Giám sát… đất đai

ANTĐ - Kết quả thăm dò của các đại biểu Quốc hội về việc lựa chọn chuyên đề giám sát năm 2012, cho thấy có 3 vấn đề “nóng hổi” nhất. Đó là giám sát về an toàn giao thông, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật để giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Cuối cùng Quốc hội đã “bấm nút” biểu quyết thông qua theo đa số Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội về vấn đề khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai và vấn đề “tam nông”.

Quyết định giám sát vấn đề đất đai và “tam nông” chứ không phải vấn đề an toàn giao thông, không phải vì chuyện này “nóng” hơn chuyện kia. Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2011 khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai chiếm tới 79,04% tổng số đơn khiếu nại, tăng 9,14% so với năm 2010. Theo một số đại biểu Quốc hội, tình hình khiếu nại về đất đai hiện vẫn đang diễn ra phức tạp, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài vẫn xảy ra. Qua tiếp xúc với cử tri, vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai là bức xúc hơn cả, nhất là những bất cập trong giải quyết đền bù giải tỏa hoặc cấp đất mới. Có nhiều vụ việc địa phương đã giải quyết nhưng người dân vẫn còn đi khiếu nại tiếp. Có những vụ kéo dài gần chục năm dẫn đến những bức bối, căng thẳng gây khó khăn trong công tác quản lý, điều hành của địa phương.

Nhiều trường hợp không được xem xét, giải quyết thấu đáo, cơ quan giải quyết chưa quan tâm xem xét bản chất sự việc, vì thế việc thực hiện còn nặng về hình thức, đối phó cho xong việc. Quốc hội cân nhắc và quyết định giám sát đất đai và “tam nông”, chắc chắn sẽ “trúng” tâm tư, nguyện vọng và nỗi bức xúc tích tụ của người dân. Thực ra, cũng có tới gần 60 đại biểu Quốc hội bày tỏ mong muốn giám sát về an toàn giao thông, một vấn đề đã và đang “quá nóng” của xã hội. Tuy vậy, nội dung an toàn giao thông đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII giám sát từ năm 2008, đồng thời đã đưa ra những kiến nghị, giải quyết thiết thực cả trong ngắn hạn và lâu dài. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải triển khai quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, khắc phục hạn chế yếu kém trong lĩnh vực này.

Có đại biểu đã thẳng thắn nói, cử tri ở các địa phương đều nói rằng đây là một vấn đề đang thực sự “nóng bỏng”, “nóng” như thế mà Quốc hội không đi vào để giám sát để đưa ra những quyết sách nhằm tạo ra đột biến của tình hình an toàn giao thông, chống tai nạn giao thông thì đúng là Quốc hội chúng ta sẽ có lỗi với nhân dân và cử tri. Tuy nhiên, vấn đề giao thông cũng chỉ trong phạm vi các thành phố, đô thị và quốc lộ. Trong khi đó, đất đai động chạm tới hàng loạt vấn đề trong lĩnh kinh tế - xã hội. Thu ngân sách từ đất đai tới 50.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng quỹ đất. Nguyên nhân là do chính sách thuế và phí trong lĩnh vực quản lý đất đai thiếu điều tiết hợp lý nguồn thu và ngân sách; chưa trở thành công cụ quản lý thị trường, chống đầu cơ đất đai và khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng trong quản lý đất đai còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành. Đầu cơ đất đai đã trở nên phổ biến với quy mô khác nhau, đẩy giá đất tăng cao, làm tăng chi phí đầu tư, tác động xấu đến tình hình kinh tế - xã hội, gây bức xúc và bất bình trong dư luận.

Quốc hội biểu quyết đưa chương trình giám sát đất đai trong năm 2012 với kỳ vọng nâng cao hiệu lực quản lý đất đai, hoàn thiện pháp luật về tài chính đất đai; gỡ vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và những bất cập trong thu tiền đất. Đất đai là tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia, là một tài sản đặc biệt và là hữu hạn. Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả đất đai là bài toán đặt ra từ lâu mà vẫn chưa tìm ra lời giải.