- Tận mắt di tích độc đáo với xác "Pháo đài bay" B52 giữa lòng Hà Nội sau 50 năm lịch sử
- Căn hầm chỉ huy tác chiến T1 trong 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"
- Nhân chứng kể chuyện ít biết về chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử
Tâm thế chủ động “đón” B.52
Cách đây vừa tròn 50 năm, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Thủ đô đã anh dũng chiến đấu, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của Đế quốc Mỹ phá hoại Miền Bắc Việt Nam, lập nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” hào hùng, vang dội, buộc Chính phủ Mỹ khi đó phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần tiến tới giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Tổ Quốc.
“Chưa bao giờ lực lượng B-52 của Mỹ vấp phải một hệ thống phòng không có hiệu lực đến như thế và bị thiệt hại nhiều máy bay đến như thế trong một khoảng thời gian ngắn như thế”- Đó là lời thuật lại của một phi công Mỹ tham gia trong cuộc tập kích đường không chiến lược với “siêu pháo đài bay” B.52 đánh vào Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam cuối tháng 12 năm 1972, được hãng Thông tấn AFP ghi lại, sau khi chiến dịch kết thúc 2 ngày.
Phó chủ tịch UBNDTP Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm "Từ mặt đất tới bầu trời" (ảnh Tùng Lee) |
Chiến thắng đó đã minh chứng cho quyết tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đánh bại âm mưu leo thang chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam của đế quốc Mỹ. Đặc biệt là tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “tiên đoán” sớm về việc Mỹ sẽ đem B.52 đánh ra Hà Nội. Ở đó có một lưới lửa phòng không nhiều tầng được Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam và các đơn vị chiến đấu giăng sẵn để chờ B.52. Ở đó có những chiến công và sự hy sinh… Trên tất cả, quân và dân Hà Nội đã làm nên một chiến thắng lịch sử và buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký hiệp định Paris và rút quân về nước.
Các đại biểu và du khách trải nghiệm công nghệ 3D mapping tại Hầm Chỉ huy tác chiến T1 (ảnh Lại Quang) |
Với một hệ thống tài liệu, hiện vật, hình ảnh, triển lãm đem đến cho người xem cái nhìn toàn diện về 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, chứng minh “Hà Nội không bất ngờ” cùng tâm thế chiến đấu và sự chuẩn bị kỹ càng để “đón” B.52.
Trong khuôn khổ của triển lãm, một cuộc tọa đàm với sự tham dự của những phi công của Phi đội bay đêm đánh B52 cũng đã được tổ chức. Thế hệ trẻ ngày hôm nay được gặp lại những người anh hùng của 50 năm về trước như: Thượng tá phi công MiG 21 Vũ Đình Rạng, Đại tá phi công MiG 21 Bùi Doãn Độ- phi công bắn rơi máy bay Mỹ cuối cùng trên bầu trời Hà Nội, Đại tá, Đại tá phi công MiG 21 Nguyễn Công Huy, Đại tá phi công MiG 21 Hoàng Biểu…
Cuộc tọa đàm có sự tham dự của các phi công MiG21 Phi đội bay đêm đánh B.52 (ảnh Tùng Lee) |
Những chuyến bay đêm “săn B.52” khi đó, mỗi lần cất cánh đều là một lần cảm tử. Vượt qua tất cả những khó khăn, gian khổ, bằng tài trí và mưu lược, họ luôn tạo ra những cách đánh của riêng mình, của riêng không quân Việt Nam. Để rồi sau đó, mấy chục năm chiến tranh qua đi, khi gặp lại những người ở phía bên kia chiến tuyến- những người mà họ đã từng trực tiếp đối đầu, đã từng nhìn thấy nhau qua cửa sổ máy bay chiến đấu, họ tiếp tục nhận được lời cảm ơn từ phía bên kia: “Cảm ơn ông, chúng tôi nợ ông mạng sống của mình”.
Phi công Nguyễn Anh Sơn bên trang sách có ảnh của ông- cuốn sách vừa ra mắt "108 phi công chiến đấu Việt Nam" (ảnh Lại Quang) |
Đặc biệt hơn nữa, cũng trong triển lãm này, một cuốn sách kỳ công với ý tưởng mới lạ cũng được giới thiệu “108 phi công chiến đấu Việt Nam”.
Căn hầm đặc biệt ghi dấu cuộc đấu trí chiến lược
T1 là căn hầm đặc biệt nằm trong di tích Hoàng Thành Thăng Long được biết đến như một chứng nhân lịch sử, ghi dấu những thời khắc quyết liệt, khẩn trương, đầy cam go và tập trung cao độ của Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, nơi đưa ra các mệnh lệnh, chỉ huy quân dân Thủ đô và Miền Bắc đánh thắng giặc Mỹ ngay trên bầu trời Hà Nội.
Hầm chỉ huy Cục tác chiến T1 được xây dựng vào cuối năm 1964 đầu năm 1965, ngay từ những ngày đầu Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam (lần thứ nhất). Vị trí nằm ở phía Tây liền kề ngôi nhà Cục Tác chiến.
Hầm có kết cấu như một công sự nửa nổi nửa chìm, ¾ chìm dưới lòng đất, chỉ có nóc hầm nhô lên bên trên bằng bê tông nguyên khối với ba lớp: 2 lớp bê tông và một lớp đệm cát ở giữa. Qua lớp cửa nặng bên ngoài phòng chống sóng áp lực nguyên tử là lớp cửa nhẹ bên trong rất kín có thể chống tia phóng xạ, hơi độc. Hầm cũng có hệ thống thông hơi lọc độc và hệ thống điều hòa nhiệt độ bằng quạt, thổi hơi nước lạnh từ bên ngoài vào. Với kết cấu vững chắc và trang thiết bị hiện đại lúc bấy giờ, hầm có thể chịu được bom tấn, tên lửa, phòng chống được bom nguyên tử, bom hóa học.
Tại hầm chỉ huy tác chiến T1, kíp trực ban tác chiến làm việc liên tục 24/24 giờ, có nhiệm vụ nắm chắc tình hình quân địch và cả lực lượng của ta, diễn biến chiến đấu để đề xuất cách giải quyết các tình huống lên cấp trên. Đồng thời, kíp trực cũng truyền đạt mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên đến các quân binh chủng, quân khu, quân đoàn… đảm bảo hoàn thành cả ba nhiệm vụ: Đánh máy bay địch nhất là B52, công tác phòng không nhân dân, công tác giao thông vận tải chi viện chiến trường.
Suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, tại hầm chỉ huy tác chiến T1, nhiều thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ huy quân dân miền Bắc tiến hành trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội giành thắng lợi to lớn.
Trong đêm 18/12/1972, tại Hầm chỉ huy T1 đã diễn ra cuộc đấu trí quyết liệt giữa cơ quan tham mưu chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam với không lực Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng có mặt cùng các sĩ quan tham mưu tác chiến chỉ đạo các lực lượng phòng không mở màn trận quyết chiến chiến lược 12 ngày đêm để sau đó làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ trên không hào hùng, vang dội.
Áp công nghệ 3D Mapping, tái hiện lại hoạt cảnh “Hầm T1 trong đêm bão lửa”, du khách sẽ được “chứng kiến” toàn bộ diễn tiến của 12 ngày đêm lịch sử, tất cả đều được tái hiện sống động bằng hình ảnh và âm thanh hết sức chân thực:
Trưa 18/12/1972, cơ quan tình báo phát hiện ở phía đông Philippines, hàng chục máy bay tiếp dầu cho B52. Tin tình báo báo về, B52 cùng các máy bay chiến thuật khác sẽ đánh vào Hà Nội ngay trong buổi tối.
Chiều ngày 18/12/1972, không khí làm việc trong Tổng hành dinh đã rất khẩn trương, hối hả. Tình hình căng thẳng, Cục tác chiến được yêu cầu trực 24/24h ở dưới hầm T1. Căn hầm nằm sâu trong Hoàng thành Thăng Long, là nơi đầu tiên tiếp nhận thông tin quân sự. Giữa mùa đông giá rét, hầm vẫn "nóng hầm hập" vì tin tức tình báo từ các chiến trường liên tục gửi về.
Áp công nghệ 3D Mapping, tái hiện lại hoạt cảnh “Hầm T1 trong đêm bão lửa”, du khách sẽ được “chứng kiến” toàn bộ diễn tiến của 12 ngày đêm lịch sử, tất cả đều được tái hiện sống động bằng hình ảnh và âm thanh hết sức chân thực |
16h, kíp trực ban được lệnh “ở lỳ” dưới hầm trực chiến, trực ban trưởng Trần Độ, trực ban phó Nguyễn Văn Ninh cùng các chiến sỹ tiêu đồ, kỹ thuật viên làm việc liên tục, chuẩn bị tinh thần vào trận đánh lớn.
19h10, Sở Chỉ huy nhận được điện báo của Quân chủng Phòng không - Không quân, đài ra đa ở Đô Lương, Nghệ An đã phát hiện máy bay B-52 Mỹ từng tốp đang bám theo đất Lào, ngược lên phía Bắc Việt Nam.
Các tiêu đồ viên trong hầm chỉ huy tập trung nghe tín hiệu của Trung tâm ra-đa, vẽ đường bay của B52 lên bảng mica, thận trọng vẽ những nét chì xanh trên bản đồ. Các sĩ quan tham mưu chăm chú theo dõi những đường xanh ngoằn ngoèo là máy bay phản lực tiêm kích, những đường xanh thẳng tắp từ xa nhích dần vào Hà Nội là các tốp B-52 Mỹ. Trên tiêu đồ khoảng cách mục tiêu B-52 càng xích gần về Hà Nội.
Tình hình đã rất khẩn trương, cứ 5 phút một lần, kíp trực ban phải báo cáo tình hình cho Bộ Tổng tham mưu. Đồng chí trực ban trưởng Trần Độ nhanh chóng báo cáo tình hình cho lãnh đạo Bộ Chính trị bên Hầm D67 qua hệ thống micro trực tuyến.
Đồng chí Trực ban phó Nguyễn Văn Ninh nhấc điện thoại báo cáo với Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng: “Báo cáo thủ trưởng, B52 cất cánh từ Guam, Utapao.. nhiều tốp bay dọc sông Mekong lên phía Bắc, các lực lượng phòng không không quân đã sẵn sàng, vào cấp 1 xong”, và đề nghị cho phép kéo còi báo động sớm hơn quy định.
Liền sau đó, trực ban phó Nguyễn Văn Ninh đến góc phòng trực ban tác chiến, ấn chiếc còi báo động màu đỏ. Chiếc còi kết nối với hệ thống còi lớn đặt trên nóc Hội trường Ba Đình. Nhận được tín hiệu, còi báo động phòng không ở Nhà hát Lớn, bưu điện Hà Nội, ga Hàng Cỏ... đồng loạt rú vang, thông báo người dân nhanh chóng xuống hầm trú ẩn.
Còi báo động rú từng hồi. Trong hầm, điện thoại liên tục đổ chuông. Cả kíp trực ban gồm ba người chỉ kịp nhấc máy và trả lời cùng một câu: “Mời đồng chí xuống ngay hầm phòng không”.
19h45 từng đoàn máy bay B-52 bắt đầu trút bom xuống Hà Nội và các vùng phụ cận, cả Hà Nội rung chuyển trong tiếng bom. Các khu công nghiệp, kho tàng, khu đông dân cư, trận địa phòng không ở Đông Anh, Yên Viên, kho xăng Đức Giang, Bệnh viện Bạch Mai, Đài Tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì… đều bị trúng bom. Căn hầm cũng nhiều lần chao đảo. Lưới lửa phòng không giăng sáng rực cả bầu trời. Thông tin chỉ huy và báo cáo tình hình được truyền đi liên tục. Tình hình khẩn trương đến mức các đồng chí lãnh đạo Bộ Chính trị trực tiếp xuống hầm chỉ huy giao nhiệm vụ. Liên lạc giữa hai hầm Tác chiến T1 và hầm chỉ huy D67 thông suốt từ chập tối hôm đó đến sáng hôm sau.
Trong hầm chỉ huy tác chiến không khí thật im lặng, trật tự, đèn nê ông rất sáng. Bên bàn lớn đối diện với bảng tiêu đồ là bàn trực ban sở chỉ huy, ngồi bên cạnh Đại tá Vũ Lăng, Cục trưởng Cục Tác chiến là Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài và đặc biệt còn có Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng.
Bom ném xuống, pháo cao xạ, tên lửa bắn lên, lưới lửa phòng không sáng rực cả bầu trời Hà Nội. Những vầng lửa lóe lên, chớp giật liên hồi. Theo sau là những tràng tiếng nổ long trời. Rồng lửa Thăng long nối nhau bay vút lên không trung, đan những vệt sáng màu da cam giữa màn đêm Hà Nội. Trong hầm, điện thoại réo vang. Ai nấy mồ hôi ướt đầm, thấp thỏm vì chưa nhận được tin tức về B52.
20h13, những người lính trên đài quan sát trên đỉnh Cột cờ trong Hoàng thành hò reo "máy bay bị bắn rơi phía Bắc, cháy rất lớn". Rồi trực ban Quân chủng Phòng không - Không quân thông báo gấp gáp “Một B52 rơi rồi, phía Đông Anh”. Chiếc máy bay B52 đầu tiên đã bị tiểu đoàn 59, trung đoàn tên lửa 251 bắn rơi tại cánh đồng Chuôm Phù Lỗ, hạ gục ngay trong đêm mở màn chiến dịch.
Căn hầm như muốn nổ tung.Tin chiến thắng xé toang bầu không khí căng thẳng. Tổng hành dinh náo nức trong niềm vui được thấy pháo đài bay B52 không còn “bất khả xâm phạm” trước “rồng lửa Thăng Long”. Các đồng chí Văn Tiến Dũng, Lê Hiến Mai, Phùng Thế Tài và cả kíp trực sung sướng trào nước mắt.
Trời sáng, trực ban sở chỉ huy bấm công tắc micro: “lệnh báo yên thành phố”, đồng thời báo cáo Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu: trận đánh B-52 đêm 18 rạng ngày 19 tháng 12 năm 1972 kết thúc. Địch sử dụng 163 lần chiếc máy bay không quân chiến thuật và 90 lần chiếc B-52, đánh trên 100 điểm. Ta bắn rơi 7 máy bay Mỹ, trong đó có 3 máy bay B-52, bắt sống 7 giặc lái.
Đêm 18/12/1972, đêm mở màn chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” đã trở thành đêm chiến đấu kiên cường và ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân dân ta, cũng là đêm kinh hoàng đối với những tên giặc lái Mỹ.