Giải quyết 'điểm nghẽn' cho ngành công nghiệp thang máy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không ít vụ việc tai nạn thang máy nghiêm trọng gây thương vong thời gian qua đặt ra những vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực kỹ thuật thang máy, đáp ứng đòi hỏi cấp bách của ngành công nghiệp còn khá mới mẻ nhưng đang có tốc độ phát triển mạnh tại Việt Nam.

Sáng 13-7, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam" do Hiệp hội Thang máy Việt Nam tổ chức dưới sự tài trợ của GamaLift và Gama Service.

Hội thảo đi sâu vào thực trạng và giải pháp cho đào tạo, tuyển dụng nhân lực ngành thang máy

Hội thảo đi sâu vào thực trạng và giải pháp cho đào tạo, tuyển dụng nhân lực ngành thang máy

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh cho biết cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, đời sống người dân tăng lên, nhu cầu lắp đặt thang máy phục vụ dân sinh, dịch vụ và công nghiệp ngày càng lớn.

Theo thống kê, mỗi năm có trên 35.000 thang máy được đưa vào sử dụng, trong đó có khoảng 6.000 thang máy nguyên chiếc và trên 1,7 triệu thiết bị an toàn thang máy phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước được nhập khẩu vào Việt Nam; có trên 400 công ty sản xuất lắp ráp, nhập khẩu kinh doanh thang máy.

Thời gian qua đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm gây thiệt hại cả người và tài sản do vận hành, sử dụng thang máy, tháng cuốn gây ra, đặt ra những vấn đề không chỉ về quản lý chất lượng thang máy mà còn là thực hiện quản lý nhà nước về công việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động, cộng đồng này.

Trên thực tế, Việt Nam chưa có đào tạo chính quy về kỹ thuật thang máy mà chuyển đổi từ các lĩnh vực gần như điện, cơ điện tử, cơ khí, máy xây dựng... Số kỹ thuật viên "tay ngang" này không được đào tạo theo quy chuẩn thống nhất.

Hệ thống pháp luật hiện hành quy định rõ về công việc có khả năng gây nguy hiểm cho người lao động hoặc cộng đồng, yêu cầu cần có Chứng chỉ hành nghề quốc gia. Tuy nhiên, việc này chưa được áp dụng ở lĩnh vực thang máy, dù có tính chất công việc tương đồng.

Thực tiễn đặt ra vấn đề cấp bách về xây dựng Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đối với ngành thang máy, chuẩn hoá chương trình đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực quản trị nhân lực ngành.

Hội thảo đã nghe nhiều đại biểu là chuyên gia đầu ngành tham luận, đóng góp ý kiến xung quanh thực trạng đào tạo, tuyển dụng nhân lực ngành thang máy, những khó khăn và giải pháp cho vấn đề này.