lọc, điều tra dịch tễ và xét nghiệm ngay xem trong máu có ký sinh trùng sốt rét hay không. Khi có biểu hiện sốt rét cần đi khám ngay để tránh nhầm lẫn và bỏ sót.