Bản quyền mỹ thuật bị đánh cắp - Lỗi tại Facebook?

ANTD.VN - Việc sao chép tranh trái phép không chỉ gây ảnh hưởng tới tên tuổi của các họa sỹ mà còn gây ra những tổn thương về mặt tinh thần. Mới đây, họa sỹ Hà Hùng Dũng đã phát khóc khi phát hiện thêm một cơ sở kinh doanh thẩm mỹ tại Trung Hòa, Hà Nội sao chép trái phép tác phẩm của anh, bên cạnh các vụ việc của Pao’s  Sapa và một cơ sở thẩm mỹ ở Triệu Việt Vương được phát hiện… 

Bản quyền mỹ thuật bị đánh cắp - Lỗi tại Facebook? ảnh 1Những cô gái dân tộc của họa sỹ Hà Hùng Dũng bị tranh tường Trần Tuân sao chép trái phép

Hoang mang dày thêm mỗi ngày

Họa sỹ Hà Hùng Dũng chia sẻ, anh rất hoang mang khi liên tiếp các vụ việc về sao chép tranh được phát hiện. Những bức tranh về đề tài cô gái dân tộc của anh đã bị các đơn vị công khai chép lên tường mà chẳng thèm hỏi ý kiến tác giả lấy một câu và đương nhiên cũng chẳng cần biết tác giả thực sự của những bức vẽ ấy là ai. Sự việc có vẻ như không dừng lại khi mỗi ngày, thông tin về các sai phạm liên quan tới tác quyền mỹ thuật tiếp tục được nối dài. Họa sỹ Hà Hùng Dũng - “nạn nhân” của hiện tượng “đạo tranh” thì chẳng biết làm thế nào khi bạn bè, người thân của anh mỗi người khuyên nhủ theo một hướng. 

Người thì bảo nên khởi kiện, phải làm tới cùng cho ra nhẽ. Người lại khuyên chỉ cần hai bên dàn xếp ổn thỏa, đỡ mất công và chi phí đi kiện vì sợ “được vạ thì má đã sưng”. Giữa những luồng ý kiến khác nhau, họa sỹ Hà Hùng Dũng bỗng dưng thấy băn khoăn, chưa biết đi theo hướng nào cho ổn thỏa. 

Cho tới tận bây giờ, kết quả tốt nhất anh đạt được khi phát hiện tranh của mình bị sao chép trái phép cũng chỉ là vài lời xin lỗi và người ta xóa bỏ các tác phẩm vi phạm ở khách sạn Pao’s Sapa. Cũng giống như các họa sỹ khác, anh đang rất lo lắng cho đứa con tinh thần của mình có thể bị người ta “xâm hại” bất cứ lúc nào. 

Họa sỹ Hà Hùng Dũng thực ra cũng chỉ là một trong vô vàn trường hợp rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” trước tính năng tiện lợi và cũng có phần tai hại của facebook. Việc đưa ảnh chụp các tác phẩm lên mạng xã hội đang là con dao hai lưỡi, một mặt, có thể giúp họa sỹ quảng bá các sáng tác mới nhất tới người xem, có thể thay thế các cuộc triển lãm cá nhân được tổ chức rình rang, tốn kém. Tuy nhiên, công cụ này lại tiếp tay cho những kẻ sao chép tranh dễ dàng thực hiện ý đồ của mình. 

Họa sỹ Bùi Trọng Dư, Ngụy Đình Hà, Lâm Đức Mạnh… đều là các họa sỹ sử dụng mạng xã hội thành thạo. Và họ cũng chính là đối tượng được nhắm tới của nhiều phòng bán tranh nghệ thuật, các công ty thiết kế và in ấn. Trước đây, họa sỹ Phạm An Hải từng rất bất ngờ khi tranh còn ở trong nhà mà ngoài shop bán tranh đã nhái tác phẩm của mình. Hay gần đây nhất, nhóm các họa sỹ mạnh mẽ đứng lên đấu tranh với nạn “đạo” tranh in lên vải cũng rơi vào tình trạng tương tự chỉ vì… facebook. Sự bức xúc, tức giận của các họa sỹ cũng là điều dễ hiểu. Song nguyên nhân cũng được chỉ ra, là do chính các họa sỹ đã công khai tác phẩm của mình trên mạng internet. 

