Giải mã nguyên nhân khiến đô thị đồng bằng, ven biển hay phố núi “cứ mưa là ngập”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những năm gần đây, tình trạng ngập lụt tại các đô thị diễn ra ngày một trầm trọng hơn. Đặc biệt, không chỉ các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM mà cả những đô thị mới phát triển, đô thị ven biển hay vùng núi cao đều ngập sâu sau những trận mưa lớn.

Ngập từ phố núi đến ven biển

Đêm qua, 2/8, khu vực TP Điện Biên Phủ đã có mưa to đến rất to. Mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Văn Thái và nhiều khu dân cư trong thành phố chìm sâu trong biển nước.

Ngập sâu nhất là tuyến đường Võ Nguyên Giáp, đoạn từ ngã ba đèn đỏ đầu đường Trường Chinh đến khu vực vòng xuyến trung tâm thành phố, nhiều đoạn ngập sâu cả mét nước.

Cùng vào thời gian trên, ở thị xã Sa Pa (Lào Cai) cũng xảy ra mưa lớn. Mưa lớn kéo dài liên tục trong gần 1 giờ đồng hồ đã gây ngập cục bộ tại một số tuyến phố chính.

Mưa to khiến các phương tiện lưu thông khó khăn. Tại nhiều khu vực hệ thống cống gặp mưa lớn không tiêu thoát kịp gây ngập lụt cục bộ, nhiều xe bị ngập sâu trong nước và chết máy.

Trước đó, vào chiều 12/7, trên địa bàn TP núi Đà Lạt, Lâm Đồng cũng xảy ra tình trạng ngập lụt diện rộng do mưa lớn.

Đường Võ Nguyên Giáp, TP Điện Biên Phủ ngập sâu vào đêm qua 2/8 do mưa lớn

Đường Võ Nguyên Giáp, TP Điện Biên Phủ ngập sâu vào đêm qua 2/8 do mưa lớn

Khoảng 12h cùng ngày, trận mưa lớn đổ xuống TP Đà Lạt. Mưa kéo dài gần 2 giờ khiến nhiều đoạn trên các đường Trần Quốc Toản, Hải Thượng, Tản Đà, Yết Kiêu, Mạc Đĩnh Chi, Tô Ngọc Vân, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn dẫn vào chợ Đà Lạt)... ngập sâu. Riêng đoạn qua đường Hải Thượng, cơ quan chức năng phải túc trực hai đầu đường để phân luồng giao thông không cho các phương tiện đi vào tránh nguy hiểm.

Ở khu vực cạnh các suối Cam Ly, Phan Đình Phùng nước không kịp thoát tràn lên mặt đường gây ngập ôtô, nhiều xe chết máy phải dẫn bộ. Nước cũng tràn vào hàng chục nhà dân gây hư hỏng nhiều đồ đạc.

Hồi tháng 6 Đà Lạt cũng ngập khi mưa lớn, hai ngày 28 và 29/6, thành phố xảy ra 13 điểm sạt lở làm 2 người chết, nhiều người bị thương.

Không chỉ phố núi, mà nhiều TP ven biển cũng ngập sâu trong những trận mưa lớn trong thời gian qua. Mới đây, mưa lớn kéo dài đã khiến TP Phú Quốc ngập sâu, nhiều khu vực chia cắt.

Phố núi Tam Đảo, Vĩnh Phúc cũng ngập sâu vào tháng 5/2022

Phố núi Tam Đảo, Vĩnh Phúc cũng ngập sâu vào tháng 5/2022

Phú Quốc những năm qua có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều nhà cửa, công trình lớn được xây dựng trong khi nhiều ao hồ điều tiết nước bị thu hẹp, lấn chiếm, san lấp ảnh hưởng thoát nước. Do đó, địa phương thường bị ngập cục bộ khi có mưa lớn, ảnh hưởng đời sống người dân.

Còn ở khu vực đồng bằng Bắc bộ như Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng… những năm gần đây khi xuất hiện mưa lớn thì phố cũng thành sông. Đáng nói, đây cũng đều là những thành phố nằm sát biển.

Đô thị hóa quá nhanh, thoát nước không tương xứng

Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân đầu tiên của tình trạng ngập lụt do đặc điểm về điều kiện tự nhiên, địa hình, thủy triều và lũ thượng nguồn đặc biệt tác động của biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, hiện nay, lượng mưa ngày càng gia tăng, mưa có cường độ lớn, tấp cập trong một thời gian ngắn, gấp 3-4 lần vượt cường độ thiết kế của hệ thống thoát nước và những trận mưa này xuất hiện ngày càng nhiều hơn làm cho mức độ ngập úng ngày càng sâu hơn, cứ mưa là ngập.

Phú Quốc, đô thị nằm giữa biển cũng ngập lịch sử do mưa lớn

Phú Quốc, đô thị nằm giữa biển cũng ngập lịch sử do mưa lớn

Cụ thể như, theo thống kê của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 7, khu vực Nam Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ có tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 50 - 100%, có nơi trên 100%.

Một số nơi đã quan trắc được giá trị lượng mưa ngày và tổng lượng mưa tháng vượt giá trị lịch sử so với cùng thời kỳ tháng 7.

Như ngày 29/7, Trạm khí tượng Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) đo được lượng mưa đạt 178,1 mm, vượt giá trị lịch sử 170,8 mm năm 1966; Trạm khí tượng TP Cần Thơ đo được lượng mưa 113,8 mm, vượt giá trị lịch sử 109,7 mm năm 2003; Trạm khí tượng Vị Thanh (Hậu Giang) đo được lượng mưa 204,8 mm, vượt giá trị lịch sử 139,2 mm năm 2022; Trạm khí tượng Rạch Giá (Kiên Giang) đo được lượng mưa 229,8 mm, vượt giá trị lịch sử 220,3 mm năm 1991.

Trong khi đó, hệ thống tiêu thoát nước các thành phố (hầu hết được xây dựng trên nền các đô thị cũ) chưa hoàn chỉnh và còn nhiều hạn chế.

Các thành phố trong quá trình phát triển nhưng do trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, tầm nhìn và vốn đầu tư khác nhau, nên đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và tiêu thoát nước nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước.

Nhiều đô thị đang triển khai đầu tư cải tạo, xây dựng mới hệ thống thoát nước nhưng tiến độ triển khai chậm, thiếu vốn, nhiều khu đô thị mới việc xây dựng hệ thống thoát nước thiếu đồng bộ.

Đặc biệt là tình trạng thiếu quy hoạch, tầm nhìn quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn hạn chế;

Đô thị hóa thiếu kiểm soát, phát triển đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng không đồng bộ đang là những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của tình trạng ngập lụt đô thị.

Quá trình đô thị hóa với nhu cầu xây dựng tăng cao đã và đang dẫn tới các sự biến mất của nhiều kênh, rạch, các hồ, ao trong đô thị;

Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch đô thị đặc biệt quy hoạch thoát nước chậm và chưa hiệu quả.

Nguồn vốn để xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước là rất lớn và cần được đầu tư đồng bộ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn vốn rất hạn chế và chủ yếu dựa vào vốn vay ODA.