Giảm giá xăng dầu bằng cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Giá xăng dầu thế giới tiếp tục lập đỉnh lịch sử, thậm chí hôm 3-3, giá dầu Brent đạt gần 120 USD/thùng, mức cao nhất trong gần 1 thập kỷ. Diễn biến này gây áp lực vô cùng lớn lên giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Vậy cách nào để khống chế mức tăng giá mặt hàng này trong nước?
Cần có giải pháp kiềm chế mức tăng giá xăng dầu

Cần có giải pháp kiềm chế mức tăng giá xăng dầu

Giảm một số loại thuế, phí xăng dầu

Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là sắc thuế đầu tiên các chuyên gia kinh tế kiến nghị Bộ Tài chính nên xem xét đề xuất giảm, bởi mức thu thuế này đang được quy định “cứng” và ở mức cao. Hiện mỗi lít xăng “cõng” 3.800 - 4.000 đồng thuế bảo vệ môi trường, mỗi lít dầu là 1.000 - 2.000 đồng. Trước đề xuất của giới chuyên gia và yêu cầu của Chính phủ, hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến giảm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường trên mỗi lít xăng dầu và 500 đồng đối với mỗi lít dầu hỏa, mỡ nhờn, giữ nguyên thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay. Nếu phương án này được phê duyệt, thì mỗi lít xăng dầu phổ biến trên thị trường có cơ hội giảm 500 - 1.000 đồng so với giá bán hiện hành.

Ngoài sắc thuế trên, mới đây Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (Premium) và các loại thuế, không chỉ thuế bảo vệ môi trường. Theo Bộ Công Thương, lợi nhuận định mức được quy định trong công thức tính giá cơ sở là 300 đồng/ lít, chi phí định mức khoảng 1.050 - 1.150 đồng, tùy loại xăng, dầu áp dụng từ năm 2014 cần xem xét lại cho hợp lý hơn, nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu, đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong quá trình phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ. Phản hồi đề xuất này, Bộ Tài chính cho hay đang rà soát lại các khoản chi phí và lợi nhuận định mức. Trong trường hợp các khoản chi phí trên được điều chỉnh giảm thì giá xăng dầu cũng có cơ hội giảm tương ứng.

Đối với quỹ bình ổn giá xăng dầu, còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc tiếp tục duy trì hay bỏ quỹ này vì tiền đóng góp vào quỹ được thu trực tiếp từ người tiêu dùng. Tuy vậy, các ý kiến nghiêng về duy trì quỹ hơn vì trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang có, việc duy trì quỹ là cần thiết. Dù vậy, quỹ bình ổn giá xăng dầu cần được công khai, minh bạch hơn.

Theo Bộ Công Thương, tỷ trọng các loại thuế, phí trong giá cơ sở các mặt hàng xăng chiếm từ 42,7% - 43,2%, trong khi đối với dầu, tỷ lệ này là trên 20%. Nếu giảm các loại thuế, phí sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, ở mặt tích cực, giá xăng dầu có thể giảm khá mạnh. Trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa khôi phục sản xuất kinh doanh sau thời gian dịch bệnh căng thẳng thì giảm thuế, phí là “liều thuốc bổ” hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Điều gì sẽ xảy ra nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng?

Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 2-2022, chỉ số nhóm giao thông tăng cao nhất với 15,46% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,49 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu tăng 47,07%. Đáng chú ý, chỉ trong vòng 1 năm qua, xăng A95 tăng 8.200 đồng/lít; xăng E5 tăng 8.500 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.960 đồng/lít. Giá xăng dầu tăng tác động trực tiếp đến giá cả nhóm hàng giao thông, nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng… và nhiều hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác. Sau nhiều lần tăng giá xăng dầu liên tiếp, nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết họ đã kiệt quệ, nếu không tăng giá cước vận tải thì sẽ thua lỗ nặng. Tương tự, do chi phí vận chuyển, rau xanh, thực phẩm tăng, nhiều hàng quán tăng giá hàng hóa hoặc giảm bớt khẩu phần ăn của khách hàng…

Dự báo về tình hình lạm phát năm 2022, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, áp lực lạm phát của năm 2022 đối với kinh tế đang hiện hữu khi giá nguyên vật liệu, hàng hóa và dịch vụ thế giới tăng cao; giá dầu thô còn tiếp tục tăng trong những năm tới do nhu cầu tăng mạnh, trong khi nguồn cung hạn chế và thị trường dầu thô trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua; thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu khi nhu cầu ngày một tăng là chỉ báo về giá dầu cao kéo dài trong ít nhất 1 năm tới. Trên thực tế, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine đang là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu thế giới tăng cao thời gian qua. Giá xăng dầu trong nước cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay, ở mức gần 27.000 đồng/lít. Theo chuyên gia này, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nguyên nhiên vật liệu trong nước. Diễn biến này đang diễn ra trong thực tế khi nhiều hàng hóa và dịch vụ muốn tăng giá để duy trì kinh doanh.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết thêm, đối với nền kinh tế nước ta, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%, đây là mức giảm khá lớn. Đặc biệt, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ làm giảm hiệu quả và có thể vô hiệu hóa chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát, dẫn tới không đạt được mục tiêu tăng trưởng, thất thu ngân sách nhưng lạm phát vẫn gia tăng. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế” - ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Cho rằng giá xăng dầu tăng cao quá sẽ ảnh hưởng tới đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế, song, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, năm 2022, giá xăng dầu có tăng nhưng tốc độ tăng không quá cao như năm 2021 nên chúng ta cũng không nên quá lo ngại về sự tăng giá xăng dầu tới tăng trưởng, hồi phục kinh tế.

Trước diễn biến giá xăng dầu tăng cao có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2022, Tổng cục Thống kê mới đây cũng khuyến cáo cần “theo dõi sát diễn biến thị trường xăng, dầu thế giới và trong nước, có các giải pháp bảo đảm cung cầu xăng, dầu trong nước và hạn chế mức tăng giá”.

Nhiều hàng hóa dịch vụ tăng giá

Tại Hà Nội, giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh từ 20 - 30% sau khi tăng giá xăng dầu và do tác động của yếu tố thời vụ. Cá biệt có những mặt hàng tiêu dùng tăng lên gấp đôi so với thời điểm Tết Nguyên đán dù nguồn cung vẫn đang rất dồi dào. Cụ thể, giá các loại rau xanh đều tăng mạnh, như cải thảo từ 8.000 đồng/kg lên 15.000 đồng; xà lách từ 12.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg; rau ngót từ 6.000 đồng/mớ lên 12.000 đồng/mớ; rau muống từ 10.000 đồng/mớ lên 30.000 đồng/mớ… Các mặt hàng thịt cá cũng tăng mạnh, như cá chép từ 200.000 - 220.000 đồng/kg; cá song 280.000 - 300.000 đồng/kg (tăng 50.000-60.000 đồng/kg); thịt bò 250.000 - 350.000 đồng/kg (tăng 40.000 đồng/kg so với thời điểm Tết Nguyên đán)... Giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình cũng tăng mạnh.