Giống cây trồng bán online gây ra nhiều hệ luỵ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo ông Trần Xuân Định, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam , giống cây trồng bán online không được kiểm tra về chất lượng và có thể ảnh hưởng tới chất lượng trồng trọt.
Giống cây trồng bán tràn lan trên "chợ mạng"

Giống cây trồng bán tràn lan trên "chợ mạng"

Sáng 26-12, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Trồng trọt và Văn phòng Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam”.

Tham luận tại diễn đàn, ông Trần Xuân Định-Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cho biết, xu hướng kinh doanh giống cây trên mạng là tất yếu nhưng đưa lại nhiều hậu quả, hệ lụy.

Một số cá nhân, nhóm lừa đảo đã tổ chức giới thiệu và quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… các giống cây trồng mới, quả to, màu sắc đẹp, hấp dẫn, ship hàng đến tận nhà cho nông dân.

Giống lúa bán chạy, giống tốt được nông dân ưa chuộng, các thương hiệu lớn : ThaiBinh Seed, Vinaseed… bị các đối tượng mạo danh, bán giống giả qua mạng, bán theo kiểu “đa cấp”.

“Phần lớn những nông dân vùng xa, vùng sâu, vùng mà hệ thống bán lẻ, phân phối của các công ty chưa vươn tới trở thành nạn nhân”- ông Trần Xuân Định nói.

Theo ông Trần Xuân Định, sản xuất, kinh doanh giống là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quy định khá chặt ở các văn bản luật và hướng dẫn luật; tuy nhiên hình thức bán qua mạng thì chưa có những quy định cụ thể và chế tài, đó là kẽ hở và cái khó cho công tác quản lý với giống cây trồng nói riêng và nhiều hoạt động thương mại khác nói chung.

Nói về hạn chế, thách thức và cơ hội của ngành giống cây trồng nông nghiệp Việt Nam, ông Trần Xuân Định cho rằng, khâu yếu nhất của Việt Nam với ngành hàng hạt giống đó là giống rau, hoa.

Hiện chúng ta phải nhập trên dưới 90% hạt giống loại này với giá trị vài chục triệu USD, mặc dù chúng ta có những vùng khí hậu (vùng núi cao phía Bắc, Đà Lạt) có thể sản xuất được hạt giống các loại rau cận ôn đới.

Ngoài ra, các quy định của pháp luật còn một số bất cập, thủ tục rườm rà, các văn bản hướng dẫn luật chậm ban hành và một số còn mâu thuẫn… Sự không đồng đều về hệ thống sản xuất và cung ứng giữa các vùng miền, số lượng doanh nghiệp tham gia ngành giống khá đông nhưng không thực sự mạnh.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vựa sản xuất lúa, trái cây nhưng số công ty sản xuất giống lớn, có tiềm lực rất ít, giống lúa là chủ lực nhưng vẫn còn trên 25% nông dân sử dụng giống “không cấp”.

Do đó, đại diện Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam kiến nghị: Sửa Luật Trồng trọt và các nghị định, thông tư hướng dẫn để khả thi hơn, thực tế hơn tránh tình trạng mâu thuẫn nhau giữa các luật; có văn bản giải quyết các vướng mắc về tên giống tự công bố lưu hành với một loạt tên các giống rau, hoa của một số đơn vị đã phản ánh, gồm cả các trường hợp đã được bảo hộ tên hoặc nhãn hiệu hàng hóa nhưng bị đơn vị đăng ký trước “chộp” mất.

Đồng thời, đề nghị sửa nhanh TCVN về khảo nghiệm giống ngô như Công văn số 22 (ngày 6/12/2023) của Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam đã kiến nghị.

Ông Nguyễn Như Cường- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho hay, sau khi Luật Trồng trọt ra đời, chúng ta đã có những thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, đối với giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính thì tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành. Đây là bước thay đổi rất quan trọng, tuy nhiên điều này cũng là vấn đề khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp chưa kịp thích nghi.

Trong việc chuyển đổi như vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa lường trước được những thay đổi.