Hà Nội xem xét lên phương án cho học sinh mầm non đến trường sau khi tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sau khi thành phố tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi, từ tình hình thực thế, Sở sẽ xem xét lên phương án cho trẻ mầm non đến trường trình UBND TP xem xét...
Toàn cảnh phiên họp của BCĐ phòng chống Covid-19 TP Hà Nội chiều 11-2

Toàn cảnh phiên họp của BCĐ phòng chống Covid-19 TP Hà Nội chiều 11-2

Sinh viên từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất 2 mũi sẽ được đến trường học trực tiếp

Tại phiên họp của BCĐ phòng chống Covid-19 Hà Nội chiều 11-2, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết, đến nay tỷ lệ học sinh và giáo viên nhiễm Covid-19 chỉ chiếm 0,4% trên tổng số học sinh Hà Nội. Các trường hợp này chủ yếu là lây nhiễm trong cộng đồng, không phải trong các cơ sở giáo dục.

Qua công tác kiểm tra, các quận huyện đều quan tâm và chỉ đạo các lực lượng phối hợp đảm bảo an toàn cho nhà trường. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đề xuất các quận, huyện thị xã quan tâm trang cấp máy đo thân nhiệt tự động và đặc biệt là kit test nhanh cho phòng y tế các trường…

Về lộ trình tiếp tục đưa học sinh quay lại trường, bà Hoa thông tin, Sở đã có văn bản báo cáo thành phố. “Nếu dịch diễn biến giảm, công tác phòng dịch đảm bảo thì từ 21-2, học sinh lớp 1 trở lên sẽ đi học ở các quận nội thành. Tiếp đó, sau khi Hà Nội triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, Sở sẽ đề xuất phương án cụ thể cho học sinh mầm non đi học”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết.

Đáng chú ý, tại phiên họp, Sở LĐTB&XH cho biết, số học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được tiêm chủng chỉ chiếm hơn 2%. Sở đã khảo sát, trình phương án và UBND TP đã có thông báo đồng ý với đề xuất cho phép học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đi học từ 14-2. Trong đó, học sinh, sinh viên từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất 2 mũi sẽ được đến trường học trực tiếp. Lứa tuổi thấp hơn sẽ theo kế hoạch của Sở GD&ĐT…

Quản lý chặt các lễ hội không để dịch bùng phát

Tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, tế, tính từ 26/01 - 10/02, trung bình Thành phố ghi nhận 2.835 ca/ngày, giảm nhẹ so với kỳ báo cáo trước (ghi nhận trung bình 2.902 ca/ngày), tuy nhiên, đây có thể là mức giảm chưa chính xác. Trong tuần tiếp theo, sau kỳ nghỉ tết có thể ghi nhận số mắc tăng cao. Song, công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỉ lệ bệnh nhân nặng, tỉ lệ tử vong vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Trong thời gian tiếp theo, khi mở cửa trở lại một số dịch vụ, ngành nghề như: vận tải, du lịch, giao thương quốc tế… dẫn đến nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập và trở thành chủng lưu hành phổ biến là hoàn toàn có thể. Vì vậy, cần phải theo dõi sát, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để đảm bảo việc phục hồi, phát triển kinh tế, đồng thời, đảm bảo an ninh y tế.

Đánh giá mức độ dịch trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế, đến nay, 541/579 xã, phường, thị trấn cấp ở cấp độ 1; 29/579 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2; 9 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3; không có xã, phường, thị trấn ở cấp độ 4.

Về công tác tiêm vaccine phòng Covid-19, thành phố đã tiêm được tổng số 14.927.981 mũi. Thực hiện chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân để tiêm mũi 3 cho người dân. Đến nay, các quận, huyện, thị xã đã tích cực triển khai tiêm xuyên Tết và đã thực hiện được 237.985 mũi. Phấn đấu hoàn thành xong trước ngày 28/2/2022….

Trong 11 nhiệm vụ trong thời gian tới, Hà Nội yêu cầu rõ các đơn vị phải tổ chức nghiêm túc, hiệu quả công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, an ninh y tế trong mùa lễ hội năm 2022, không để dịch bệnh Covid-19 bùng phát...