Giải mã bí ẩn ngư lôi tàu ngầm Argentina tự động 'tránh' chiến hạm Anh trong cuộc chiến Malvinas

ANTD.VN - Trong cuộc chiến tranh năm 1982 tại quần đảo Malvinas, Hải quân Argentina đã phải trải qua cảm giác bất lực khi chiếc tàu ngầm duy nhất của họ liên tục bắn trượt tàu chiến Anh, nguyên nhân của tình trạng trên là do đâu?

 

Máy tính điện tử là kết tinh của thành tựu khoa học kỹ thuật cao, một khi nó được dùng vào tác chiến thì việc tiến công quân sự sẽ trở nên vô cùng nhanh chóng.

Tuy nhiên thứ trang bị kỹ thuật cao này nếu xuất hiện trục trặc thì lại làm cho người sử dụng phải vô cùng hối tiếc, thậm chí là vô cùng đau khổ. Trong cuộc chiến Malvinas năm 1982, hải quân Argentina đã phải gánh chịu nỗi đau khổ kể trên.

Sau khi cuộc chiến tranh giành quần đảo Malvinas giữa Anh và Argentina chính thức bắt đầu vào ngày 1/5/1982, sát thủ đáy biển duy nhất của Argentina là tàu ngầm ARA San Luis (S-32) đang rất tích cực tìm kiếm cơ hội tác chiến.

ARA San Luis là chiếc tàu ngầm Type 209/1200 rất tiên tiến vào thời điểm đó, được Đức đóng cho Argentina, chính thức đi vào hoạt động ngày 24/5/1974.

Tàu có chiều dài 55,91 m; chiều rộng 6,2 m; lượng giãn nước 1.000 tấn khi nổi và 1.285 tấn khi lặn; tốc độ tối đa 21,5 hải lý/h; tầm hoạt động 13.000 hải lý khi chạy với tốc độ 10 hải lý/h; thời gian hoạt động 50 ngày, thủy thủ đoàn 31 người; vũ khí trang bị gồm 8 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, mang theo được 22 ngư lôi trong khoang.

Tàu ngầm ARA San Luis (S-32) của Hải quân Argentina trong quá trình chế tạo tại Đức

Tàu ngầm ARA San Luis (S-32) của Hải quân Argentina trong quá trình chế tạo tại Đức

Một ngày nọ trong khi lặn để dò tìm mục tiêu, chiếc San Luis đột nhiên phát hiện được một tàu hộ tống của hải quân Anh đang hoạt động tại vùng biển phụ cận. Thuyền trưởng tàu ngầm ngay lập tức đã ra lệnh phóng ngư lôi vào đối phương.

Tuy nhiên điều làm cho các thủy thủ cảm thấy lạ lùng đó là sau khi được phóng đi, quả ngư lôi không lao tới tàu chiến của Anh theo tuyến đường đã định mà lại chệch mục tiêu rất xa. Các thuyền viên trố mắt nhìn "con cá" to đùng lọt lưới ngay trước mặt mình với vẻ mặt vô cùng tiếc nuối.

Những ngày tiếp theo, tàu ngầm San Luis lại nhiều lần phát hiện được tàu chiến của Anh và tiếp tục tấn công chúng bằng ngư lôi, tuy nhiên họ vẫn bắn trượt như mọi lần trước.

Tới tháng 6/1982, cuộc chiến giành quyền kiểm soát quần đảo Malvinas kết thúc, chiếc tàu ngầm trên vẫn chỉ là một vật trang trí không hơn không kém.

Tàu ngầm ARA San Luis (S-32) hoạt động trên biển

Tàu ngầm ARA San Luis (S-32) hoạt động trên biển

Vậy rút cục nguyên nhân nào đã làm cho chiếc tàu ngầm này mất đi nhiều cơ hội quan trọng trong tác chiến? Lời giải chính là do máy tính trên tàu xuất hiện sự cố.

Trung tâm của hệ thống tác chiến trên tàu ngầm San Luis là một máy tính FM1600M kiểm soát việc phóng ngư lôi. Kính tiềm vọng của tàu ngầm đã cung cấp đầy đủ những thông tin về phương vị và đồng bộ dữ liệu của mục tiêu, sĩ quan chỉ huy đã nhắm đúng mục tiêu vào vạch chữ thập trên kính ngắm nhưng máy tính sau khi xử lý dữ liệu lại cho rằng đối tượng ở ngoài vị trí đã ngắm bắn.

Do đó sau khi phóng đi, máy tính liền căn cứ theo các thông tin sai lệch để dẫn hướng sai cho ngư lôi. Điều này làm cho chiếc tàu ngầm duy nhất của Argentina không thể đánh chìm dù chỉ là một chiến hạm nhỏ của hải quân Anh.

Chiếc ARA San Luis đã để tuột tất cả các cơ hội và trở thành sự đáng tiếc lớn nhất của hải quân Argentina. Sau 23 năm phục vụ, tàu ngầm San Luis đã được cho về hưu vào ngày 23/4/1997.

Rút kinh nghiệm từ bài học trên, việc kiểm tra tính năng vũ khí thông qua bắn đạn thật là đòi hỏi mang tính tiên quyết, được mọi lực lượng hải quân tiến hành trước khi chính thức đưa chúng vào thành phần trực chiến (bất chấp chi phí phải bỏ ra ở mức rất cao) chứ không đơn thuần là thực hành trên máy tính mô phỏng nữa.