Giao lưu trực tuyến "Hướng dẫn phòng, chống lây lan dịch bệnh Corona"

ANTD.VN - 14h chiều 4-2, Báo An ninh Thủ đô đã tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Hướng dẫn phòng, chống lây lan dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona” nhằm giải đáp các vấn đề bạn đọc quan tâm liên quan tới dịch bệnh nguy hiểm này.

Cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm virus Corona 

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) đang bùng phát mạnh ở Trung Quốc và lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tính đến 7h sáng nay, 4-2, tổng số mắc bệnh dịch này trên thế giới đã lên tới hơn 20.600 ca, 426 trường hợp tử vong (425 ở Trung Quốc, 1 ca tử vong ở Philippines).

Tại Việt Nam, tới 15h ngày 4/2, đã có 10 người mắc nCoV, 3 bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh. Riêng tại Hà Nội đến thời điểm này vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào mắc nCoV song kể từ khi dịch bệnh bùng phát, ngành Y tế Thủ đô đã tiến hành cách ly 29 trường hợp nghi ngờ nhiễm, 14 trường hợp vẫn đang được tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ.

Dự báo tình hình dịch bệnh này sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp. Để người dân, bạn đọc có thêm kiến thức phòng, chống dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra, 14h chiều nay (4-2), Báo An ninh Thủ đô tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Hướng dẫn phòng, chống lây lan dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona” với sự tham gia của các khách mời:

1.     BS.CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội.

2.     ThS.BS Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện E

3.     Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Trân trọng kính mời bạn đọc quan tâm gửi câu hỏi tới các khách mời tại buổi Giao lưu trực tuyến “Hướng dẫn phòng, chống lây lan dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona” trên Báo điện tử www.anninhthudo.vn để được giải đáp.

Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô Nguyễn Thanh Bình tặng hoa các vị khách mời trước khi buổi Giao lưu trực tuyến bắt đầu

Danh sách khách mời

Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội

Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội

ThS Đào Hữu Thân, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội

ThS Đào Hữu Thân, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội

ThS.BS Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện E

ThS.BS Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện E

Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội)

Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội)

Hoàng Trang ở Hoàng Cầu hỏi:
Người dân đang lan truyền một số biện pháp phòng virus corona như cắm sả trong nhà, đốt bồ kết, vắt chanh tươi vào nước lau nhà hàng ngày. Xin hỏi, các giải pháp này có hữu hiệu hay không?
ThS.BS Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện E trả lời:

ThS.BS Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện E hướng dẫn về xử lý khẩu trang sau khi sử dụng...

Các biện pháp dân gian như cắm sả trong nhà, đốt bồ kết, vắt chanh tươi vào nước lau nhà hàng ngày hiện tại chưa có bằng chứng khoa học để phòng, tránh bệnh do virus corona gây ra. Bồ kết có tác dụng tham gia bảo vệ thành mạch, duy trì sự bền vững của mao mạch, hạn chế xuất huyết.

Dân gian thường đốt bồ kết để xông mũi khi ngạt mũi, mùi thơm tự nhiên của bồ kết sẽ giúp mũi thông thoáng, dễ thở hơn. Bên cạnh đó, còn hạn chế được các loại côn trùng như ruồi, muỗi, gián, kiến. Đốt bồ kết chỉ có tác dụng tạo ra hương thơm khi hít thở thì cảm thấy dễ chịu. Việc diệt virus, vi khuẩn là chưa thể chứng minh.

Lê Bích Hương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi:
Trong trường hợp phát hiện đã tiếp xúc với người sau đó được xác định nhiễm Virus Corona thì cần thực hiện ngay những việc gì? 
Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Đầu tiên, bạn không nên hoang mang khi nghe tin mình tiếp xúc với người bị mắc bệnh nCov xác định, vì không phải ai tiếp xúc với người mắc bệnh đều bị lây nhiễm bệnh.

Để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng bạn nên thực hiện một số nội dung sau: (1) tự theo dõi sức khỏe ở nhà trong vòng 14 ngày kể từ lần tiếp xúc cuối với người mắc bệnh, thực hiện đeo khẩu trang ngay cả khi ở nhà; (2) đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn khi có biểu hiện sốt, ho (trước khi đi nhớ đeo khẩu trang); (3) hạn chế tối đa việc đi ra khỏi nhà hoặc đi đến các nơi đông người; (4) thực hiện xúc miệng, rửa tay thường xuyên bằng các chất sát khuẩn. 

Nguyễn Việt Hà, Định Công, Hoàng Mai hỏi:

Xin hỏi các bác sĩ, hiện nay ở Việt Nam đã có dịch vụ xét nghiệm virus corona chưa. Chẳng hạn gia đình tôi muốn xét nghiệm phát hiện sớm bệnh (nếu có) thì có thể đến đâu, giá cả có cao không ạ?

 

Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Do đây là chủng mới của virus corona nên hiện nay chưa có nhiều công ty sản xuất hóa chất sinh phẩm để xét nghiệm, chẩn đoán xác định virus này. 

Hiện nay, tại Việt Nam theo Bộ Y tế chỉ có các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur là có đủ năng lực và hóa chất sinh phẩm để xét nghiệm và chẩn đoán xác định. Đồng thời các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur chỉ thực hiện xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh cho các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế (Cụ thể tại Hà Nội là Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương).

Đối với các trường hợp nghi ngờ tại thời điểm hiện nay sẽ được xét nghiệm miễn phí. 

Đinh Thị Hương Lan, đường Đại Cồ Việt, Hà Nội hỏi:
Xin hỏi cô Hiệu trưởng trường Trần Quốc Toản, công tác khử khuẩn, vệ sinh trường lớp đã được tiến hành trước khi học sinh nghỉ học. Vậy sau khi học sinh quay lại trường, công tác này có phải triển khai lại để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh hay không?
Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trả lời:

Trong thời gian nghỉ Tết, nhà trường đã cập nhật thông tin về dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng nên ngày 29-1 (tức mùng 5 Tết), trước khi học sinh quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết, nhà trường đã cho tổng vệ sinh toàn trường.

Ngày 2-2, nhà trường đã tổ chức tổng vệ sinh lại và kết hợp với Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm phun thuốc khử khuẩn toàn trường. Trong những ngày học sinh nghỉ, nhà trường vẫn duy trì việc vệ sinh trường lớp hàng ngày. Giáo viên, nhân viên luân phiên đến mở cửa thông thoáng cho các lớp học và 2 ngày lại lau lại bề mặt bàn, sàn nhà, các khu vực công cộng bằng dung dịch khử khuẩn. 

Sau khi học sinh trở lại trường, công tác này vẫn được duy trì thường xuyên để đảm bảo môi trường sạch sẽ cho học sinh khi học tập và sinh hoạt tại trường. 

Nguyễn Thu Thủy, Hoàn Kiếm, Hà Nội hỏi:
Đến nay đã có cơ sở khoa học nào chứng minh hay đưa ra một số đặc điểm về các đối tượng dễ nhiễm virus corona chưa? Và nếu có rồi thì các đối tượng dễ bị nhiễm này nên làm gì để tăng cường sức khỏe, tự bảo vệ bản thân?
Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Vì đây là chủng mới của virus Corona và hiện nay bệnh do virus nCov chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu nên tất cả các đối tượng đều có khả năng mắc bệnh. 

Một nghiên cứu 99 bệnh nhân mắc bệnh tại Vũ Hán, Trung Quốc cho thấy, độ tuổi mắc bệnh trung bình của bệnh nhân là 55 tuổi.  

Giao lưu trực tuyến "Hướng dẫn phòng, chống lây lan dịch bệnh Corona" ảnh 11

Người dân nên đeo khẩu trang khi ra đường hoặc nơi đông người và tăng cường rửa tay

Những đối tượng có khả năng dễ mắc bệnh hơn như người bị suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh lý mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường.

Để chủ động phòng bệnh, bạn cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường luyện tập thể dục thể thao, thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như đeo khẩu trang khi đến nơi đông người và rửa tay thường xuyên. 

Trịnh Thu Thanh hỏi:
Nếu dịch bệnh corona kéo dài, thời gian nghỉ học lâu, thì nhà trường có tính phương án giáo dục trực tuyến và chấm điếm online hay không ạ?
Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trả lời:
Nếu buộc phải nghỉ học dài ngày, nhà trường sẽ căn cứ vào hướng dẫn của các cơ quan chức năng và sẽ thông báo tới phụ huynh các phương án để đảm bảo chương trình năm học và đánh giá đối với học sinh. 
Hoài Anh (Ba Đình- Hà Nội): hỏi:
Nên ăn uống các thức ăn như thế nào để tăng sức đề kháng, phòng dịch? Những thức ăn nào không nên ăn trong thời điểm này?
ThS.BS Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện E trả lời:

Giao lưu trực tuyến "Hướng dẫn phòng, chống lây lan dịch bệnh Corona" ảnh 12

Người dân nên chọn các loại thức ăn giàu vitamin, dùng thêm tỏi trong các bữa ăn để tăng sức đề kháng

Trong giai đoạn dịch vẫn còn đang diễn biến phức tạp, chúng ta nên lựa chọn những thực phẩm dễ tiêu, giàu vitamin (vitamin C) và khoáng chất (VD: rau, củ, quả), một số loại thịt có chứa hàm lượng đạm dễ hấp thu như cá.

ThS.BS Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện E hướng dẫn cách đeo và sử dụng khẩu trang đúng cách, an toàn, phòng chống virus corona

Một số khoáng chất (VD: kẽm, selen, thymomodulin...) sẽ có tác dụng tăng sức đề kháng, có thể sử dụng thêm tỏi trong bữa ăn hàng ngày hoặc uống duới dạng chế phẩm bán tại các hiệu thuốc để tăng sức đề kháng. Người dân cũng nên uống nhiều nước. Hạn chế những đồ ăn chiên, rán sẽ làm tăng quá trình viêm, giảm sức đề kháng. 

Đặng Thị Mỹ Hương, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc hỏi:
Với các bệnh nhân đã khỏi, xét nghiệm âm tính với virus Corona thì có nguy cơ mắc lại bệnh không thưa các bác sĩ?
Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:
Hiện nay, chưa có các nghiên cứu cụ thể chứng minh hay các bằng chứng khoa học đủ tin cậy để khẳng định là bệnh nhân sau khi mắc bệnh sẽ không bị bệnh lại. Chính vì vậy, người bệnh hoàn toàn có thể bị tái nhiễm. 
Trần Hoa ở Khâm Thiên, Đống Đa hỏi:
Phân biệt cúm virus Corona với cảm cúm thông thường như thế nào, vì mùa này ở miền Bắc cũng đang là mùa dịch cúm đối với trẻ con, người già?

ThS.BS Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện E trả lời:
Virus cúm và virus Corona cùng chung một nhóm virus nhưng có phân nhóm khác nhau. Triệu chứng lâm sàng ban đầu có biểu hiện không khác nhau nhiều. Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh của virus corona kéo dài hơn và diễn biến dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, tử vong cao hơn. Khả năng lây lan cũng rất cao có thể lan ra toàn cầu.
Hoàng Mạnh (Mai Dịch, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hỏi:
Tôi nghe nói tỷ lệ trẻ em mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona thấp hơn nhiều so với người lớn. Vậy có phải bệnh này "miễn nhiễm" đối với trẻ em không, thưa bác sĩ?
ThS.BS Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện E trả lời:

Về nguyên tác, bệnh viêm phổi do corona virus có thể lây nhiễm cho bất cứ người nào khi có yếu tố nguy cơ dịch tễ (tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ nhiễm bệnh), tuy nhiên, mức độ lây nhiễm phụ thuộc vào khoảng cách tiếp xúc, mức độ phòng bệnh, sức đề kháng của cơ thể mỗi người. 

Thực tế cho thấy, bệnh viêm phổi do Corona virus thời gian vừa qua hay gặp ở người già (những người có sức đề kháng kém, thường mắc những bệnh mãn tính) hay những người trong độ tuổi lao động, đi từ vùng có yếu tố dịch tễ, đang có dịch. Hiện chưa có bằng chứng bệnh này miễn nhiễm đối với trẻ em.

Đặng Thanh Hương, phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm hỏi:
Xin hỏi cô giáo Liên, nhà trường đã tổ chức tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Corona như thế nào tới các phụ huynh học sinh khi học sinh nghỉ học cả tuần này? 
Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trả lời:
Trong thời gian học sinh nghỉ học, nhà trường vẫn tiếp tục tổ chức tuyên truyền phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra trên trang web, fanpage của nhà trường. Tại trang web của nhà trường đã đặt đường link đến Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và suckhoedoisong.vn để phụ huynh cập nhật thường xuyên tình hình dịch bệnh cũng như cách phòng chống dịch bệnh. 
Lê Linh ở Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội hỏi:

Xin hỏi, trong trường hợp tôi nghi ngờ trong khu dân cư nhà tôi sinh sống có trường hợp nghi nhiễm virus corona do có tiếp xúc với một số trường hợp nghi dương tính với virus corona nhưng lại không tự nguyện đến cơ sở y tế để khám dù gia đình, khu dân cư đã nói chuyện. Vậy trường hợp này thì làm như thế nào, thông báo cho bên nào để  được xử lý, người hàng xóm này liệu có bị cưỡng chế đi khám, xét nghiệm?

Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Hiện nay, khi phát hiện người đi từ vùng dịch về mà có biểu hiện mắc bệnh (Trung Quốc) hoặc người tiếp xúc với các bệnh nhân mắc nCov xác định mà không hợp tác để đến cách ly tại các cơ sở điều trị thì người dân có thể báo ngay trực tiếp cho trạm y tế trên địa bàn nơi sinh sống; hoặc Trung tâm Y tế quận huyện, thị xã nơi sinh sống; hoặc báo theo đường dây nóng của Sở Y tế Hà Nội 0969082115. 

Giao lưu trực tuyến "Hướng dẫn phòng, chống lây lan dịch bệnh Corona" ảnh 13

Người có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh nếu không tự nguyện đến khám tại các cơ sở y tế sẽ bị cưỡng chế cách ly

Ngay sau khi nhận được thông tin, ngành y tế sẽ có thông tin trực tiếp đến Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã, phường nơi bệnh nhân đang sinh sống. Ban chỉ đạo phòng chống dịch có quyền cưỡng chế cách ly bệnh nhân nếu bệnh nhân không hợp tác theo đúng quy định tại Nghị định 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ. 

Trần Thị Bích Hà, phường Định Công, Hoàng Mai hỏi:
Ít hôm trước con tôi đi học được nhà trường khuyến cáo đeo khẩu trang khi đi học, thậm chí trong suốt giờ học. Tuy nhiên việc đeo khẩu trang cả ngày như vậy thì rất khó chịu, nhất là trẻ em rất hiếu động. Vậy xin hỏi cô giáo Liên, nếu các con đi học trở lại thì nhà trường có coi việc đeo khẩu trang là biện pháp bắt buộc không. Ngoài ra, nhà trường có những biện pháp nào để hạn chế lây lan dịch bệnh?
Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trả lời:

Việc đeo khẩu trang trong thời điểm hiện nay ở nơi đông người là khuyến cáo của Bộ Y tế, để ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Do đó, phụ huynh nên cho con đeo khẩu trang trong suốt thời gian sinh hoạt tại trường. Giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn học sinh đeo khẩu trang đúng cách để giúp phòng tránh lây lan. 

Nhà trường có nhiều biện pháp để hạn chế lây lan bệnh dịch, cụ thể như: công tác khử khuẩn, vệ sinh trường lớp được tiến hành thường xuyên; giáo viên chủ nhiệm sẽ kiểm tra thân nhiệt học sinh ngày 2 lần (trước khi vào lớp và đầu giờ chiều), những học sinh có biểu hiện sốt, ho sẽ đưa xuống phòng y tế để cách ly và mời gia đình đưa con đến các cơ sở y tế để được khám và chữa bệnh; Đảm bảo đủ nước rửa tay và hướng dẫn các con rửa tay đúng cách; Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường chất dinh dưỡng trong bữa ăn trưa giúp học sinh có sức khỏe tốt hơn; Tiếp tục tuyên truyền tới học sinh, cha mẹ học sinh về cách phòng chống để tránh dịch bệnh lây lan thông qua trang web, fanpage, tin nhắn của trường...

Mai Loan ở Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội hỏi:
Trong trường hợp tôi nghi ngờ có người thân hay chính bản thân tôi có biểu hiện mắc virus corona thì sẽ bị cách ly như thế nào, trong thời gian cách lý 14 ngày có được tiếp xúc với người thân hay không, gia đình có phải đưa người đến chăm sóc? Và trong thời gian bao lâu xét nghiệm mới cho kết quả?
ThS.BS Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện E trả lời:

Giao lưu trực tuyến "Hướng dẫn phòng, chống lây lan dịch bệnh Corona" ảnh 14

Xét nghiệm máu phát hiện virus Corona

Điều quan trọng nhất bạn phải nắm rõ xem bản thân hoặc người thân của mình có tiếp xúc gần (khoảng cách dưới 2m) với những người có yếu tố nguy cơ cao nhiễm bệnh (đi từ vùng dịch tễ có bệnh) trong khoảng thời gian 14 ngày hay không và có biểu hiện triệu chứng viêm đường hô hấp cấp hay không.

Tốt nhất, bạn nên đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần với những người có yếu tố, nguy cơ nhiễm bệnh. Theo thông tin mới nhất tại Việt Nam, kết quả xét nghiệm Corona virus sau 24-48 giờ sẽ có kết quả.

Phạm Thanh Hà (Đông Anh- Hà Nội): hỏi:
Virus corona sống trong không khí bao lâu? Môi trường nào lý tưởng cho virus phát triển?
Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Đây là chủng mới của virus Corona nên chưa có nhiều nghiên cứu hay dữ liệu cụ thể về sức đề kháng và khả năng tồn tại bên ngoài môi trường. Tuy nhiên, cũng như các loại virus corona khác, virus này có thể tồn tại được ngoài môi trường từ vài phút đến vài giờ, tùy thuộc vào điều kiện thực tế.

Ví dụ Sars gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng chỉ tồn tại được 15 phút ở điều kiện 56 độ C; ở điều kiện môi trường sấy khô virus tồn tại được trong khoảng 3 tiếng. 

Giao lưu trực tuyến "Hướng dẫn phòng, chống lây lan dịch bệnh Corona" ảnh 15

BSCKII Khổng Minh Tuấn giao lưu cùng bạn đọc báo An ninh Thủ đô

Một số điều kiện thuận lợi cho virus tồn tại lâu ngoài môi trường như nhiệt độ thấp, thiếu ánh sáng mặt trời, độ ẩm cao.

Đối với chủng mới của virus Corona có thể hoạt động mạnh ở điều kiện nhiệt độ dưới 20 độ C, và hạn chế hoạt động ở điều kiện 25-27 độ C. 

Như vậy người dân nên mở cửa cho thông thoáng nơi ở, nếu sử dụng điều hòa thì để ở nhiệt độ trên 27 độ C.  

Nguyễn Ngọc Hoa, phường Thượng Thanh, Long Biên hỏi:
Tôi có 2 con đang đi học và khi tham gia vào các nhóm chat của lớp thì thấy phụ huynh liên tục chia sẻ các thông tin không đúng về dịch bệnh trên mạng xã hội. Vậy các nhà trường có biện pháp tuyên truyền gì để phụ huynh học sinh ý thức rõ về việc phòng chống dịch bệnh nhưng không gây hoang mang? Nhà trường có đề xuất biện pháp gì ngăn chặn trường hợp tung tin thất thiệt trên mạng xã hội?
Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trả lời:

Giao lưu trực tuyến "Hướng dẫn phòng, chống lây lan dịch bệnh Corona" ảnh 16

Phụ huynh cần cập nhật vào Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, trang web, fanpage của nhà trường để cập nhật những thông tin chính xác và chính thống. Mỗi phụ huynh cần là người thông thái khi tiếp nhận các thông tin về dịch bệnh trong thời điểm hiện nay để giúp gia đình, cộng đồng phòng tránh bệnh 1 cách tốt nhất nhưng không gây hoang mang.  

Nếu trong nhóm các lớp, có phụ huynh tung tin thất thiệt thì các phụ huynh cần báo với giáo viên chủ nhiệm của lớp để giáo viên chủ nhiệm trao đổi trực tiếp với những phụ huynh đưa thông tin không chính xác. Trường hợp cần thiết thông báo tới cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trần Minh Quân, đường Nguyễn Xiển, Hà Nội hỏi:
Nhiều người nói dùng cồn 70 độ như nước rửa tay khô, có khả năng sát khuẩn để phòng virus corona. Xin các bác sĩ cho biết có đúng không?
ThS.BS Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện E trả lời:
Về nguyên tắc, nồng độ cồn trên 60 độ có khả năng sát khuẩn, phòng bệnh. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả phòng bệnh, chúng ta phải thực hiện đúng quy trình rửa tay thường quy theo đúng quy định.
Phạm Hùng, Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội hỏi:
Trong trường hợp tôi hoặc bạn bè, người thân trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ nhiễm virus Corona do có đi lại ở một số khu vực đông đúc, phức tạp thì đến đâu để kiểm tra, trình tự thủ tục ra sao?
Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Khi có biểu hiện nghi ngờ nhiễm nCov, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn như trạm y tế phường, xã; các bệnh viện đa khoa;... (Lưu ý: cần phải đeo khẩu trang trước khi đến các cơ sở y tế để khám và tư vấn. Bạn cũng có thể liên hệ một trong các số đường dây nóng của Bộ Y Tế, Sở Y tế Hà Nội để được tư vấn cụ thể: 19003228; 0969082115)

Một số địa chỉ cơ sở y tế tiếp nhận khám và điều trị bệnh nhân nhiễm nCov tại Hà Nội gồm: Bệnh viện Đống Đa; BV Thanh Nhàn; BV Đức Giang; BV Bắc Thăng Long; BV Nhiệt đới Trung ương.

