Đồng loạt các họa sỹ bày tỏ sự tức giận vì tranh bị "đạo" in lên vải

ANTD.VN - Loạt tranh "Ao sen" của họa sỹ Bùi Trọng Dư đã bị các công ty thiết kế, các xưởng in vải ngang nhiên in lên vải. Khi họa sỹ lên tiếng, chăng những không được một lời xin lỗi mà Bùi Trọng Dư còn nhận được sự thách thức "Hình ảnh công khai mà, bên em không lấy thì bên khác sẽ lấy"....

Loạt tranh "Ao sen" của họa sỹ Bùi Trọng Dư gồm 3 bức sen và 1 bức thiếu nữ, được họa sỹ sáng tác từ năm 2011 đến năm 2015... Suốt từ đó đến nay, 4 tác phẩm này liên tục bị xâm hại bản quyền và phần lớn trong số ấy là các công ty thiết kế, in ấn, các xưởng áo dài.

Mới đây, anh phát hiện ra bức tranh sơn mài Ao sen của mình vẽ năm 2011 bị Công ty in vải Lan Anh lấy làm nền áo, rồi cắt tranh cô gái của họa sĩ khác chồng lên, tự gọi đó “mẫu tự thiết kế” và chào bán quảng cáo công khai trên web và mạng xã hội.

Bức tranh "Ao sen" của Bùi Trọng Dư
Sau khi phát hiện, họa sĩ Bùi Trọng Dư đã chủ động gọi điện, nhắn tin cho cơ sở vi phạm, nhưng công ty đã trả lời loanh quanh, nói là khách đưa thiết kế đến thì in. 

Thậm chí, công ty này còn trả lời họa sỹ "hồn nhiên" rằng: "Anh đã chia sẻ ảnh trên cộng đồng mạng, em không dùng thì người khác cũng lấy. Hình ảnh công khai mà! Không phải xưởng em làm mà còn nhiều xưởng khác cũng làm. Em chỉ fake lại của xưởng người ta thôi".

Chỉ đến khi họa sỹ làm mạnh, nhờ đến truyền thông cùng lên tiếng, công ty in vải Lan Anh mới gửi lời xin lỗi đến tác giả và đã gỡ hình ảnh vi phạm khỏi web và mạng xã hội.

Bức tranh sơn mài “Ao sen” của họa sĩ Bùi Trọng Dư bị đem đi in trên áo dài mà không hề được phép của tác giả

Họa sỹ Bùi Trọng Dư cho biết, đây là lần thứ 4 anh phát hiện ra tranh của mình bị xâm phạm bản quyền trong các sản phẩm tiêu dùng. Đặc biệt, bức tranh sơn mài "Ao sen" nhiều lần bị xâm phạm và lần nào cũng là các đơn vị in áo dài.

Bên cạnh công ty in vải Lan Anh, lần này, họa sỹ Bùi Trọng Dư còn phát hiện ra công ty Áo dài Lotus – Lotus House (số 22 đường số 3, khu phố 2, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM) vi phạm bản quyền. Khi họa sỹ gọi điện phản ánh, nhân viên công ty đã ghi nhận và nói sẽ xin hướng giải quyết của cấp trên và báo lại nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.

Họa sỹ Bùi Trọng Dư khẳng định, trước mắt anh sẽ nhờ luật sư can thiệp và gửi thư tới các đơn vị vi phạm. "Các họa sĩ chúng tôi rất ngại kiện tụng vì mất quá nhiều thời gian, nên thường cho qua khi các đơn vị vi phạm có thái độ biết lỗi. Nhưng nếu họ vẫn ngang nhiên thì sẽ khởi kiện", họa sỹ cho hay.

Bức tranh "Hai chị em" của Ngụy Đình Hà

Trước sự lên tiếng mạnh mẽ của Bùi Trọng Dư, nhiều họa sỹ khác của Việt Nam cũng đã đồng loạt chia sẻ sự bức xúc khi tác phẩm của họ bị các công ty áo dài vi phạm bản quyền. Trong đó có thể kể đến họa sỹ Lâm Đức Mạnh, Ngụy Đình Hà, Nguyễn Thu Hương, Phan Linh Bảo Hạnh. Mỗi người bị một đơn vị "ăn cắp" bản quyền khác nhau nhưng nỗi bức xúc, sự giận dữ thì hoàn toàn giống nhau.

Họa sĩ Phan Linh Bảo Hạnh đau xót cho biết: “Mỗi tác phẩm của họa sĩ được vẽ ra đều phải đặt hết tâm huyết sức lực vào đó. Vậy mà bị nghiễm nhiên chiếm đoạt, càng lúc càng công khai, trắng trợn. Từ chép tranh bán, chép tranh vào tường trang trí và bây giờ là in lên áo, không biết người ta còn làm trò gì với các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ nữa đây. Lương tâm, đạo đức nghề nghiệp ở đâu?”

Họa sĩ Ngụy Đình Hà, tác giả bức tranh sơn dầu Hai chị em vẽ năm 2018, bị Công ty áo dài Phương Mai xâm phạm trái phép cho biết : “Để vẽ được, người họa sĩ phải trả giá bằng nhiều năm trải nghiệm cuộc sống, lăn lộn đi thực tế, tìm tòi phong cách, nghiền ngẫm mất ăn mất ngủ cả tháng, nhưng sở hữu trí tuệ quý báu chắt lọc này lại bị các công ty ngang nhiên tự ý lấy đem xào xáo bừa bãi, bán ra thương trường kiếm lời mà không hề xin phép, không trả tiền tác quyền? Tôi thực sự rất tức giận và đau xót cho tác phẩm của mình”.

"Hai chị em" - tranh sơn dầu của họa sĩ Ngụy Đình Hà bị "đạo" trắng trợn

Khi họa sỹ Ngụy Đình Hà liên hệ với công ty áo dài Phương Mai để làm cho ra nhẽ, câu trả lời họa sỹ nhận được là, không biết đấy là tác phẩm của tác giả nên đã tự ý sử dụng và đã cho gỡ hình ảnh xuống. Tuy nhiên, đến nay công ty áo dài Phương Mai vẫn chưa gửi lời xin lỗi đến tác giả.

Họa sỹ Ngụy Đình Hà cho biết thêm, đơn vị sai phạm có động thái tích cực, anh không muốn làm ầm ĩ. Nhưng nếu tiếp tục ngang ngược không hợp tác, anh sẽ khởi kiện.

Họa sĩ Lâm Đức Mạnh, tác giả bức tranh sơn dầu Đêm thu vẽ năm 2017, cũng bị xâm phạm trái phép bản quyền khi in lên áo dài, chia sẻ: “Từ vụ đạo tranh lên áo dài lần này, tôi thấy buồn cho thẩm mỹ của nghề thiết kế thời trang áo dài. Tranh có ngôn ngữ của tranh, vẽ trên áo dài đòi hỏi ngôn ngữ khác, không thể in tranh, cắt ghép thô thiển vào áo dài được. Tôi thấy thương cho sự ấu trĩ của đơn vị may áo dài, đồng thời cũng rất bất bình về việc họ sử dụng tranh của tôi vào mục đích thương mại mà không xin phép”.

Để đấu tranh với nạn dùng "chùa" tác phẩm nghệ thuật, họa sỹ Bùi Trọng Dư cương quyết nói: "Nếu các đơn vị kinh doanh không thực hiện nghĩa vụ, chúng tôi sẽ cùng nhau kiện ra tòa, đòi lại công lý cho sở hữu trí tuệ của mình".