Giải pháp an toàn cháy, nổ cho khu tập thể cũ

ANTD.VN - Khu tập thể 5 tầng thuộc phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội đều xây dựng từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, do đó hầu hết hạ tầng đã xuống cấp, chắp vá, thiết bị điện nước… thiếu đồng bộ. Cùng với đó là ý thức PCCC của người dân chưa cao dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.

Đại tá Lê Chí Cao, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 3 - Cầu Giấy cho biết: “Sau khi rà soát các tập thể cũ, đặc biệt là khu tập thể thuộc phường Nghĩa Tân có tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, các hộ dân hàn lắp “chuồng cọp” bịt lối thoát nạn, cán bộ Cảnh sát PCCC phụ trách địa bàn phối hợp với chính quyền phường sở tại đến từng nhà hướng dẫn người dân mở cửa thoát nạn, đồng thời khuyến khích bà con trang bị bình chữa cháy xách tay, thiết bị báo khói cho gia đình để kịp thời xử lý khi phát hiện cháy trong gia đình”.

Sau khi Phòng Cảnh sát PCCC số  3 đến từng hộ dân, tuyên truyền vận động, nhiều hộ dân tập thể A12 Nghĩa Tân đã mở cửa thoát nạn tại "chuồng cọp"

Kiểm tra mở cửa “chuồng cọp”

Trước những tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC số 3 - Cầu Giấy rà soát lập danh sách cụ thể có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở người dân khắc phục. Đồng thời phối hợp với UNBD phường Nghĩa Tân tiến hành kiểm tra từng căn hộ để có giải pháp tối ưu về PCCC.

Cụ thể, khi tiến hành kiểm tra căn hộ trong nhà tập thể A12, phường Nghĩa Tân, tổ công tác phát hiện hầu hết các gia đình đều làm thêm “chuồng cọp” để tăng diện tích sử dụng và chống trộm cắp. Điều đáng nói nhiều hộ gia đình đã hàn “chuồng cọp” qua cả hệ thống dây dẫn điện, hoặc đè lên hệ thống điện.

Trong khi đó, chưa nói đến các công năng sử dụng trước đây của nhà tập thể giới hạn về thiết bị, nay theo nhu cầu phát triển gia tăng nhiều đồ đạc, thiết bị điện. Việc cải tạo thiếu đồng bộ đã tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Khi đã cháy nổ lại không có lối thoát nạn, do “chuồng cọp” bịt kín, cầu thang và hành lang chật hẹp, bố trí thiếu thuận tiện cho việc thoát nạn nên rất nguy hiểm.

Tại khu tập thể A12, cán bộ PCCC đã hướng dẫn cho bà con mở cửa thoát nạn tại “chuồng cọp” để có lối thoát khi không may xảy ra hỏa hoạn.

“Việc quan trọng nhất đảm bảo an toàn cho người dân tránh xảy ra hỏa hoạn và đầu tiên phải xuất phát từ ý thức của bà con. Thực tế khi kiểm tra, cán bộ PCCC tuyên truyền nhắc nhở nhưng sau đó bà con thực hiện hay không thì rất khó kiểm soát, trong khi việc xử lý về lĩnh vực PCCC tại nhà dân thì chưa có chế tài” - Đại úy Đoàn Tiến Bắc, Đội trưởng Đội Kiểm tra, hướng dẫn PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC Cầu Giấy chia sẻ.

Hiện nay, thực trạng công tác PCCC&CNCH tại các khu nhà tập thể cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội đang là một vấn đề rất nhức nhối, được chính quyền các cấp nói chung và Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội hết sức quan tâm nhưng sự chuyển biến chưa hiệu quả.

 Mở cửa thoát nạn tại "chuồng cọp" là mở lối sống cho chính mình

Ngoài ra, phần lớn các căn hộ từ tầng 2 trở lên tại các khu tập thể đều diễn ra tình trạng chủ hộ tự ý cơi nới thêm các “chuồng cọp” để mở rộng diện tích sử dụng và chống trộm. Tuy nhiên, việc lấn chiếm khoảng không để làm “chuồng cọp” sẽ vô tình kéo nhà gần sát với đường dây điện, thậm chí có những hộ gia đình còn làm “chuồng cọp” lồng vào cả đường dây điện; đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới việc thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Nếu xảy ra sự cố cháy, nổ tại các căn hộ này, lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) sẽ rất khó có thể tiếp cận cứu người khi cửa sổ, ban công đã bị bịt kín, chỉ còn một lối thoát hiểm duy nhất bằng cầu thang bộ xuống tầng 1.

Chủ quan trong sinh hoạt là nguyên nhân chính

Đoàn công tác kiểm tra các khu B11, C5, A15, A12… cho thấy chưa hề có hệ thống PCCC. Theo quan sát của PV, các vế thang của các khu nhà tập thể chỉ có chiều rộng khoảng 1 - 1,2m. Trong trường hợp khẩn cấp, sẽ rất khó khăn để cho tất cả mọi người trong tòa nhà cùng thoát nạn.

Mặc dù sinh sống trong những khu tập thể cũ, không có hệ thống PCCC, nguy cơ xảy ra cháy nổ cao, nhưng nhiều hộ dân vẫn rất chủ quan với vấn đề chủ động ứng phó các sự cố cháy nổ có thể xảy ra. Đa số những người dân được hỏi đều có chung một câu trả lời là “chưa có biện pháp gì để PCCC”.

Hầu hết người dân đều thờ ơ với an toàn PCCC, không tự trang bị bình chữa cháy xách tay cho gia đình. Chị Nguyễn Quỳnh Anh, trú tại nhà A12 cho biết: “Tôi được mời tập huấn PCCC nhiều lần, nhưng cũng chưa bao giờ mua sắm trang thiết bị bình chữa cháy về nhà. Nhiều khi nghĩ đơn giản cháy khó lắm, và nhà mình có gì đâu để mà cháy được”.

Suy nghĩa chủ quan với PCCC là “căn bệnh” chung của nhiều người dân. Từng xảy ra nhiều bài học đau xót về về việc bất cẩn trong sinh hoạt gây cháy khiến cả gia đình tử vong, song những hậu quả đó chưa được người dân xem như bài học để tự nâng cao ý thức PCCC.

Đại tá Lê Chí Cao cho biết: “Nhằm hạn chế tối đa thiệt hai về người và tài sản do cháy xảy ra, đơn vị đã chủ động tuyên truyền thường xuyên, liên tục, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn cho tổ trưởng, bảo vệ dân phố, đồng thời đến từng hộ dân trong khu tập thể rà soát, hướng dẫn các biện pháp PCCC”.

Vụ cháy tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng tháng 7-2017 đã làm 2 người tử vong do lối thoát nạn bị bịt kín bằng "chuồng cọp"

Tính đến cuối tháng 1, đầu tháng 2-2018, Phòng Cảnh sát PCCC số 3 - Cầu Giấy đã phối hợp với UBND phường Nghĩa Tân tổ chức kiểm tra, rà soát các khu nhà tập thể cũ trên địa bàn. Cho đến thời điểm hiện nay, lực lượng này đã tổ chức kiểm tra, ra soát từng căn hộ trong khu nhà tập thể A12 phường Nghĩa Tân, đồng thời động viên, khuyến khích người dân mở cửa thoát hiểm tại các khu vực “chuồng cọp”. Kết quả, gần như 100% các hộ dân sinh sống trong khu nhà tập thể A12 đã tiến hành làm cửa thoát nạn tại khu vực “chuồng cọp”, để làm lối thoát nạn dự phòng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Theo hướng dẫn của lực lượng Cảnh sát PCCC, vị trí cửa khóa nhưng phải treo chìa khóa ở gần cửa, dễ nhìn để mọi thành viên trong gia đình đều biết. Theo ông Trần Việt Hà, Phó chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, qua công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và lực lượng Cảnh sát PCCC, ý thức của người dân đối với công tác PCCC được nâng cao, điển hình là các hộ dân sinh sống trong khu nhà tập thể A12, phường Nghĩa Tân đã có chuyển biến tích cực về nhận thức PCCC là rất quan trọng. Công tác này cần tiếp tục duy trì và phát huy đến các khu tập thể cũ trên địa bàn quận, để tránh những hậu quả đáng tiếc do "bà hỏa" gây ra.