Trình tự thủ tục khám chữa bệnh sẽ được các nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh hướng dẫn trực tiếp khi bạn đến khám. 

 

Trần Mạnh Quân hỏi:
Em đang rất lo lắng, mong các chuyên gia giải đáp giúp. Tuần trước, em đi chơi với bạn gái vừa nhận lời yêu, và đã trao nhau nụ hôn đầu. Tuần này, em định đi hẹn đi chơi thì bạn gái em bị ốm, nghỉ ở nhà. Em được biết là bạn trai cũ của cô ấy từng đi du lịch Trung Quốc. Vậy em có khả năng bị lây bệnh hay không ạ? Em có thể khám ở đâu?
ThS.BS Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện E trả lời:

Để biết mình có nguy cơ bị lây nhiễm bệnh viêm phổi do virus Corona hay không, bạn nên khai thác kỹ thông tin:

- Thứ nhất: Người yêu cũ của bạn gái bạn đi du lịch Trung Quốc ở vùng nào (đặc biệt có ở TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hay không), thời gian cụ thể tính đến thời điểm hiện tại là bao lâu.

- Thứ hai: Hiện nay người yêu cũ của bạn gái có biểu hiện bệnh lý hô hấp cấp tính (sốt, ho, sổ mũi, khó thở) hay không.

- Thứ ba: Thời gian, khoảng cách tiếp xúc giữa bạn gái bạn và người bạn trai kia.

Nếu bạn có những triệu chứng về bệnh lý hô hấp cấp tính như đã nêu trên, bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sỹ khám và tư vấn.

 

 

Lê Nữ Ái Phương hỏi:
Tôi thấy ở một số hàng trà chanh hiện nay, giới trẻ (gồm chủ yếu là học sinh cấp 2, cấp 3) vẫn rất mơ hồ phòng dịch. Họ không đeo khẩu trang, thậm chí còn ôm nhau, gần gũi. Thời gian nghỉ học này, các em lại càng rảnh hơn. Vậy nhà trường có phương pháp nào để can thiệp, giúp các em hiểu rõ hơn không?
Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trả lời:

Giao lưu trực tuyến "Hướng dẫn phòng, chống lây lan dịch bệnh Corona" ảnh 17

Cần nâng cao ý thức phòng tránh dịch bệnh

Các nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang web của trường, thông qua giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh trên các nhóm của lớp để giúp học sinh phòng tránh dịch bệnh cho mình và cho cộng đồng một cách tốt nhất. 

Các gia đình cần có biện pháp quản lý con em mình trong thời gian nghỉ học, nhắc nhở con em tự làm bài tập theo hướng dẫn tự học ở nhà của các nhà trường.

Đặng Trần Hùng ở Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội hỏi:
Xin bác sỹ cho hỏi, tại bệnh viện E việc phòng, chống dịch hiện nay được thực hiện như thế nào? Liệu có đủ nhân vật lực để tiếp nhận người dân đến khám, và cách ly chăm sóc? Bệnh nhân bị nghi ngờ thì được cách ly tại bệnh viện hay chuyển đến địa điểm khác?
ThS.BS Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện E trả lời:

Giao lưu trực tuyến "Hướng dẫn phòng, chống lây lan dịch bệnh Corona" ảnh 18

ThS. BS Vũ Mạnh Cường, Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E trả lời những câu hỏi của bạn đọc

Khi có thông tin về dịch bệnh viêm phổi do virus Corona gây ra, Bệnh viện E đã thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống dịch do Giám đốc Bệnh viện làm Trưởng Ban. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng ngay lập tức tổ chức các khoá tập huấn theo phác đồ của Bộ Y tế chẩn đoán, điều trị bệnh viêm phổi do virus Corona gây ra. Đồng thời tổ chức các khu cách ly tiếp nhận chẩn đoán và điều trị bệnh nhân theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Bệnh viện E là một trong những Bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ tiếp nhận, chẩn đoán, cách ly và điều trị bệnh viêm phổi do virus Corona. Bệnh viện đã làm theo đúng quy định của Bộ Y tế và có sự phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Cơ sở II để điều trị những bệnh nhân diễn biến nặng.

