Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh cam kết đảm bảo tiến độ khởi công Vành đai 4 vào tháng 6-2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, song lãnh đạo cả 3 địa phương gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh đều cam kết đảm bảo tiến độ khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào tháng 6-2023.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị

Sáng 7-3, tại tỉnh Bắc Ninh, Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội họp, nghe báo cáo tiến độ triển khai dự án và những khó khăn, vướng mắc, giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì.

Báo cáo của Ban chỉ đạo cho biết, đến nay, thành phố Hà Nội đã di chuyển 5.307/11.682 ngôi mộ, đạt 48,83%; phê duyệt và thu hồi đất được 276,08/796,766 ha, đạt 34,65%. Tổng số tiền đã phê duyệt trên địa bàn thành phố Hà Nội là 2.488,73 tỷ đồng.

Đối với tỉnh Hưng Yên, tổng diện tích thu hồi trong phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) là 263,7ha. Số hộ có đất ở diện thu hồi là 843 hộ; số mộ cần di dời là 3.327 ngôi; dự kiến diện tích bố trí tái định cư là 50ha.

Tổng kinh phí thực hiện công tác GPMB dự án khoảng 5.966,84 tỷ đồng, vượt 2.226,84 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua với phần dự án qua địa phận tỉnh Hưng Yên.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị

Tại tỉnh Bắc Ninh, tổng diện tích đất bị thu hồi khoảng 389 ha; số mộ bị ảnh hưởng 3.189 mộ. Hiện tại, tỉnh chưa thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đối với việc triển khai thực hiện các dự án thành phần, đến nay, Hà Nội đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 1.1 (công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) và dự án thành phần 2.1 (xây dựng đường song hành).

Trong khi đó, các dự án thành phần 1.2, 1.3, 2.2, 2.3 do UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh là cơ quan có thẩm quyền đang tổ chức thẩm định, tiến độ bị chậm và có nguy cơ ảnh hưởng đến việc khởi công dự án trong tháng 6-2023.

Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại hội nghị
Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa và Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đều khẳng định cam kết và quyết tâm bàn giao từ 70% mặt bằng để khởi công dự án như kế hoạch (tháng 6-2023).

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, dự án Vành đai 4 là dự án cụ thể, công việc cụ thể được triển khai theo mô hình hoạt động vùng. Ông Thanh đề nghị báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất phê duyệt tổng mức đầu tư 3 dự án thành phần trên cơ sở thực tế.

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, tiến độ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào vận hành năm 2027) không chỉ được ghi rõ trong Nghị quyết của Quốc hội, mà còn trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ, cho thấy sự chỉ đạo đồng bộ và quyết tâm chính trị cao của Trung ương và 3 địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo kết luận hội nghị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo kết luận hội nghị.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, đối với dự án trọng điểm quốc gia như đường Vành đai 4 thì làm sớm được ngày nào có lợi ngày đó, vừa đỡ lãng phí, vừa mở ra cơ hội phát triển. Công tác GPMB dự án cũng vậy, làm sớm được ngày nào, người dân có điều kiện sớm ổn định cuộc sống ngày đó.

Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đề nghị các cấp, các ngành của 3 địa phương đẩy nhanh công tác GPMB, bảo đảm đúng tiến độ bàn giao như dự kiến. Trong quá trình thực hiện, cần vận dụng chính sách để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân.

Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Đinh Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét, có ý kiến sớm đối với các nội dung kiến nghị, đề xuất của Ban Chỉ đạo. Trên tinh thần đó, Ban Chỉ đạo sẽ có văn kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, đề xuất ra nghị quyết của Chính phủ đối với 9 nội dung kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.

Hội nghị thống nhất ban hành biên bản do Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án của 3 tỉnh ký kết. Đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo chung của cả 3 tỉnh sẽ ký văn bản báo cáo Chính phủ về các nội dung kiến nghị.