Hack Facebook của người khác có thể bị phạt tiền tới 50 triệu đồng, ngồi tù tới 3 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua có không ít đối tượng đã thực hiện hành vi hack Facebook, Zalo của người khác để lấy trộm thông tin cá nhân, nhắn tin lừa vay tiền hoặc nhằm mục đích khác. Theo Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội, hành vi này là phạm pháp, có thể bị xử lý hình sự.

Về quyền riêng tư cá nhân, Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Điều 38 BLDS 2015 cũng nêu rõ, quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng nghiêm cấm hành vi xâm phạm bí mật cá nhân và đời sống riêng tư trên không gian mạng, gồm: chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin bí mật cá nhân và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.

Như vậy, bí mật đời tư cá nhân, thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Song thời gian qua, tình trạng người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là những người nổi tiếng bị hack tài khoản diễn ra rất phổ biến.

Dù với bất kỳ mục đích, động cơ nào thì hành vi cố tình xâm nhập trái phép vào tài khoản cá nhân của người khác trên mạng là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự - Luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.

Cố tình xâm nhập trái phép vào tài khoản cá nhân của người khác trên mạng là vi phạm pháp luật (ảnh minh họa)

Cố tình xâm nhập trái phép vào tài khoản cá nhân của người khác trên mạng là vi phạm pháp luật (ảnh minh họa)

Về xử phạt vi phạm hành chính, theo Điều 80 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông tần số vô tuyến điện, mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng được áp dụng với hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng.

Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số của người khác; Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng; Làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi trên mạng...

Cũng theo Luật sư Thu, trường hợp hành vi truy cập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông để xâm phạm bí mật thư tín, điện tín, điện thoại đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 159 BLHS 2015 về tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” với khung hình phạt cao nhất lên đến 3 năm tù.

Ngoài ra, hành vi hack tài khoản trên mạng xã hội của người khác dù chưa bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính nhưng thu lợi bất chính có giá trị lớn hoặc ảnh hưởng lớn đến uy tín của người khác; tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác... vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” được quy định tại Điều 288 hoặc tội “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác" theo Điều 289 BLHS 2015.