Nhớ lại những ngày đối phó giữa tâm dịch sởi ở Hà Nội:

Giật mình bài học lơ là tiêm vaccine

ANTĐ - Đúng dịp này cách đây 2 năm, cả Hà Nội “lên cơn sốt” bởi căn bệnh sởi khiến nhiều trẻ em tử vong. Bắt đầu xuất hiện từ tháng 1 và kéo dài tới tận tháng 6, chưa bao giờ các y bác sỹ lại phải đối mặt với một trận dịch ghê gớm đến thế.

 

Quá tải bệnh nhân sởi ở Khoa Nhi - Bệnh viện Thanh Nhàn đợt dịch năm 2014

Dấu ấn khó quên

Nếu như Hà Nội là tâm dịch sởi thì khi đó, các quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai là những điểm trũng về dịch của Thủ đô. Mặc dù đã 2 năm trôi qua, nhưng với bác sỹ Nguyễn Thu Hương - Trưởng khoa Nhi của Bệnh viện Thanh Nhàn, đây vẫn là dấu ấn khó quên trong cuộc đời làm thầy thuốc. Chị bảo, bây giờ cứ mỗi lần nhớ quãng thời gian ấy là lại thấy rùng mình. “Đã 30 năm làm nghề y, nhưng chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy áp lực và khủng hoảng đến như vậy. Các y bác sỹ của khoa cứ mỗi lần thấy bà mẹ nào đó bế con đi từ ngoài cổng vào là lại giật mình thon thót”.

Đầu tháng 1, bác sỹ Hương tiếp nhận ca mắc sởi đầu tiên. “Đó là một cháu bé nhà ở ngay quận Hai Bà Trưng. Thực ra, đây không phải là căn bệnh nan y và chúng tôi hoàn toàn có thể xử lý được. Tuy nhiên sau đó, số lượng các cháu bé nhập viện ngày càng nhiều và tỷ lệ biến chứng khó tiên lượng cũng gia tăng nhanh chóng. Đến đầu tháng 4 thì chúng tôi khủng hoảng thực sự…” - bác sỹ Hương kể lại.

Khoa Nhi của Bệnh viện Thanh Nhàn vốn chỉ có khả năng đáp ứng cùng lúc 45 giường bệnh. Thế nhưng chỉ riêng số các cháu bé nhập viện do sởi cũng đã lên tới 50-60 trường hợp. Cùng với một số lượng tương đương các cháu mắc các loại bệnh khác đang được điều trị nên khoa luôn quá tải. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo giữa các trường hợp mắc bệnh.

Dù đã phải ghép tới 2 bé/giường, nhưng vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu điều trị, bác sỹ Hương phải đề nghị lãnh đạo bệnh viện cho chuyển toàn bộ số cháu bé đang điều trị các bệnh không liên quan đến sởi lên tầng trên. Khoa Nhi biến thành Khoa lây nhiễm và được cách ly hoàn toàn. Bác sỹ Hương nhớ lại: “Chúng tôi chỉ có 10 bác sỹ và 20 điều dưỡng, nhưng phải phục vụ cho từng đó bệnh nhân trong suốt một thời gian dài, gần như ai cũng kiệt sức. Cả khoa tự bảo nhau không ai nghỉ phép, tất cả dồn sức cho việc chống dịch”. 

Để động viên tinh thần cho nhân viên, trong cuộc họp khoa, bác sỹ Hương tuyên bố: “Các bạn hãy coi như đây là thời chiến. Không có ai làm thay chúng ta. Vì vậy, mỗi người cần cố gắng hết sức và tôi tin trận dịch sẽ chấm dứt sớm”.

Lúc này, con số bệnh nhi tử vong tăng liên tiếp, hầu như ai cũng sợ. Thậm chí ngay cả các đồng nghiệp khác trong bệnh viện cũng tránh tiếp xúc với các bác sỹ của Khoa Nhi vì sợ mang theo virus về nhà.

