Gắn biển cho các cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn
Theo Sở Công Thương Hà Nội, với việc thực hiện gắn biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng được các yêu cầu của Đề án trái cây, tính đến thời điểm 31 -3-2018, UBND các quận đã cấp biên nhận diện cho 520 cửa hàng kinh doanh trái cây, đạt tỷ lệ 56%.
Một số quận có tỷ lệ gắn biển đạt cao là: Hai Bà Trưng (72%); Thanh Xuân (71%); Nam Từ Liêm (68%); Đống Đa (64%)... Quận Tây Hồ hiện có tỷ lệ cửa hàng trái cây được gắn biển nhận diện trái cây an toàn thấp nhất (chỉ đạt 21%).
"Sở Công Thương đã có văn bản gửi UBND các quận đề nghị hoàn thành việc câp biên nhận diện cho 100% các cừa hàng kinh doanh trái cây trong quý III-2018"- Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết.
Cũng theo Sở Công Thương Hà Nội, tính đến hết tháng 3-2018, tại 12 quận có 941 cửa hàng kinh doanh trái cây, trong đó có 817 cửa hàng có trang thiết bị bảo quản; 657 cửa hàng có trang thiết bị giám sát chất lượng; 712 cửa hàng trang bị thiết bị vận chuyển, 625 cửa hàng dán tem truy xuất nguồn gốc trái cây…
Tuy nhiên, thực tế thực hiện Đề án đang nảy sinh không ít bất cập, như: cửa hàng nhỏ lẻ muốn gắn biển nhận diện thì lại không đủ điều kiện, trong khi có cửa hàng lớn đủ điều kiện lại từ chối gắn logo.
Trong khi đó, lực lượng chức năng lại khó xử lý vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm do quy định về việc này thiếu thống nhất.
Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, sắp tới, các sở, ngành, địa phương sẽ kết hợp tuyên truyền và xử lý nghiêm khắc vi phạm để hoạt động kinh doanh trái cây đi vào nề nếp.
Đề án Trái cây đặt ra kế hoạch, từ tháng 3-2018 đến tháng 12-2018, thành phố sẽ tập trung kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây không thực hiện đúng các quy định nêu tại Đề án; Kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng; Kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATTP.