Giúp trẻ trở lại guồng quay học hành

ANTĐ - Sau 9 ngày nghỉ Tết, chị Phạm Thu Hương, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên quyết tâm đưa con vào khuôn khổ ngay từ những ngày đầu trở lại trường học. Tuy nhiên, thời gian nghỉ Tết dài ngày đã khiến chị khá vất vả “sốc” lại  tinh thần học tập cho cậu con trai đang học lớp 4.

Nghỉ tết dài ngày, nhiều phụ huynh vất vả khi đưa con đi học trở lại

Giả vờ ốm để được nghỉ

Chị Hương phàn nàn, chỉ sau mấy ngày cùng gia đình về quê nội ở Bình Định ăn Tết, cậu bé đâm ra lười học và thường xuyên ngủ nướng. Chính vì vậy, ngay ngày đầu tiên trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết, cu cậu đã xin phép mẹ cho nghỉ học ở nhà vì lý do bị ốm. Lo lắng sức khỏe của con, chị Hương đã đưa con đến bệnh viện để khám. Bác sĩ cho biết, con chị hoàn toàn khoẻ mạnh, nhưng do mắc chứng bệnh “lười”, cộng với chế độ sinh hoạt ăn, ngủ thất thường trong thời gian nghỉ Tết, ngại đi học nên cu cậu đã “bịa” ra lý do ốm để được “ngủ nướng”. Cũng theo chị Hương, chồng chị là người khá nuông chiều con, thấy cậu bé mè nheo, kêu mệt trong người thì đồng ý cho con nghỉ học ngay lập tức. Khi chị Hương tỏ thái độ nghiêm khắc, bắt bằng được con dậy đi học thì hai vợ chồng lời qua tiếng lại. Cũng chỉ vì vài chuyện vặt vãnh liên quan đến cậu con trai mà anh chị thành ra “chiến tranh lạnh”. 

Trong tình cảnh tương tự, chị Nguyễn Thu Điệp, ở khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình cũng phải “vật vã” tìm cách đưa cô con gái đang học lớp 2 trở lại với sách vở. Sau buổi học đầu tiên của năm mới, buổi tối, chị Điệp đã ép con ngồi vào bàn học với chồng sách cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, trong đầu bé dường như chỉ có phim hoạt hình và những đĩa ca nhạc rộn ràng. Khi chị dùng tới “biện pháp mạnh” thì cô bé lăn ra ăn vạ, nước mắt ngắn, nước mắt dài khiến ông bà nội cho rằng chị Thu quá nghiêm khắc, suốt ngày quát tháo con. “Có lẽ do tôi cho phép con “xả hơi” quá lâu nên giờ có thiết quân luật cũng trở nên vô tác dụng”- chị Điệp phàn nàn.

Đối với những bậc phụ huynh có con đang ở độ tuổi mẫu giáo thì việc đưa trẻ trở lại môi trường học tập còn khó khăn gấp bội. Không ít trẻ “khóc khản cổ” trong ngày đầu tiên trở lại lớp do rơi vào cảm giác hụt hẫng.

Tạo hưng phấn cho trẻ trở lại trường

Theo bà Nguyễn Thu Phương - giáo viên trường THCS Thanh Quan, quận Hoàn Kiếm, khi trẻ đang quen với guồng quay học hành nhưng bỗng nhiên bị đứt quãng sẽ khiến trẻ mất thời gian để lấy lại “phong độ” và hiệu quả học tập. Thực ra, tâm lý đến lớp của trẻ chỉ rơi vào trạng thái “quên tạm thời” do vẫn còn đang hứng thú với những trò vui ngày Tết. Vì vậy, cha mẹ nên nhắc nhở trẻ xem lại sách vở, giúp khơi gợi lại niềm yêu thích đi học cho trẻ. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần nhắc nhở trẻ quay lại thời gian biểu học tập như trước, duy trì thời gian ôn lại bài cũ khoảng 2 tiếng/ngày, đồng thời nên khuyến khích trẻ bằng những câu chuyện vui để trẻ thích thú hơn. Chẳng hạn, cha mẹ cần nhắc trẻ không nên mắc bệnh lười, nếu không sẽ xúi quẩy cả năm. Và tất nhiên, những điều này là để trẻ có niềm tin, giúp trẻ trở về kỉ luật học tập.

Nhiều người cho rằng, sau khi nghỉ Tết, nên cho trẻ học thật căng để quen với cường độ. Tuy nhiên, cách ép trẻ học như vậy là hoàn toàn sai lầm vì sẽ chỉ làm cho trẻ dễ có cảm giác chán học hơn. Do vậy, cô giáo Nguyễn Thu Phương đưa ra lời khuyên, các gia đình có thể đan xen việc nghỉ ngơi, vui chơi với việc học để trẻ thích nghi với việc nhập học trở lại. Việc nghỉ dài ngày, cấu trúc giờ giấc, ăn ngủ… của trẻ bị đảo lộn nên các bậc phụ huynh cần quan tâm sát sao hơn đến việc sinh hoạt và học tập của con em mình một cách kỷ luật nhưng không quá cứng nhắc.

Đối với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, mầm non, cô Nguyễn Thu Huyền, giáo viên trường Mầm non Ngọc Lâm, quận Long Biên cho biết, do ở độ tuổi này trẻ thường dễ chán nhưng cũng nhanh quên, vì vậy, các giáo viên cần tạo ra sự chú ý có chủ định để trẻ yêu thích đi học lại. Nhiều trường mầm non đã nghĩ ra cách mừng tuổi bằng kẹo, bánh, bóng bay, mở các bản nhạc tươi vui để trẻ quên đi nỗi buồn xa bố mẹ khi trở lại trường.