- Xăng RON95 tăng 921 đồng/lít từ chiều nay
- Ngày mai (1-6): Giá xăng dầu có thể tăng đến hơn 800 đồng mỗi lít
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại hành lang Quốc hội |
Chiều 1-6, trước thông tin giá xăng tiếp tục được điều chỉnh tăng lên mức kỷ lục, báo chí đã có cuộc phỏng vấn ngắn với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bên hành lang Quốc hội.
Trước câu hỏi về việc liên Bộ Tài chính, Công Thương vừa tăng giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh hôm nay (1-6), thiết lập mức kỷ lục (giá xăng E5 RON 92 tối đa là 30.230 đồng/lít; RON 95 là 31.570 đồng/lít – PV), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay giá xăng của Việt Nam còn thấp hơn giá thế giới. Do vậy, có tình trạng "chảy" xăng dầu ra nước ngoài.
Ông Diên cho rằng, về nguyên tắc, tăng giá xăng dầu làm tăng giá đầu vào vật tư, tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai Chương trình Phục hồi kinh tế - xã hội.
“Nói như vậy không sai nhưng ở chiều ngược lại thì phải nói rằng, nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất cao, cho nên hàng hóa làm ra chủ yếu xuất khẩu. Nếu ép giá đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, vô hình chung gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước” - Bộ trưởng Bộ Công Thương nói và đặt câu hỏi: “Hàng hóa của ta sản xuất bán cho người tiêu dùng cả thế giới, nên nếu giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, thì có phải là thiệt hại không?”.
Cũng theo Bộ trưởng Công Thương, Việt Nam là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Vì thế, nếu “ép giá đầu vào” thì các nước sẽ kiện chúng ta về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí còn kiện chúng ta là thao túng tiền tệ.
Vấn đề nữa là buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Do đó, phải cân nhắc và tính toán rất kỹ chứ “không phải nói một chiều”.
Về giải pháp kiểm soát giá xăng dầu leo thang, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, phải cố gắng dùng các công cụ kể cả thuế, kiểm soát thị trường để giảm giá.
Trong trường hợp mà giá xăng dầu tăng quá cao, cần tính toán đến các công cụ như dùng chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế. Mục tiêu là để kiểm soát giá đảm bảo hiệu quả quản lý cả trong nước và phù hợp với quy định, luật pháp quốc tế.
“Nếu ta chỉ nghiêng về hướng làm sao để ép cho giá thật thấp, để giúp giảm giá nguyên liệu đầu vào, vô hình chung gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và chuốc thêm hậu quả như bị kiện, gây nên tình trạng buôn lậu” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảnh báo.