Giải mật vụ va chạm hy hữu dưới lòng biển của tàu ngầm hạt nhân Nga - Mỹ

ANTD.VN - Giữa các tàu ngầm hạt nhân của Nga và Mỹ đã từng xảy ra một vụ va chạm đầy hy hữu, gây hậu quả tương đối nghiêm trọng.

Hải quân Mỹ đã phải loại biên sớm một tàu ngầm hạt nhân của mình sau khi nó chạm trán với phương tiện của Nga. Dữ liệu trên được chia sẻ bởi chuyên gia quân sự Sebastian Roblin.

Sau khi Liên Xô tan rã và Chiến tranh Lạnh kết thúc, Quân đội Mỹ thậm chí chưa từng nghĩ đến việc ngừng giám sát những gì đang xảy ra gần biên giới Nga.

Theo nhà báo Sebastian Roblin, một trong những lần xuất kích diễn ra vào năm 1992 đã kết thúc không theo cách tốt nhất đối với tàu ngầm USS Baton Rouge của Hải quân Mỹ. Thông tin này được đăng tải trên ấn phẩm 19FortyFive.

“Vào ngày 11 tháng 2 năm 1992, tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ mang tên Baton Rouge đang ẩn náu ở độ sâu 20 mét trong vùng nước nông ngoài khơi đảo Kildin, cách cảng Murmansk của Nga 14 hải lý".

"Mặc dù Liên Xô đã không còn tồn tại vào thời điểm hai tháng trước, nhưng Hải quân Mỹ vẫn muốn theo dõi chặt chẽ những gì đang diễn ra với lực lượng tác chiến mặt nước hùng mạnh của Nga", nhà phân tích nói rõ.

Tác giả bài viết trên tờ 19FortyFive lưu ý rằng vẫn chưa rõ chính xác tàu ngầm Mỹ đã làm gì gần Murmansk. Tuy nhiên ông Roblin tin rằng thủy thủ đoàn đang cố gắng ghi lại âm thanh do tàu ngầm Nga tạo ra để nhận dạng sau này.

Tuy nhiên vào lúc 8 giờ 16 phút, các thủy thủ buộc phải tạm dừng hoạt động vì phát hiện ra một thứ gì đó rất lớn đã đâm vào chiếc tàu ngầm dài 110 m của Hải quân Mỹ từ bên dưới.

Cú va chạm làm móp mép thân tàu ngầm của Hải quân Mỹ và gây hư hỏng một trong các két dằn. Hóa ra "đòn tấn công" được thực hiện bởi tàu ngầm Kostroma của Nga, khi cố gắng nổi lên đã vô tình đâm vào chiếc US Baton Rouge.

Sau vụ va chạm, các tàu ngầm đã lập tức liên lạc với nhau và khi thủy thủ đoàn tin chắc rằng không ai cần giúp đỡ, họ đã trở về căn cứ của mình để được sửa chữa những hư hại.

"Khi đó tàu ngầm USS Baton Rouge mới trải qua 17 năm sử dụng. Tuy nhiên theo báo cáo, chi phí sửa chữa con tàu dài 110 mét, cộng với số tiền hiện đại hóa lò phản ứng hạt nhân đã lên kế hoạch được coi là quá cao".

"Với những khó khăn đã nêu trên chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân của Hải quân Mỹ đã được cho ngừng hoạt động vào tháng 1 năm 1995", người phụ trách chuyên mục của tờ 19FortyFive cho biết.

Trong khi đó, tàu ngầm Kostroma của Nga đã được sửa chữa và lại ra khơi vào năm 1997. Các thủy thủ thậm chí còn đặt một tấm biển đặc biệt trên tháp chỉ huy để vinh danh việc nó đã vô hiệu hóa chiếc USS Baton Rouge.

Sau này, giới chuyên gia nhận định sự cố hai tàu ngầm Kostroma và Baton Rouge va vào nhau có thể do vùng biển nông ngoài khơi đảo Kildin, khiến chúng khó nhận ra nhau bằng thiết bị định vị thủy âm.

Sóng biển tại vùng nước nông gây ra nhiễu tạp âm gấp 10 lần, khiến thủy thủ vận hành thiết bị sonar rất khó phân biệt tiếng động từ chân vịt của tàu ngầm đối phương với các tạp âm khác.

Thêm vào đó, tiếng động từ chân vịt tàu ngầm khác cũng phản xạ lại từ đáy và mặt biển, khiến thủy thủ khó cô lập chúng khỏi âm thanh nền.