Hà Nội mùa đông 1946 hào hùng qua lời kể chứng nhân lịch sử

ANTD.VN - Không khí sôi nổi, hào hùng của quân và dân Thủ đô trong 60 ngày đêm khói lửa đấu tranh chống thực dân Pháp được tái hiện chân thực và sinh động qua lời kể các nhân chứng lịch sử trong buổi tọa đàm “Bản hùng ca Hà Nội mùa đông 1946”, tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội sáng 16-12.

Trong 3 giờ đồng hồ giao lưu, các chiến sỹ Bộ Tư lệnh Thủ đô và đoàn viên thanh niên Sở VH-TT&DL Hà Nội đã được sống trong bầu không khí sục sôi của Hà Nội mùa đông 1946 qua phóng sự “Hà Nội vùng đứng lên”.

Hà Nội ngày ấy, mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ. Nhân dân Thủ đô không quản ngại hy sinh, gian khổ, chiến đấu anh dũng, giam chân kẻ thù suốt 60 ngày đêm (từ 19-12-1946 đến 17-2-1947), tạo điều kiện để Trung ương Đảng, Chính phủ rút về chiến khu an toàn, đưa khối lượng lớn máy móc thiết bị lên chiến khu, góp phần cho cả nước chuẩn bị chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Bà Nguyễn Thị Hà kể lại quãng thời gian cùng gia đình vinh dự đón đoàn cán bộ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tới làm việc, viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến

Không gian buổi tọa đàm như lắng lại khi nghe những câu chuyện được chính các nhân chứng lịch sử kể lại. Nhớ lại những ngày gia đình được vinh dự đón đoàn cán bộ Thường vụ Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh tới làm việc tại nhà riêng ở Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, bà Nguyễn Thị Hà không khỏi bồi hồi xúc động.

Trong trí nhớ của cô bé Hà ngày đó, kỷ niệm không quên là những lúc cùng mẹ chuẩn bị bữa ăn cho đoàn cán bộ, nấu bằng bếp rơm và cảm giác rất ấm cúng giữa mùa đông 1946.

“Cả gia đình tôi đều không biết đó là đoàn cán bộ có Hồ Chủ tịch, chỉ khi sắp rời đi, Bác Hồ mới gặp riêng và trò chuyện với bố tôi. Bác nói khi tới vì phải giữ bí mật và rất cảm ơn gia đình đã chăm sóc đoàn công tác. Bố tôi khi đó rất hạnh phúc, xen lẫn bất ngờ vì được đón Chủ tịch nước có lối sống giản dị, tới nhà làm việc từ ngày 3 tới 19-12-1946 và có mạnh dạn hỏi Bác rằng: “Quân Pháp mạnh như thế chúng ta có đánh thắng được không?”. Bác trả lời: “Dù phải gian lao kháng chiến nhưng thắng lợi nhất định thuộc về dân tộc ta. Các tiểu thương như gia đình ông hãy cùng ủng hộ, đóng góp cho kháng chiến”. Lúc Bác và đoàn cán bộ rời đi, đám trẻ chúng tôi chạy theo, lưu luyến không rời vì nhớ lắm”, bà Hà hồi tưởng.

Là một gia đình tiểu thương giác ngộ Cách mạng, gia đình bà Hà sau đó trở thành cơ sơ của ATK, Xứ ủy Bắc kỳ. Hưởng ứng lời dạy và lời kêu gọi của Bác, anh trai bà lên đường theo kháng chiến, các chị em bà cũng tích cực tham gia các hoạt động phục vụ cho Cách mạng thắng lợi. 

Cựu chiến sỹ tự vệ Đỗ Văn Đa hồi tưởng thời khắc bắn phát súng lịch sử, mở đầu ngày Toàn quốc kháng chiến

Có mặt tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Văn Đa (92 tuổi, chiến sỹ tự vệ xã Yên Lãng) - một trong những người đã bắn trực tiếp phát đạn đầu tiên tại Pháo đài Láng trong đêm 19-12-1946 mở đầu cho ngày Toàn quốc kháng chiến, không giấu nổi tự hào kể lại giây phút lịch sử đó: “Trưa 19-12, nhóm chiến sỹ tự vệ chúng tôi nhận được tin “đêm hôm nay có thể sẽ đánh địch”, lúc đó bụng dạ anh em sục sôi khí thế song cũng có chút lo lắng vì vốn chỉ quen trồng lúa trồng rau nay lần đầu làm quen và sử dụng khí tài hiện đại. Những kỹ năng từ buổi hướng dẫn truyền miệng hôm trước được vận dụng để nổ phát súng lịch sử. Hôm sau, trinh sát báo về bắn vào trong thành địch chết nhiều lắm, lãnh đạo Trung ương ngay lập tức gọi điện biểu dương bắn giỏi, bắn kịp thời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử làm chúng tôi sướng lắm”.

Tham gia tọa đàm, Đại tá Vũ Tâm – 90 tuổi, nguyên Trung đội trưởng Đội tự vệ Đồng Xuân đã kể lại buổi tuyên thệ của Tiểu đoàn Quyết tử 101 Đồng Xuân ngày 14-1-1947 và trận đánh chợ Đồng Xuân – một trong những trận đánh lớn nhất trong 60 ngày đêm khói lửa.

Phó Giám đốc Sở VH-TT Trương Minh Tiến cho biết, Sở cùng các đơn vị liên quan đã, đang và tiếp tục biến các di tích lịch sử liên quan tới sự kiện Toàn quốc kháng chiến thành điểm đến hấp dẫn, ý nghĩa thu hút đông đảo quần chúng nhân dân

Buổi tọa đàm là hoạt động bổ ích để thế hệ trẻ hiểu hơn những hy sinh, đóng góp của thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, giành độc lập cho dân tộc

Trong khi đó bà Lê Minh Thái – thành viên trong gia đình trên phố Hàng Bột có 8 anh chị em đều tham gia Cách mạng, mang đến tọa đàm những câu chuyện thú vị kể về công việc khâu cờ Tổ quốc, rải truyền đơn giải phóng, giấu vũ khí, ngụy trang và canh giữ các cuộc họp, phục vụ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Với hơn 10 tham luận của các nhân chứng lịch sử, các nhà nghiên cứu gửi đến tọa đàm với nội dung sâu sắc đã góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều nội dung của sự kiện lịch sử này.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trương Minh Tiến - Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội bày tỏ sự biết ơn sâu sắc với thế hệ đi trước, đồng thời cho biết, Sở phối hợp cùng các đơn vị liên quan đã, đang và sẽ tiếp tục bảo tồn, tổ chức các hoạt động thiết thực bổ ích tại các di tích lịch sử liên quan tới sự kiện Toàn quốc kháng chiến 19-12, qua đó thu hút người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tham gia để có thể hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa to lớn của sự kiện cũng như những hy sinh mất mát của những thế hệ người dân Thủ đô, quyết hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.