Hà Nội: Còn 60 công trình vi phạm phòng cháy chữa cháy chưa khắc phục

ANTD.VN - Trước thực tế còn tồn tại 60/79 công trình vi phạm về phòng cháy chữa cháy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho rằng, việc xử lý chưa triệt để khiến nguy cơ cháy nổ còn phức tạp.

Diễn tập PCCC và cứu hộ cứu nạn ở nhà cao tầng ở Hà Nội

Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết, Hà Nội hiện có khoảng gần 500.000 nhà ống, trong đó có trên 120.000 nhà có kết hợp kinh doanh dịch vụ, mặt tiền thường bị bịt kín, thiếu lối thoát nạn... Đây là những loại hình khi xảy ra cháy, nổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Qua thống kê, số vụ cháy hàng năm cũng như hậu quả thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra vẫn có dấu hiệu gia tăng (trung bình từ 600 - 800 vụ/năm).

Đáng chú ý, đã xảy ra một số vụ hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, như: vụ cháy quán Karaoke 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy vào ngày 01/11/2016 làm 13 người chết; vụ cháy tại cơ sở sản xuất sôcôla kết hợp nhà ở tại thôn Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức ngày 29/7/2017 làm 8 người chết...

Địa bàn xảy ra cháy tập trung nhiều ở các quận nội thành (chiếm khoảng 75%). Chủ yếu ở các doanh nghiệp kinh tế tư nhân và nhà dân (chiếm từ 75% đến 80%). Số vụ cháy lớn chỉ chiếm từ 1 đến 2% nhưng thiệt hại chiếm khoảng 80 đến 85% do xảy ra tại các địa điểm tập trung đông người như nhà cao tầng, quán karaoke, nhà hàng, quán ăn...

Thực hiện chỉ đạo của HĐND, UBND TP, Cảnh sát PC&CC Thành phố phối hợp Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, thị xã điều tra, thống kê toàn bộ các nhà chung cư cao tầng xây dựng không có giấy phép, xây dựng sai phép không đảm bảo yêu cầu về PCCC, các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng... đã công khai danh sách 79 công trình nhà cao tầng chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã có 19/79 công trình khắc phục các vi phạm về PCCC; còn tồn tại 60/79 công trình đang tiếp tục triển khai thực hiện...

Giám đốc Cảnh sát PC&CC cho biết, chuyển biến trong nhận thức của người đứng đầu, của người dân về công tác tự phòng ngừa vẫn chưa cao, còn lơ là, chủ quan, chưa chấp hành đầy đủ các quy định về PCCC. Việc đầu tư cho hệ thống PCCC tại chỗ còn mang tính chất đối phó; vẫn còn nhiều vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm nhiều lần, chậm trễ khắc phục kiến nghị của cơ quan Cảnh sát PCCC...

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch các quận huyện, xã phường. Nhấn mạnh thêm công tác xử lý sai phạm chưa thực sự quyết liệt khi đã có quy trình cụ thể, ông Nam nói: “Chắc chắn, sắp tới, HĐND TP sẽ tiếp tục chất vấn về việc các công trình vi phạm về PCCC đã chuyển cho Cảnh sát PC&CC Hà Nội được xử lý đến đâu, có triệt để không?”.