Gói nâng cấp đặc biệt giúp Leopard 2A4 tránh khỏi "thảm họa Afrin"

ANTD.VN - Những hình ảnh từ chiến trường Syria cho thấy xe tăng Leopard 2A4 của Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp phải những tổn thất nghiêm trọng khi trở thành mục tiêu của tên lửa chống tăng đối phương.

Thiệt hại lớn đến mức không ngờ của Leopard 2A4 trên chiến trường Syria đã gây ra không ít nghi ngờ về năng lực tự bảo vệ của dòng xe tăng chiến đấu chủ lực vẫn được coi là tốt nhất thế giới.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng phiên bản Leopard 2A4 đã khá lạc hậu, nó chỉ tương đương với T-72 thế hệ cũ. 

Nếu đối tượng trúng tên lửa chống tăng từ quân nổi dậy là một biến thể nâng cấp như chiếc Leopard 2A4M CAN thì dự báo mọi việc sẽ rất khác.

Vào giữa những năm 2000, từ kinh nghiệm triển khai Leopard C2 (phiên bản Leopard 1) tại Afghanistan, Canada nhận thấy họ cần một chiếc MBT có khả năng bảo vệ tốt hơn trước mìn và các phương tiện nổ tự chế so với Leopard C2.

Do nền tảng Leopard C2 không còn tiềm năng hiện đại hóa, để cấp tốc nâng cao sức mạnh lực lượng thiết giáp, Canada đã quyết định mua lại 80 chiếc Leopard 2A4 và 20 xe Leopard 2A6 từ Quân đội Hà Lan, ngoài ra còn có thêm 20 chiếc Leopard 2A6 nữa mượn từ Đức.

Đến năm 2009, Canada ký hợp đồng với Tập đoàn Krauss-Maffei Wegmann của Đức để tân trang và nâng cấp 20 chiếc Leopard 2A4 mua từ Hà Lan lên chuẩn Leopard 2A4M CAN. 

Quá trình trên hoàn thành trong năm 2010 và 5 chiếc đã được cử tới tham chiến ở Afghanistan.

Phiên bản Leopard 2A4M CAN chủ yếu được nâng cấp mức độ bảo vệ nhờ việc lắp thêm các tấm giáp composite, đặc biệt phát huy tác dụng khi chống lại đạn xuyên lõm hay vật liệu nổ tự chế (IED). 

Bộ giáp này tương tự như loại trang bị cho Leopard 2A7 nhưng khác biệt về chi tiết, trong đó có một tấm bảo vệ xe trước tác động của mìn được thêm vào.

Khu vực phía sau thân xe và tháp pháo được lắp thêm giáp lồng, phát huy tác dụng cao đối với đạn rocket kiểu RPG-7. 

Một thay đổi nữa là tháp pháo sử dụng hệ thống điều khiển điện chứ không phải là thủy lực như nguyên bản.

Sau nâng cấp, Leopard 2A4M CAN có kíp chiến đấu 4 người (trưởng xe, pháo thủ, nạp đạn và lái xe), trọng lượng lên tới 62,5 tấn; chiều dài 9,61 m khi pháo quay về phía trước (thân dài 7,74 m); chiều rộng 4,05 m; chiều cao 2,5 m. 

“Trái tim” của Leopard 2A4M CAN là động cơ diesel tăng áp MTU MB-837 Ka501 công suất máy 1.500 mã lực, cho tốc độ tối đa 72 km/h, tầm hoạt động 550 km. 

Xe có khả năng leo dốc 60%, đi trên mặt phẳng nghiêng 30%, vượt vật cản cao 1,15 m, vượt hào rộng 3 m, lội nước sâu 1 m khi chưa chuẩn bị hoặc lên tới 4 m nếu lắp thêm ống thở.

Leopard 2A4M CAN vẫn giữ lại khẩu pháo nòng trơn 120 mm L/44 với cơ số 42 viên đạn như ở người tiền nhiệm, tuy rằng ban đầu nó đã được lên kế hoạch lắp đặt pháo 120 mm L/55 tương tự phiên bản Leopard 2A6. 

Pháo L/55 có tầm bắn xa và chính xác hơn, triển khai được các loại đạn uy lực hơn, phát huy tác dụng rõ rệt khi tham gia đấu tăng. 

Nhưng vì chiến trường Afghanistan không yêu cầu khả năng này, cho nên cuối cùng khẩu pháo L/44 vẫn được giữ lại. 

Vũ khí phụ của nó gồm 2 khẩu súng máy C6 cỡ 7,62 mm, cơ số đạn là 4.750 viên.

Ngoài ra khi cần thiết thì Leopard 2A4M CAN vẫn có thể lắp thêm lưỡi ủi, bộ dụng cụ rà phá mìn… 

Với gói nâng cấp trên, Leopard 2A4M CAN có mức độ bảo vệ theo đánh giá là không thua kém phiên bản Leopard 2A7, đủ khả năng vô hiệu hóa mọi loại tên lửa chống tăng tối tân nhất hiện nay.