Hà Nội qua những bài ca

(ANTĐ) - Gần như không một lần tên gọi “Hà Nội” xuất hiện trong lời ca, nhưng vẫn có thể cảm nhận rõ không gian ấy, con người ấy thuộc về đất Hà thành. Hẳn nhiên có một Hà Nội rất trữ tình lãng mạn trong những tình khúc khởi nguồn xu hướng lãng mạn, trong những bài ca đầu tay của hầu hết tác giả thuộc thế hệ đầu đàn… Để rồi những bài ca ấy đã vẽ nên một bức tranh về Hà Nội suốt chiều dài lịch sử…

Hà Nội qua những bài ca

(ANTĐ) - Gần như không một lần tên gọi “Hà Nội” xuất hiện trong lời ca, nhưng vẫn có thể cảm nhận rõ không gian ấy, con người ấy thuộc về đất Hà thành. Hẳn nhiên có một Hà Nội rất trữ tình lãng mạn trong những tình khúc khởi nguồn xu hướng lãng mạn, trong những bài ca đầu tay của hầu hết tác giả thuộc thế hệ đầu đàn… Để rồi những bài ca ấy đã vẽ nên một bức tranh về Hà Nội suốt chiều dài lịch sử…

“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội...”
“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội...”

Có cái gì đó đích thực Hà Nội trong “Ngàn liễu dưới trăng đùa cợt hồ trong/ Nước xanh loáng in mây gợn muôn trùng” khiến hồn thơ say đắm, và khi đất trời mịt mù gió mưa, tơi bời lá rụng, lòng lại vấn vương thương thay cho phận liễu yếu đào tơ một mình một bóng (Bên hồ liễu - Văn Chung).

Cũng rất Hà Nội trong đêm đông cô liêu triền miên lời than của gió, cho kẻ lãng du đang lê gót trên những con phố vắng lòng thêm rã rời:

“Thời gian như ngừng trong tê tái

Cây trút lá cuốn theo chiều mây

Mưa giăng mắc nhớ nhung tiêu điều

Sương thướt tha bay ôi đìu hiu”.

(Đêm đông - Nguyễn Văn Thương, lời: Kim Minh)

Xuân về tưng bừng bướm trêu cợt hoa, oanh yến hòa tiếng tơ đồng thì lòng người cũng phơi phới hát ca. Một Hà Nội thơ mộng “mặt hồ trong/ dương liễu buông trùng/ vài nhánh tơ lòng” đã tôn thêm vẻ đẹp xuân nữ “gót vàng say luyến bước khoan thai đều/ áo hồng bay theo, xiêm hồng lượn theo/ dịu dàng phiêu phiêu” (Hương xuân - Văn Chung). Hoặc như xuân tàn, tình phai, chỉ còn cung đàn lẻ loi ngân buồn giữa thinh không xa vắng của một ngày trôi qua đô thành:

“Trăng lên vàng mái lầu

Nghe thoáng tiếng kinh cầu xa xa

Ngàn lau thấp thoáng bóng kinh kỳ bao la”.

(Cung đàn xưa - Văn Cao)

Nếu cảnh vật Hà Nội trong ca khúc lãng mạn thời tiền chiến thường trữ tình và buồn nhiều hơn vui, thì những bóng dáng cụ thể đầu tiên của người Hà thành thời ấy luôn cô đơn và cũng thường trực một nỗi buồn không được sẻ chia: Thiếu phụ chong đèn đêm đêm đan áo, người vợ bên song ngẩn ngơ mong chồng, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư, cô lữ không nhà mơ giấc mơ gia đình... (Bóng ai qua thềm - Văn Chung, Đêm đông - Nguyễn Văn Thương, lời: Kim Minh).

Lại có những hình ảnh Hà Nội đầy tính sử thi được lưu lại trong những bài ca thuộc khuynh hướng yêu nước. Thủ đô uy nghi thành quách xưa bên dòng Nhị Hà, linh thiêng tháp cổ gươm thần giữ nước, “này phường, này phố cũ, này đường về ô xưa” vẫn rợp bóng ngàn năm. Tiếng gọi Thăng Long ngày xưa đang thức tỉnh Thăng Long ngày nay vì một Thăng Long ngày mai:

“Thăng Long ngày nào cờ khoe sắc phấp phới

Loa vang xa, chiêng thu không, tiếng bát ngát trong trống thành

Ôi Thăng Long! Ôi Thăng Long ngày nay

Dân chí sống yên vui chờ gió mới bay về

...Ôi Thăng Long! Ôi Thăng Long ngày mai

Xây đắp dưới vinh quang bằng chí khí anh hùng”.

(Thăng Long hành khúc ca - Văn Cao)

Còn đây những địa danh làm nên lịch sử, còn đây hào khí Thăng Long trong lòng người hành hương về cội nguồn: “Từng đoàn dân chúng trên đế đô tưng bừng đi tìm về thăm chốn non nước thiêng trang hùng ghi” (Gò Đống Đa - Văn Cao). Một Thăng Long nghĩa khí đâu thể ngủ yên mỗi khi sơn hà nguy biến, mỗi khi có kẻ nào muốn “đoạt thành trì toan xéo giày lăng miếu”:

“Kìa vừng hồng tràn lan trên đỉnh núi

Ôi Thăng Long! Khói kinh kỳ phơi phới

...Lòng dân Lạc Hồng nhìn non nước yêu quê hương

Giống anh hùng nâng cao chí lớn

Giống anh hùng đua sức tráng cường”.

(Hội nghị Diên Hồng - Lưu Hữu Phước, lời: Việt Tiên)

Khí thế toàn dân đồng lòng chống ngoại xâm được biểu hiện rõ hơn cả trong những bài ca cách mạng. Hà Nội hòa mình vào khí thế chung đó, hình ảnh Thủ đô không còn tách biệt trong những khúc tráng ca ra đời ngay giữa lòng Thủ đô. Lời kêu gọi giành độc lập tự do cất lên từ nơi u tối nhất của Hà Nội là ngục tù - Trại giam Hỏa Lò - cũng là lời thề chung của những người dân yêu nước:

“Lòng yêu nước quyết chiến đấu cho nòi giống ta

Dậy lên mau hỡi ai dân tộc Việt Nam

Thù nước mất ta quyết trả xong bằng máu xương

Thề cùng nhau quốc dân đồng tâm thống nhất”.

(Cờ Việt Minh - Vương Gia Khương)

Rồi một ngày cả thành phố thức tỉnh từ sớm tinh mơ, người Hà Nội hát vang những bài ca cách mạng, trong đó có những câu ca chợt nảy sinh theo nhịp bước của đoàn biểu tình:

“Mười chín tháng Tám, khi khối dân căm hờn kêu thét

Tiến lên cùng hô: Mau diệt tan hết quân thù chung!”.

(Mười chín tháng Tám -  Xuân Oanh).

Thời khắc lịch sử đã hoàn thiện bức tranh bằng âm nhạc của Hà Nội năm 1945 và mở ra trang mới trong quá trình xây đắp tượng đài âm thanh cho một Thủ đô thơ mộng và hào hùng.

Nguyễn Thị Minh Châu