Nếu như các khoa khác trong bệnh viện, các bác sỹ có thể hỗ trợ  cho nhau thì Khoa Nhi lại không như vậy. Đặc thù chỉ chữa trị cho các bệnh nhân nhỏ tuổi khiến chính các bác sỹ ở đây phải tự thân vận động chứ không biết nhờ ai. Và phải đến đầu tháng 6, khi bệnh nhân sởi cuối cùng xuất viện, các bác sỹ của khoa mới có thể thở phào.

Hết lòng vì người bệnh

Cũng trong tình trạng tương tự, Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương lúc đó không còn một giường bệnh bỏ trống. Thậm chí, bác sỹ Đỗ Thiện Hải - Phó Trưởng khoa cũng đã phải dọn phòng làm việc của mình sang một nhà kho bỏ không để biến nơi đây thành phòng điều trị cho các cháu bé. “Chúng tôi hầu như phải làm việc từ 12-16 tiếng/ngày. Bệnh nhân quá đông và quá nặng đến mức bác sỹ cũng… không dám ốm vì sợ không có người làm việc” - bác sỹ Hải nói. 

Chúng tôi tin những gì bác sỹ Hải nói là sự thực bởi đêm 10-4-2014, chính phóng viên cũng đã có mặt tại đây và chứng kiến điều dưỡng viên Nghiêm Thị Tịnh đang trong tình trạng sốt 39 độ C nhưng vẫn gắng gượng đi làm. Chị Tịnh chỉ còn ít tháng nữa là nghỉ hưu, nhưng cũng như những đồng nghiệp trong cuộc chiến chống dịch sởi, chị chưa một lúc ngơi nghỉ.

“Kể từ lúc dịch bùng phát, 3 tháng liên tục chúng tôi căng như dây đàn. Tôi cũng mệt mỏi và tưởng chừng gục ngã vì kiệt sức, nhưng mình là đàn chị, phải cố cho các anh em khác nhìn vào. Mỗi ngày nghe thông tin về các ca tử vong mới, thú thực chúng tôi cầm lòng không đặng” - chị Tịnh thở dài.

Thế nhưng, sức người chịu đựng cũng có hạn. Ròng rã mấy tháng trời làm việc không ngơi nghỉ để chống dịch, nhiều nhân viên y tế rơi vào tình trạng khủng hoảng nặng nề. PGS.TS Phạm Nhật An (lúc đó là Trưởng khoa Truyền nhiễm) thỉnh thoảng lại thấy y tá, điều dưỡng của mình chạy về ngồi thu lu trong phòng làm việc và… khóc.

Ông bảo: “Áp lực đè nặng lên vai từng người khiến họ bị stress. Cộng thêm những trường hợp tử vong liên tiếp xảy ra, bản thân chúng tôi cũng thấy có phần trách nhiệm khi không cứu được các cháu. Nhìn lũ trẻ cứ nằm li bì, bị tiêm hay chích ven lấy máu cũng chẳng còn biết kêu đau mà xót xa”.

Hầu như tất cả các trường hợp bệnh nhi mắc sởi trong đợt dịch khủng khiếp ấy đều không được tiêm phòng đầy đủ. Đây cũng là một bài học riêng của giới truyền thông khi để những câu chuyện chưa rõ ràng về các trường hợp trẻ bị tử vong sau khi tiêm phòng chi phối với lối suy diễn bị đẩy đi quá xa. Hệ lụy là nhiều bậc phụ huynh quay lưng với tiêm chủng, dịch bệnh cũng chỉ đợi có vậy để bùng phát.

Mùa hè đã tới, đây cũng là mùa của dịch bệnh và bài học từ dịch sởi của năm 2014 vẫn còn nguyên giá trị. Hiện tại Việt Nam đã có loại vaccine phối hợp “3 trong 1”  phòng các bệnh truyền nhiễm sởi - quai bị - rubella. Trẻ được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi sẽ đạt khả năng bảo vệ lên tới 99,7%. Phụ huynh cũng có thể đưa trẻ đi tiêm mũi sởi đơn hoặc mũi kết hợp sởi - rubella hoàn toàn miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng.