Gợi ý đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh Nghệ An năm 2021

ANTD.VN - Sáng nay (3/6), hơn 36.000 thí sinh Nghệ An đã bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2021-2022. Môn thi đầu tiên là Ngữ văn có thời gian làm bài là 120 phút. An ninh Thủ đô xin cập nhật Gợi ý đáp án đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn tỉnh Nghệ An năm 2021 do hệ thống giáo dục HOCMAI thực hiện.

Câu 1

a. Từ làm phép nối để liên kết hai đoạn văn ở phần in đậm là từ “nhưng”.

b. Từ láy được sử dụng trong câu văn: “xào xạc”.

c. Câu văn “Cây che nắng cháy gió mưa, che chở chim non đến khi đủ lông đủ cánh” vừa gợi những gian khó, vất vả trong cuộc đời cha mẹ vừa thể hiện tình yêu thương, sự chở che, bao bọc của cha mẹ với con cái trong hành trình dài rộng của cuộc đời.

d. Đây là một câu hỏi mở. Học sinh nêu cách hiểu của cá nhân. Cần lí giải thuyết phục, hợp lí.

Sau đây là gợi ý:

Thông điệp tác giả muốn gửi gắm trong đoạn trích:

- Gia đình là điểm tựa vững chắc cho mỗi con người trong cuộc đời.

- Vì con, cha mẹ có thể chịu nhiều vất vả, gian khó.

- Sự thành công của mỗi con người luôn có hình bóng của cha mẹ.

- Mỗi người cần biết trân trọng những giây phút bên cha mẹ khi còn có thể.

Câu 2

1. Về hình thức

- Xác định đúng yêu cầu cần nghị luận.

- Bài viết đảm bảo đầy đủ bố cục 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.

- Bài làm sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận, không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, lỗi ngữ pháp.

- Bài làm sáng tạo và giàu cảm xúc.

2. Về nội dung

a. Xác định vấn đề cần nghị luận

Vai trò của tính tự lập đối với giới trẻ.

b. Triển khai vấn đề

* Giải thích

Tính tự lập là khả năng tự thực hiện mọi việc, không dựa dẫm vào người khác, sử dụng tài năng, bản lĩnh của cá nhân để làm chủ cuộc sống của mình.

* Bàn luận

Vai trò của tính tự lập:

- Tính tự lập giúp chúng ta thể hiện sự tự tin, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, nỗ lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

- Tính tự lập giúp chúng ta tự giác chăm lo cho bản thân, hoàn thành các công việc giúp chúng ta trưởng thành, bản lĩnh, vững vàng hơn trong cuộc sống.

- Tính tự lập giúp chúng ta làm chủ cuộc sống của chính mình, sớm xây dựng kế hoạch hoàn thiện và phát triển bản thân, không trở thành gánh nặng hay sự ràng buộc cho những người xung quanh.

* Mở rộng vấn đề

Tự lập khác với tự do, thích làm việc theo cảm xúc mà không suy nghĩ.

* Bài học nhận thức và hành động

- Cần vững tin vào bản thân và những điều mình tin tưởng, chủ động tự kiểm soát cuộc sống trong mọi việc: học tập, sinh hoạt,...

- Lắng nghe ý kiến của những người xung quanh để hoàn thiện bản thân.

- Kiên cường vượt qua mọi khó khăn, tránh thụ động, ỷ lại trong cuộc sống.

Câu 3

1. Về hình thức

- Xác định đúng yêu cầu cần nghị luận.

- Bài viết đảm bảo đầy đủ bố cục 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.

- Bài làm sử dụng linh hoạt các thao tác lập luận, không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, lỗi ngữ pháp.

- Bài làm sáng tạo và giàu cảm xúc.

2. Về nội dung

a. Xác định vấn đề cần nghị luận

Cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người được thể hiện trong 9 câu thơ đầu trong bài thơ “Nói với con” của Y Phương.

b. Triển khai vấn đề

b.1. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu vị trí, nội dung đoạn thơ cần cảm nhận.

b.2. Thân bài

* Bốn câu thơ đầu nhà thơ Y Phương nói với con về cội nguồn sinh dưỡng đầu tiên của mỗi con người chính là gia đình

- Sử dụng cặp câu đăng đối trong các hình ảnh “chân phải” - “chân trái”, “cha” - “mẹ” và cách nói ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đã tạo nên hình ảnh thơ vừa cụ thể vừa có sức khái quát cao.

- Y Phương đã tái hiện được một không khí gia đình đầm ấm, quấn quýt và hạnh phúc tràn đầy. Từng bước đi chập chững, từng tiếng nói cười bi bô của con đều được cha mẹ nâng đón với một tình yêu vô bờ.

* Năm câu thơ sau nhà thơ Y Phương nói với con về cội nguồn sinh dưỡng thứ hai của mỗi con người là quê hương

- Con lớn lên trong cuộc sống cần cù, đoàn kết, lạc quan của con người quê hương

+ “Người đồng mình” chỉ những người vùng mình, miền mình, những người cùng sống trên một vùng đất. Ba tiếng “người đồng mình” cùng với cách nói trực tiếp “yêu lắm con ơi” đã thể hiện tình cảm yêu mến, tự hào của tác giả về con người quê hương giản dị mà gắn bó, đoàn kết.

+ Người đồng mình khéo léo trong cuộc sống lao động: Chiếc “lờ” vốn mộc mạc được đan tỉ mỉ, tài hoa, trau chuốt thành “nan hoa”.

+ Người đồng mình lạc quan trong cuộc sống sinh hoạt: Những căn nhà thô sơ được người đồng mình lấp đầy bằng cách “ken” thêm vào những “câu hát”. Cuộc sống trong thung tuy nghèo khó nhưng con người luôn vui vẻ, lạc quan, hạnh phúc.

- Con lớn lên trong sự đùm bọc, che chở của con người và rừng núi quê hương

+ “Rừng cho hoa”: Rừng núi thơ mộng đem đến niềm vui, nuôi dưỡng xúc cảm thẩm mĩ cho con người.

+ “Con đường cho những tấm lòng”: Gợi vẻ đẹp tình nghĩa gắn bó giữa người với người, quê hương đã bồi đắp, chở che cho con người.

* Đánh giá: Bằng thể thơ tự do, hình ảnh giàu sức gợi cảm, mang đậm lối tư duy của người miền núi cùng các biện pháp tu từ điệp ngữ, nhân hóa, Y Phương đã nói với con về cội nguồn sinh dưỡng, mong con hãy biết yêu, biết trân trọng gia đình, quê hương. Những tình cảm đó sẽ nâng bước con trên hành trình dài rộng của cuộc đời.

b.3. Kết bài: Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ.