Hà Nội dự định cấp thẻ hành nghề, quản lý “xe ôm”

ANTD.VN - UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về dự thảo quyết định việc sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa.

"Xe ôm" phải đăng ký với phường, xã

Cụ thể, dự thảo nghị quyết nêu rõ, những người dùng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để chở khách hay hàng hóa phải đủ 16 tuổi trở lên và phải đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để xác nhận đóng dấu vào thẻ hoạt động vận chuyển. Thẻ này do tổ chức, cá nhân tự in ấn theo mẫu.

Ngoài ra, người hành nghề chở khách, hàng hóa phải mang theo giấy chứng nhận đăng ký xe; giấy phép lái xe (nếu điều khiển xe mô tô hai bánh); giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực; giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực; thẻ hoạt động vận chuyển trong lúc hành nghề.

Theo quy định, xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa vượt quá chiều rộng giá đèo hàng về mỗi bên 0,3 m, vượt quá về phía sau giá đèo hàng 0,5m theo thiết kế của nhà sản xuất; chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 2m.

UBND các quận, huyện, thị xã quy định vị trí đón trả khách và xếp dỡ hàng hóa cho xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách và hàng hóa tại nơi công cộng thuộc địa phương quản lý.

Hà Nội dự kiến sẽ cấp thẻ hành nghề, quản lý "xe ôm"

Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ và các loại xe tương tự phải đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định tại khoản 1 điều 47 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đăng ký vận chuyển hành khách (hàng hóa) với UBND phường, xã, thị trấn nơi cư trú.

Đối với cá nhân kinh doanh vận chuyển phải gửi đăng ký hoạt động và Thẻ hoạt động vận chuyển đến UBND phường, xã, thị trấn nơi mình cư trú để đóng dấu xác nhận vào Thẻ hoạt động vận chuyển.

Cấm sử dụng xe máy để bán hàng rong

Đối với tổ chức kinh doanh ngoài phải bảo đảm theo quy định thì phải thực hiện thanh toán cước phí vận chuyển thông qua ứng dụng Phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hoặc theo thỏa thuận dân sự.

Nghị quyết cũng dự định cấm sử dụng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ và các loại xe tương tự để kinh doanh quảng cáo, bán hàng rong trên các tuyến quốc lộ, đường trong đô thị làm ảnh hưởng an toàn giao thông.

Sử dụng các loại xe như xe xích lô, xe mô tô ba bánh tự chế; xe xúc vật kéo, xe người kéo, xe đẩy (trừ xe dịch vụ chuyên dùng đô thị, xe của người tàn tật, xe nôi trẻ em) xe đạp thồ, hoạt động trên các tuyến đường không được phép hoạt động.

Dự kiến sau khi hoàn thành việc lấy ý kiến, UBND TP Hà Nội sẽ hoàn thiện dự thảo và ban hành chính thức vào cuối năm 2024, có hiệu lực ngay sau đó. Dự thảo hiện chưa nêu mức chế tài mà tài xế phải nộp nếu không có thẻ hành nghề.

Theo thống kê, hiện Hà Nội có trên 8,1 triệu xe, trong đó ô tô khoảng 1,1 triệu xe, và khoảng 7 triệu xe máy. Ngoài ra còn khoảng 1,2 triệu xe các loại từ các tỉnh thành khác tham gia giao thông tại thủ đô.