Giật mình chuyện nạo phá thai tuổi vị thành niên

ANTĐ -Theo thống kê của Quỹ dân số Liên hợp quốc, mỗi năm có khoảng 16 triệu trẻ em gái trong độ tuổi từ 15 đến 19 tuổi sinh con, và con số mang thai ở tuổi vị thành niên còn cao hơn rất nhiều. Đáng cảnh báo là tỉ lệ vị thành niên phá thai ở Việt Nam, đang cao nhất các nước trong khu vực. 

Năm 2012, Trung tâm Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản trung ương đã thực hiện hơn 10.000 ca phá thai. Nhưng chỉ có khoảng 70 ca phá thai ở tuổi vị thành niên, một con số rất nhỏ so với thực tế 20% trẻ vị thành niên phá thai do Tổng cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế thống kê. Điều đó cho thấy thực trạng phần lớn vị thành niên mang thai, đều tìm đến các cơ sở y tế tư nhân, các phòng khám chui để phá thai.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ: “Không phải vấn đề các bạn tuổi vị thành niên đến đẻ, đến phá thai tại bệnh viện Phụ sản TW với một con số ít như thế này, mà nói lên thực trạng vị thành niên đi phá thai, đi sinh đẻ, vì người ta có thể đến cơ sở khác. Có thể ở tuổi vị thành niên, các cháu ngại đến những nơi mà nhiều người biết đến mình. Các cháu hay đến những phòng khám tư nhân, những phòng khám buổi tối, vì cảm thấy kín đáo hơn”.

Phần lớn vị thành niên mang thai tìm đến các phòng khám tư nhân để phá thai


Hiện nay tình trạng nạo phá thai tuổi vị thành niên ở Việt Nam, cao nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, với 300.000 ca/1 năm. Đó là con số đáng báo động về tình trạng quan hệ tình dục sớm và không an toàn của thanh thiếu niên Việt Nam.

Hơn nữa, với tâm lý mặc cảm, sợ bị phát hiện có thai nên hầu hết các em lựa chọn phá thai ở các cơ sở y tế tư nhân. Việc nạo phá thai ở các cơ sở tư nhân không đảm bảo, sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cao, là nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung, vô sinh, thậm chí là tử vong. Tình trạng này phản ánh sự thiếu sót trong công tác tuyên truyền, giáo dục vị thành niên, về sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Dung, Trưởng Phòng khám sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng có thai ở độ tuổi vị thành niên cao ở Việt Nam. Trong đó có nguyên nhân dậy thì sớm hơn. Các em tiếp xúc với phim ảnh, truyện về tình dục quá dễ dàng, kích thích sự tò mò của các em. Bên cạnh đó, cuộc sống ngày nay quá bận rộn, cha mẹ ít cho thời gian quan tâm đến con cái. Trong khi tuổi dậy thì sớm, các em lại chưa có kiến thức hiểu biết về giới tính, về kế hoạch hóa gia đình, các biện pháp phòng tránh thai...”.

Mang thai ở tuổi vị thành niên làm mất đi tiềm năng, cơ hội phát triển và tước đi quyền lựa chọn cuộc sống của các em. Các em sẽ phải lựa chọn, nếu như không phá thai, các em phải đối mặt với vai trò làm mẹ, trong khi chưa trưởng thành về mặt thể chất, tình cảm, đặc biệt chưa đủ trưởng thành về mặt xã hội để nuôi dạy con. Những đứa trẻ được sinh ra từ những người mẹ vị thành niên phải chịu thiệt thòi lớn, đầu tiên là về sức khỏe, kéo theo những tác động tiêu cực tới các thế hệ sau.

Nạo phá thai tuổi vị thành niên ở Việt Nam cao nhất khu vực Đông Nam Á

Theo ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình: “Nếu như ở tuổi vị thành niên này, các em không được chăm sóc về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, không được đầu tư, tư vấn, chuẩn bị cho các em bước vào độ tuổi làm mẹ, thì nó sẽ gây ra hậu quả khôn lường là các em mang thai, phải bỏ học, phải vào đời sớm, các em bị áp lực rất lớn về xã hội về tâm lý, về cơ thể, thể chất, tinh thần”.

Còn bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ: “Các phương tiện thông tin đại chúng, những tài liệu tờ rơi về sức khỏe sinh sản, hiểu thế nào về sức khỏe sinh sản dành cho tuổi vị thành niên chưa nhiều và còn thiếu rất nhiều và còn chưa có sự phối hợp giữa các ban ngành. Trong nhà trường đã dạy, nhưng thường người ta chỉ kết hợp những buổi đó vào những buổi giáo dục công dân. Và những buổi nói chuyện đó chỉ mang tính chất cười đùa, nhiều hơn là cung cấp thông tin cho các em”.

Hiện nay, hơn 1/3 thanh niên Việt Nam chưa được tiếp cận với các biện pháp tránh thai an toàn và đặc biệt là chưa biết cách xử trí khi mang thai ngoài ý muốn. Để hạn chế tình trạng mang thai ở trẻ vị thành niên và thanh niên, theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Việt Nam cần có những cách làm, chiến lược truyền thông, hành động cụ thể, trong đó tăng cường tiếp cận giáo dục giới tính là yếu tố then chốt để giảm tỷ lệ mang thai ở độ tuổi này.