Bệnh viện đã tổ chức những khu cách ly bệnh nhân ngay tại khoa cấp cứu, khoa Bệnh nhiệt đới, khoa Hồi sức tích cực. Phối hợp các khoa, phòng trong Bệnh viện, đặc biệt là khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo quy trình sát khuẩn trong quá trình vận chuyển và cách ly bệnh nhân. Bệnh viện cũng có xe vận chuyển chuyên dụng và các trang thiết bị cấp cứu, phòng hộ đầy đủ khi có yêu cầu về chuyên môn.

Nguyễn Hoài (Hà Đông- Hà Nội): hỏi:
Hiện nay có quá nhiều thông tin trên mạng xã hội về dịch viêm phổi Vũ Hán, nhất là các thông tin tiêu cực, gây hoang mang. Số người chết, số ca mắc bệnh, nghi mắc bệnh quá nhiều mà người dân chúng tôi không kiểm chứng được. Làm thế nào để kiểm phân biệt thông tin thật giả về dịch này? 
Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Hiện nay, có rất nhiều thông tin liên quan đến dịch bệnh do virus nCov lan truyền trên mạng như qua mạng xã hội facebook rồi các báo điện tử, các forum, diễn đàn trên mạng.

Hầu hết các thông tin đều được dẫn từ các cơ quan chính thống nhưng hiện nay vẫn còn một số thông tin sai lệch so với sự thật lan truyền trên mạng xã hội. 

Để không bị ảnh hưởng bởi những thông tin sai lệch bạn nên tìm những trang thông tin ngôn luận chính thống về dịch bệnh của Bộ Y tế, Sở Y tế, ví dụ như website của Bộ Y tế (moh.gov.vn); Cục Y tế dự phòng (Vncdc.gov.vn); Báo Sức khỏe đời sống (suckhoedoisong.vn); Sở Y tế Hà Nội (soyte.hanoi.gov.vn);...

Trần Trọng Binh (Nam Từ Liêm- Hà Nội): hỏi:
Học sinh các cấp đã được nghỉ học để phòng dịch, nhưng nghỉ 1 tuần thì liệu dịch đã hết, đã đủ an toàn cho các con khi đến trường chưa? 
Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trả lời:

Về diễn biến dịch bệnh thì phụ huynh cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và các phương tiện thông tin đại chúng chính thống. 

Trong thời gian học sinh nghỉ thì các nhà trường vẫn duy trì việc vệ sinh hàng ngày, mở cửa thông thoáng các lớp học để đảm bảo học sinh sau 1 tuần nghỉ, khi trở lại trường học sinh được học tập trong môi trường sạch sẽ. 

Đối với Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, ngày 2-2, nhà trường đã tổng vệ sinh toàn bộ trường và kết hợp Trung tâm y tế dự phòng quận Hoàn Kiếm phun khử khuẩn toàn trường. 

Trong các ngày nghỉ, giáo viên và nhân viên nhà trường vẫn được phân công thường xuyên mở cửa phòng học cho thông thoáng và cách 2 ngày lại lau lại các mặt bàn, sàn nhà, khu vực công cộng bằng dung dịch diệt khuẩn chloramin B nên phụ huynh yên tâm về vệ sinh trường học. 

Nguyễn Hồng Hà, phường cửa Nam, Hoàn Kiếm hỏi:
Xin hỏi cô Trần Thị Bích Liên, trước tình hình dịch bệnh đang lây lan, nhà trường có lường trước việc có thể có ca nhiễm bệnh là học sinh và ngành giáo dục buộc phải cho học sinh nghỉ học kéo dài hơn. Vậy nhà trường chuẩn bị phương án đảm bảo chương trình cũng như chất lượng học của của học sinh năm học này ra sao?
Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trả lời:

Giao lưu trực tuyến "Hướng dẫn phòng, chống lây lan dịch bệnh Corona" ảnh 19

Bộ GD&ĐT quy định thời gian kết thúc năm học là ngày 31-5 hàng năm. Nếu học sinh phải nghỉ học 1-2 tuần thì không ảnh hưởng gì đến thời gian kết thúc năm học theo quy định. Tuy nhiên, nếu nghỉ dài hơn thì phía Bộ GD&ĐT sẽ có chỉ đạo, hướng dẫn để các trường đảm bảo chương trình của năm học 2019-2020. 

