Giật mình ý thức phòng cháy tại chợ Đồng Xuân

ANTĐ - Nếu như 400 tỷ đồng là thiệt hại ước tính từ vụ cháy TTTM Hải Dương vừa xảy ra, thì cách đây gần 20 năm, vụ cháy chợ Đồng Xuân đã lên tới con số 300 tỷ đồng. Thiệt hại từ những vụ cháy như thế khiến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn gia đình tiểu thương lâm vào cảnh trắng tay. Thế nhưng sau ngần ấy năm,  dường như ý thức của chính những người đang có tài sản “gửi gắm” tại chợ Đồng Xuânlại bị bỏ qua.

Những họng nước và tủ cứu hỏa trong chợ Đồng Xuân đều bị xâm phạm

Ám ảnh cháy

Cho đến tận bây giờ chị  Vũ Thị Bích, chủ kiốt số 160-A2 chợ Đồng Xuân vẫn còn ám ảnh bởi cái đêm 14-7-1994. Đó là đêm mà cả chợ Đồng Xuân bỗng dưng đùng đùng phát hỏa, lửa ngùn ngụt bốc lên thiêu rụi mấy nghìn gian hàng cùng toàn bộ tài sản, hàng hóa, tiền bạc, hóa đơn chứng từ của bà con tiểu thương. Chị Bích nói: “Tôi có 3 gian hàng, 1 gian bán đồng hồ, máy tính, kính thời trang và 2 gian còn lại là quần áo vải vóc. Tất cả vốn liếng, tài sản đều nằm ở 3 gian hàng này. Đúng cái đêm định mệnh ấy, tôi cùng một số chủ quầy khác đang đi nghỉ mát Cửa Lò. Nghe tin cháy chợ, mọi người lập tức bắt xe về ngay. Và tất cả đoàn đã đứng chết lặng khi có mặt tại cổng chợ Đồng Xuân vào sáng hôm sau. Tôi vẫn còn nhớ cảnh hàng trăm người kêu khóc trước cổng chợ lúc đó. Ngay cả bản thân tôi cũng vậy, thật khó chịu đựng nổi ý nghĩ mình đã trắng tay hoàn toàn và chỉ còn nước… đứng đường”. Bây giờ, cứ nghe đến 2 từ “cháy chợ” là chị Bích bàng hoàng. Đó là tài sản, là nguồn sống, cơ nghiệp mà cả nhà chị đã dốc vào. Sau vụ cháy, chị Bích rơi vào cảnh khốn cùng hàng năm trời.

Với chị  Bùi Thị Đức, chủ kiốt số 202-A2 dấu ấn của vụ cháy chợ là hình ảnh những bà con tiểu thương cuống cuồng chạy vòng quanh đám cháy khổng lồ và gào khóc tuyệt vọng suốt đêm 14-7. Lúc đó là nửa đêm, cửa chợ đã khóa hết, chỉ có những ánh lửa đỏ khé phì phì phun qua song sắt. Ai cũng vật vã, bất lực đứng nhìn ngọn lửa nuốt dần khối tài sản của mình. “Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được cái đêm ấy. Đó là cái đêm mà ngọn lửa đã thiêu cháy cuộc sống yên bình của rất nhiều gia đình từng buôn bán ở cái chợ lớn nhất miền Bắc này và đẩy họ vào cảnh vỡ nợ” - chị Đức nói.

Lối đi bị các gian hàng lấn chiếm hết sức chật hẹp

Tiện nhỏ, hại lớn

Vụ cháy TTTM Hải Dương ngày 15-9 khiến 500 hộ tiểu thương tại đây trắng tay đã thành chủ đề nóng hổi ở chợ Đông Xuân suốt mấy ngày qua. Có lẽ tiểu thương ở chợ Đông Xuân là những người dễ thông cảm nhất bởi chính họ đã từng là nạn nhân, thấu hiểu được sự mất mát bởi những thiệt hại to lớn sau vụ cháy. Tuy nhiên, có một điều đáng ngạc nhiên là ý thức PCCC của bà con tại đây lại khá lỏng lẻo. Bằng chứng là hầu hết các họng nước cứu hỏa và các tủ chữa cháy nhiều cái bị xâm phạm. Phóng viên An ninh Thủ đô đã có một buổi sáng 18-9 thực tế khắp từ tầng 1 lên tới tầng 3 của chợ và ghi nhận có tới 70% các họng nước và tủ chữa cháy bị tận dụng thành nơi tập kết hàng hóa. Đặc biệt là từ tầng 2 đến tầng 3, những nơi này bị vây kín bằng các bao tải, các kiện hàng, thậm chí biến thành chỗ ngồi bán hàng. Thêm nữa các lối đi cũng bị bày hàng hóa kín bưng chỉ vừa đủ lọt cho 1 người đi. Điều đáng ngại nhất là nơi đây vốn chủ yếu tập kết và bán các mặt hàng bông vải sợi - loại hàng hóa đặc biệt dễ cháy.