Cách bảo vệ tranh trong môi trường số

Với sự tiện lợi của mạng xã hội, số lượng các họa sỹ đưa tranh lên mạng ngày một đông hơn và đi kèm với đó, những rắc rối về bản quyền đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết khi ý thức thực hành luật sở hữu trí tuệ hiện nay còn rất mù mờ. Mặc dù ý thức được những rắc rối có thể xảy ra trong môi trường số, song không ít họa sỹ vẫn lựa chọn việc đưa tác phẩm đến với người xem thông qua con đường của mạng xã hội. Lý do được các họa sỹ đưa ra để giải thích cho việc tiếp tục “dấn thân” là phải đưa lên mạng, người xem mới có cơ hội biết và so sánh chất lượng của các bức tranh giả, tranh thật khác nhau như thế nào.

Họa sỹ Phạm An Hải, một nạn nhân của nạn sao chép tranh trái phép chia sẻ, để các bức tranh được an toàn trong môi trường số, các họa sỹ cần nâng cao tay nghề, vẽ điệu nghệ tới mức, những kẻ làm giả cũng không thể chép lại. Từ kinh nghiệm hoạt động thực tế, họa sỹ nhận thấy, từ ngày anh làm theo cách này, dù tranh có đưa lên mạng cũng chưa xảy ra thêm các trường hợp sao chép tranh này khác. 

Tuy nhiên, họa sỹ Thành Chương lại cho rằng, để tránh những phiền phức không mong muốn, tốt nhất, các họa sỹ không nên tung tác phẩm lên facebook hay zalo, viber. Cách làm đó không khác nào “mỡ để miệng mèo”, kích thích và tạo điều kiện cho thói quen xấu trong sử dụng bản quyền tác phẩm được trỗi dậy. 

Họa sỹ Thành Chương là người hiểu rất rõ những rắc rối liên quan tới tranh chấp bản quyền. Vì vậy, ông lựa chọn biện pháp an toàn và có phần hướng nội. Thế nhưng, Thành Chương cũng không tránh khỏi việc bị sao chép tranh trái phép khi là một tên tuổi trong làng mỹ thuật. 

Vì thế, câu chuyện ở đây cần đề cập đến chính là thái độ ứng xử và chấp hành luật pháp của công dân. Việt Nam đã gia nhập công ước Berne và có đầy đủ hệ thống văn bản pháp luật để bảo vệ đội ngũ sáng tác, nhưng cho tới nay, nạn xâm phạm bản quyền tác phẩm vẫn diễn ra, không chỉ ở lĩnh vực mỹ thuật mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Các đơn vị vi phạm bản quyền tranh đều rất thản nhiên khi trả lời họa sỹ với lý lẽ “em tìm trên mạng, thấy đẹp nên chép lại”. Thậm chí chủ tranh tường Trần Tuân còn thách thức họa sỹ “em vẽ được thì cũng xóa được”. 

Còn những người bị hại - họa sỹ lại xuê xoa, có phần muốn được dàn hòa, không muốn làm đến nơi đến chốn. Họa sỹ Bùi Trọng Dư đã từng nói: “Nếu bên xâm phạm đã nhận lỗi thì tôi cũng không làm to chuyện. Mà nếu hai bên hợp tác được với nhau sau vụ việc, tôi luôn sẵn sàng”. Thái độ có phần thiếu quyết liệt đó đã khiến cho những đơn vị sai phạm hiểu rằng, chỉ cần 1 lời xin lỗi là xong và dấu vết của bức tranh vi phạm sẽ bị xóa sạch sau cú điện thoại của họa sỹ. 

Chính vì vậy, cứ hết lần này đến lần khác, mỹ thuật Việt lại có thêm các vụ việc liên quan tới vi phạm bản quyền tác phẩm.