Phạm Văn Huy (Mê Linh, Hà Nội) hỏi:
Nếu không mua được nước rửa tay diệt khuẩn, có thể rửa tay bằng xà phòng thường không thưa bác sĩ? Rửa tay thế nào, bao lâu thì chống được virus?
ThS.BS Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện E trả lời:

Nếu không mua được nước rửa tay diệt khuẩn, bạn có thể dùng xà phòng để rửa tay dưới vòi nước xả, theo quy trình rửa tay thường quy gồm 5 bước, đã niêm yết tại các cơ sở y tế. Thời gian rửa tay tối thiểu 60 giây.

Nguyễn Mạnh Linh (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) hỏi:
Khi có thông tin tình hình dịch bệnh viêm phổi do virus corona, Bệnh viện E đã chuẩn bị gì để chống dịch, Bệnh viện có thành lập Ban chống dịch hay Tổ phản ứng nhanh không thưa bác sỹ?
ThS.BS Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện E trả lời:

Giao lưu trực tuyến "Hướng dẫn phòng, chống lây lan dịch bệnh Corona" ảnh 20

ThS. BS Vũ Mạnh Cường, Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E

Khi có thông tin về dịch bệnh viêm phổi do virus Corona gây ra, Bệnh viện E đã thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống dịch do Giám đốc Bệnh viện làm Trưởng Ban. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng ngay lập tức tổ chức các khoá tập huấn theo phác đồ của Bộ Y tế chẩn đoán, điều trị bệnh viêm phổi do virus Corona gây ra. Đồng thời tổ chức các khu cách ly tiếp nhận chẩn đoán và điều trị bệnh nhân theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Bệnh viện E cũng đã thành lập 2 tổ phản ứng nhanh để đáp ứng công tác chẩn đoán điều trị bệnh, kịp thời đáp ứng khi có yêu cầu của Bộ Y tế.

Phạm Bắc ở Xã Đàn, Đống Đa hỏi:
Tôi đọc báo thấy khuyến cáo, cho trẻ ăn đủ, uống vitamin để tăng sức đề kháng? Vậy, tôi cho 2 con tôi (3t và 5t) ăn tăng lượng thịt, cá trong khẩu phần ăn hàng ngày thì có giúp ích gì không?

Bác sỹ CKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội trả lời:

Việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng là cần thiết để có hiệu quả trong phòng bệnh nói chung và bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCov nói riêng. 

Giao lưu trực tuyến "Hướng dẫn phòng, chống lây lan dịch bệnh Corona" ảnh 21

BSCKII, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội - Khổng Minh Tuấn

Chế độ ăn cần đảm bảo đầy đủ các nhóm thực phẩm như gạo, trứng, sữa cá, rau xanh, trái cây, thịt... 

Đối với trường hợp của bạn, trẻ ở độ tuổi 3t và 5t thì vẫn nên cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, không nên cho trẻ ăn quá nhiều một nhóm thực phẩm như thịt hoặc cá để tránh các bệnh liên quan đến dinh dưỡng như thừa cân, béo phì hoặc tiêu chảy.

Nguyễn Thu An (Cầu Giấy- Hà Nội): hỏi:
Các con được nghỉ học nhưng bố mẹ vẫn phải làm việc. Khi bố mẹ đi làm, nguy cơ lây nhiễm dịch vẫn cao và có thể mắc dịch, về nhà lây lại cho con. Vậy con nghỉ học không cho bố mẹ nghỉ làm thì có tác dụng gì không? 
Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trả lời:

Hiện nay tình hình dịch bệnh và cách phòng chống dịch bệnh được thường xuyên cập nhật và đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Mỗi phụ huynh cần phải có ý thức tự phòng tránh dịch cho mình, cho gia đình và cho cộng đồng. 

Việc các con nghỉ học mà bố mẹ đi làm thì bố mẹ cần có tự biện pháp phòng tránh tại công sở, nơi công cộng để tránh về nhà lây nhiễm cho con. 

Nếu không may các con bị lây nhiễm thì việc nghỉ học hiện nay cũng giúp cho các con không bị lây nhiễm sang các bạn khác.