Giảm lạm phát, giải pháp gốc chống “vàng hóa” nền kinh tế

ANTĐ - ĐBQH Trần Hoàng Ngân (ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cho rằng, nếu đưa được lạm phát xuống mức khoảng 4%, thì người dân sẽ bỏ thói quen tích trữ vàng mà sẽ gửi tiền mặt vào ngân hàng.

- Sắp tới các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ dừng huy động, cho vay vàng. Thế vào đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ đứng ra mua vàng nếu người dân muốn bán để chuyển đổi sang tiền đồng, với mục đích chống “vàng hóa” nền kinh tế và huy động nguồn lực cho phát triển. Ông nhìn nhận việc này ra sao?

- ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Người dân Việt Nam có thói quen mua vàng tích trữ, coi đó như một kênh đảm bảo về kinh tế. Đây là việc làm bình thường. Trong tình hình hiện nay, điều cần nhất là có những chính sách ổn định tiền tệ, để làm sao chúng ta có thể kiềm chế tốt lạm phát, đưa về với mức lạm phát chung của khu vực ASEAN - bình quân khoảng 4% trở lại. Nếu làm được việc này, người dân sẽ dần bỏ thói quen tích trữ vàng, và gửi tiền mặt vào ngân hàng. 

Đó mới là biện pháp căn cơ, giải quyết tận gốc vấn đề, và tại thời điểm hiện nay không nên có thêm bất cứ một chính sách nào gây căng thẳng, bức xúc đến người dân. Về việc huy động vàng, Chính phủ có phương án để huy động được lượng vàng đang tồn trong dân, qua đó phục vụ cho sự phát triển chung của nền kinh tế là cần thiết; hạn chế các TCTD huy động, vay vàng cũng là một giải pháp cần thiết, để tập trung vào tiền tệ.

- So với thời điểm 2008, giá vàng hiện nay đã tăng hơn 300%. Thực tế, các TCTD cho vay vàng chủ  yếu là để mua nhà, bất động sản. Ông có thể phân tích những rủi ro cho TCTD và người dân khi thị trường bất động sản “đóng băng”?

- Không phải tổ chức tín dụng nào cũng bị thiệt hại bởi vàng tăng giá. Những đơn vị nào dự báo sai thì phải trả giá bằng thiệt hại, ngược lại đơn vị nào dự báo đúng sẽ thu được lợi nhuận.

Trong thời gian vừa qua, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có những biến động phức tạp, giá vàng thường xuyên tăng, đột biến. Người dân nhờ đó bảo tồn được về vốn, nhưng có thể thiệt hại so với giá đất, với thời giá tiêu dùng, thậm chí là cả với thu nhập của họ. Do khủng hoảng kinh tế thế giới, mà cụ thể tại Mỹ nên buộc chính phủ nước này phải nới lỏng tiền tệ, khiến giá vàng tăng. Khi nền kinh tế Mỹ phục hồi thì giá vàng không có những cú sốc, do đó người dân cũng nên hết sức thận trọng khi chọn vàng làm phương án bảo tồn nguồn vốn.

- Có ý kiến cho rằng, việc NHNN đứng ra mua vàng của dân cũng không thể diễn ra ngay lập tức được, cần tổ chức một mạng lưới mua – bán vàng đáp ứng đủ yêu cầu theo tinh thần quy định. Theo ông, mạng lưới này nên được xây dựng theo hướng nào?

- Làm cách nào thì cũng phải tránh việc độc quyền và phải tạo được tâm lý ổn định, yên tâm trong dân. Đừng để người dân phải hoảng hốt, mang vàng cất giữ lâu nay đổi sang vàng SJC, rồi nghe thương hiệu này bị làm nhái thì tiếp tục mang vàng đến các ngân hàng kiểm tra. Các chủ trương, chính sách phải rõ ràng, ổn định để người dân yên tâm.