Sau khi được xây lại vào năm 1995 và hoạt động cho đến nay, chợ Đồng Xuân vẫn được đánh giá là chợ có hệ thống PCCC hiện đại bậc nhất với số vốn đầu tư riêng cho PCCC lên tới 10 tỷ đồng. Cùng với hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động, chợ này còn có 118 họng nước chữa cháy. Thế nhưng, việc xâm phạm đến hệ thống PCCC của chính bà con tiểu thương như hiện nay khiến cho việc phát huy tác dụng của nó giảm đi một nửa, hay nói cách khác hệ thống PCCC 10 tỷ đồng chỉ hoạt động tối đa được có 50% nếu xảy ra sự cố.

Khi chúng tôi phản ánh và cho ông Đỗ Xuân Thủy - Tổng GĐ Công ty cổ phần Đồng Xuân xem những hình ảnh phóng viên ghi lại việc chính bà con tiểu thương xâm phạm hệ thống PCCC của chợ, ông Thủy đã cho gọi Trưởng phòng Bảo vệ lên chất vấn và yêu cầu làm rõ những vi phạm mà phóng viên nêu ra. Cũng theo ông Thủy, hệ thống PCCC của chợ Đồng Xuân hiện được kiểm tra định kỳ 3 tháng/lần và đảm bảo các họng nước luôn luôn có thể phun cao 30m. Ngoài ra bể chứa nước luôn đảm bảo 700m3 cùng với hệ thống bơm tự động điện, xăng sẵn sàng ứng phó. Tuy nhiên ông Thủy cũng thừa nhận, thiết kế cũ của chợ quá chật chội là nguyên nhân khiến cho tiểu thương thường xuyên lấn chiếm lối đi, gây cản trở khi có sự cố cháy nổ. “Việc bà con lấn chiếm họng nước và tủ cứu hỏa là lỗi của ban quản lý chợ đã không sâu sát. Đây là trách nhiệm của chúng tôi và việc này sẽ được xử lý ngay” - ông Thủy khẳng định.

Lực lượng bảo vệ chợ Đồng Xuân kiểm tra hệ thống điện sau khi tiểu thương ra về 
(ảnh chụp 18h30 ngày 18-9)

Chủ quan bắt quàng… thảm họa

Ông Trần Ngọc Thịnh, Trưởng phòng Bảo vệ Công ty cổ phần Đồng Xuân lôi ra cho chúng tôi xem cả đống biên bản mà ông đã từng phạt và than thở: “Nói thực với các anh, tính riêng trong 6 tháng đầu năm chúng tôi đã lập tới 300 biên bản chỉ vì lỗi vi phạm lối đi và lấn chiếm hệ thống PCCC của bà con tiểu thương. Như vậy tính trung bình mỗi tháng có 50 trường hợp hay mỗi ngày có gần 2 trường hợp bị phạt. Mức phạt là từ 200.000 đến 700.000 đồng. Thế nhưng hình như họ không sợ. Ví dụ như riêng sáng nay tôi đã lập biên bản phạt tới 10 hộ, nhưng cứ đi khỏi là lại đâu đóng đấy. Đây thực sự là hành động vô ý thức”. 

Thượng tá Nguyễn Trọng Mậu, Đội trưởng Đội PCCC Đống Đa, người đã từng tham gia chữa cháy chợ Đồng Xuân hồi năm 1994 nói: “Theo giáo trình PCCC thì trong điều kiện thuận lợi và nhiệt độ cao, tốc độ của đám cháy trung bình sẽ là 80-100m2/ phút. Chợ Đồng Xuân là môi trường chứa quá nhiều vật liệu dễ cháy, vì thế việc xâm phạm các họng nước cứu hỏa cần phải phạt thật nặng bởi nếu chủ quan sơ ý thì hậu quả sẽ không thể lường hết. Chỉ những người thường xuyên cứu hỏa mới biết lửa lan nhanh thế nào”. 

Cũng theo Thượng tá Mậu: “Một yêu cầu quan trọng bậc nhất của PCCC chính là công tác thường trực sẵn sàng và tuần tra phát hiện. Việc lấn chiếm, xâm phạm các họng nước cứu hỏa hiện nay tại chợ Đồng Xuân vô hình trung khiến chợ đã mất đi khả năng sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố. Nói cách khác, bà con đang vì chút lợi hay sự tiện dụng trước mắt mà tự tước đi sự an toàn của chính mình”. Thảm họa có thể xảy ra khi chúng ta không ngờ nhất và bà Hỏa thì xưa nay vẫn có thói quen xuất hiện mà không báo trước bao giờ.