Hà Nội: Tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh...
CATP Hà Nội tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhà trường

CATP Hà Nội tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhà trường

UBND TP Hà Nội mới có Quyết định số 5127/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Theo đó, năm học 2024 - 2025 Hà Nội đặt ra 12 giải pháp trọng tâm. Trong đó, UBND TP yêu cầu đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo;

Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên;

Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo;

Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế trường học; Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và kiểm tra đánh giá; Xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, kết nối liên thông dữ liệu trong ngành Giáo dục và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia;

Tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và Bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC); Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyển sinh trực tuyến đối với các lớp đầu cấp; Xây dựng kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn Ngành.

Đáng chú ý, Hà Nội sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp cho nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đó là giáo dục phổ thông; giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm; tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Song song với các nhóm giải pháp, Hà Nội đặt ra các chỉ tiêu cụ thể. Về giáo dục phổ thông, số trường học công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia là 80 - 85%; đầu tư xây dựng từ 3 đến 5 trường liên cấp (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) có diện tích tối thiểu 5ha.

Về giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 75 - 80%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55 - 60%; mỗi năm đào tạo nghề khoảng 230.000 lượt người...

Hà Nội cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong giáo dục và đào tạo;

Kiểm tra các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, trung tâm ngoại ngữ, tin học; kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm; kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục.

Hà Nội cũng sẽ triển khai thực hiện kế hoạch đưa thành phố Hà Nội trở thành “Thành phố học tập UNESCO”...

Tin cùng chuyên mục