Giai điệu cất lên từ những nỗi đau

ANTĐ -Tôi muốn thông qua âm nhạc để giới thiệu đất nước, con người Việt Nam với thế giới.

Và cũng qua đó, bạn bè quốc tế sẽ hiểu hơn về nỗi đau mang tên chất độc da cam mà người dân Việt Nam đang phải gánh chịu bao nhiêu năm qua…

 Nhạc sỹ trẻ Dương Hồng Kông
 Nhạc sỹ trẻ Dương Hồng Kông

Đó là lời tâm sự rất thật của Dương Hồng Kông sau khi anh đoạt giải Nhì trong Cuộc vận động sáng tác ca khúc vì nạn nhân chất độc da cam với ca khúc “Chiến tranh của mẹ”. Dương Hồng Kông tên thật là Nguyễn Đức Công, sinh ra và lớn lên tại Cẩm Thủy, Cẩm Phả, Quảng Ninh. Gia đình Kông vốn có truyền thống nghệ thuật. Ông nội anh là một nghệ sỹ vùng mỏ, nổi tiếng với cây đàn Accordion, đã tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ (1954), rồi tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân lao động khắp vùng mỏ cho đến ngày giải phóng. Bố anh -  Nguyễn Bá Dương cũng từng là cựu sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, trực tiếp cầm súng chiến đấu và làm văn công, từng chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị những ngày đêm khói lửa. Cũng bởi thế, ngay từ nhỏ, trở thành nhạc sỹ đã là ước mơ cháy bỏng trong anh.
Dương Hồng Kông kể: “Mỗi bài hát tôi sáng tác đều dựa trên những tình cảm thật nhất, sâu đậm nhất của tôi. Cha tôi mất năm 1988, để lại mẹ tôi một mình nuôi hai chị em. Không lâu sau đó, chị Hồng cũng phát bệnh nặng, không thể tự chăm sóc cho bản thân. Mỗi lúc như thế, tôi còn nhớ như in những giọt nước mắt ngắn dài lăn trên gò má mẹ. Đã có lúc tôi muốn bỏ học để kiếm tiền thay mẹ nuôi chị. Nhưng mỗi lần như vậy khi nhìn vào mắt mẹ, tôi thấy mình cần phải bước tiếp trên con đường đã chọn vì bố, vì chị Hồng và cũng vì mẹ nữa”. Anh cho biết, thời gian đầu lên học là khoảng thời gian vô khó khăn đối với anh. Khó khăn về tiền bạc, về phương tiện và đặc biệt là thiếu thốn tình cảm của người thân. Ban ngày đi học, ban đêm kiếm việc làm thêm. Anh hay đi hát ở các quán bar, thù lao tuy thấp những cũng đủ trang trải cuộc sống sinh viên và dành dụm gửi về cho mẹ. Và nghệ danh Dương Hồng Kông cũng là ghép từ tên người cha quá cố của anh và tên hai chị em.
Những sáng tác đầu tay của anh là nỗi lòng của một người đang có những người thân phải gánh chịu thảm họa chiến tranh. Kông chia sẻ: “Sáng tác đầu tay của tôi là ca khúc “Thầy giáo em” đã làm xao xuyến trái tim bao người. Bởi đó là chính tâm trạng của một người học trò nghèo với tình thầy trò ấm áp”. Tiếp đó, vào năm 2005, Kông đạt được giải Nhì với ca khúc “Mẹ tôi” trong cuộc thi sáng tác trẻ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức.
Với ca khúc “Chiến tranh của mẹ” anh muốn coi đó là món quà gửi tới những người thân trong gia đình như một sự tri ân. Đó là mẹ, là chị và cả người cha đã sớm qua đời của anh. Bởi hơn ai hết, chính họ là người đang từng ngày từng phút gánh chịu thương tật trên mình do hóa học chiến tranh. Nhưng họ đã làm tất cả những gì có thể để vượt qua nỗi đau của tật bệnh mà bước tiếp. Vì lẽ đó khi bắt tay vào sáng tác ấy với anh chỉ là kể lại câu chuyện của chính gia đình mình. Một câu chuyện hoàn toàn có thật. Và câu chuyện đó đã nhận được sự đồng cảm của bao người khi giành giải Nhì trong Cuộc vận động sáng tác ca khúc vì nạn nhân chất độc da cam.
Để Hồng Kông chọn bước tiếp với vai trò nhạc sỹ sáng tác, đầu tiên phải kể tới những nhận xét rất chân tình của nhạc sỹ Đăng Nước. Ông từng nhận xét: “Những bản nhạc của Kông có sự tìm tòi về ngôn ngữ, có phong cách độc đáo, kết hợp khéo léo chất liệu truyền thống với thủ pháp sáng tác cổ điển”. Anh cũng từng viết ca khúc cho phim, đó là ca khúc “Mùa đom đóm bay” trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Mai Đình Khôi. Hầu hết ca khúc Dương Hông Kông sáng tác đều mang hơi hướng của thể loại trữ tình, dân ca, đương đại, chính thống. Là một nhạc sỹ trẻ lại chọn cho mình dòng nhạc chính ca, đó sẽ vô cùng khó khăn và vất vả với bất kỳ ai. Nhưng với Dương Hồng Kông, tôi tin anh sẽ vững vàng bước tới và gặp hái thêm nhiều thành công hơn nữa.