Giá xăng dầu giảm mạnh, giá hàng hóa, dịch vụ vẫn “bất động”

ANTD.VN -  Giá xăng dầu đã giảm mạnh được 4 ngày nhưng giá hàng hóa, dịch vụ vẫn giữ nguyên ở mức cao.

Giá xăng dầu giảm làm giảm áp lực tăng giá hàng hóa, dịch vụ

Sau 7 lần tăng giá xăng dầu liên tiếp kể từ cuối tháng 4, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ đã được điều chỉnh. Chủ quán phở gà V.A (khu đô thị Vinaconex 3, phố Cương Kiên, Nam Từ Liêm) cho biết, giá hàng hóa được điều chỉnh từ tháng 6.

Theo đó, mỗi bát miến, phở gà tại đây tăng thêm 10.000 đồng/bát, giá bán từ 40.000-60.000 đồng/bát. Tuy nhiên, sau khi giá xăng dầu giảm mạnh hôm 11-7, giá bán vẫn được giữ nguyên.

Chủ quán ăn này cho biết: “Giá gà ta lông vẫn ổn định như hồi tháng 5, đến giờ chưa giảm nên chúng tôi chưa điều chỉnh lại. Hơn nữa, các loại gia vị, rau hành đều tăng so với trước đó; giá xăng dầu giờ lại 10 ngày điều chỉnh 1 lần nên hàng quán còn nghe ngóng”.

Tương tự, quán bún bò Huế tại khu tập thể Thanh Xuân vẫn giữ ở mức tối thiểu 50.000 đồng/bát, tăng 10.000 đồng/bát so với hồi đầu năm. Chủ quán cho biết thịt lợn, thịt bò đều đang tăng giá, quán muốn giảm cũng khó.

Theo nhiều người tiêu dùng, giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống đang rất cao so với thu nhập. Trước kia, suất ăn sáng thông thường là 30.000-35.000 đồng/người thì nay đã nhích thêm 5.000-10.000 đồng. Hàng quán nào còn giữ giá cũ thì đồ ăn lèo tèo, ít món.

Khảo sát tại các chợ cho thấy, giá nhiều loại thực phẩm thiết yếu đã tăng và neo ở mức cao. Tại chợ Văn Nội (Phú Lương- Hà Đông), giá thịt lợn nạc mông, nạc vai từ 120.000 -130.000 đồng/kg; thịt ba chỉ, sườn thăn 130.000 -150.000 đồng/kg; thịt bò 240.000 -260.000đ/kg; rau muống 10.000 đồng/bó; rau cải non 15.000 đồng/mớ; cà chua 30.000 đồng/kg; mồng tơi 5.000 đồng/bó…

Tại một số khu vực, giá thịt lợn có biến động khá mạnh. Chị Thu Trinh (Cầu Lủ- Hoàng Mai) cho hay, giá sườn ngon đã lên tới 170.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg so với trước đó. Giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng tăng không chỉ do chi phí vận chuyển đội lên, mà thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh khiến nhiều hộ chăn nuôi “treo chuồng”.

Tuy vậy, mức giá trên chỉ là đột biến. Tại một số siêu thị lớn, trong tuần vẫn diễn ra chương trình khuyến mại giảm giá đối với mặt hàng thịt lợn. Hệ thống cử hàng tiện lợi WinMart+ có lúc bán thịt nạc xay giá chỉ 99.000 đồng/kg thay vì 129.000 đồng/kg so với trước đó.

Hiện tại, tuy không giảm giá hàng hóa trực tiếp theo đợt giảm giá xăng dầu vừa qua nhưng các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều có khuyến mại, giữ ổn định giá bán để chia sẻ với người tiêu dùng.

Theo bà Nguyễn Thùy Dương- Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho biết, từ đầu năm đến nay, các nhà cung cấp hàng hoá vào siêu thị đã tăng giá từ 5-15%. Trong khi các mặt hàng như gạo, trứng gia cầm… chỉ nhích lên đôi chút thì dầu ăn lại tăng giá đến 15%.

Đại diện BRG cho hay: “Dù giá xăng dầu đã giảm mạnh song các nhà cung cấp vẫn chưa có sự điều chỉnh giá. Hàng hoá thiết yếu là cả một chuỗi cung ứng, việc điều chỉnh giá cần thời gian và quy trình chứ không thể điều chỉnh tăng - giảm ngay được, nên cần có độ trễ. Và khi có thông báo điều chỉnh giá, nhà cung ứng phải báo trước ít nhất 1 tháng”.

BRG thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, trong đó định kỳ 1 tháng 2 lần, mỗi lần áp dụng với khoảng 200 sản phẩm. Vào cuối tuần còn thực hiện chương trình giảm giá sâu cho một số ngành hàng thiết yếu như: trái cây, dầu ăn, nước mắm…

Để tránh biến động đột ngột về giá, bà Nguyễn Thị Kim Dung- Giám đốc Co.opmart Hà Nội cho biết, Co.op Mart đã chuẩn bị lượng hàng tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 50-100% so với đầu năm 2022 để đảm bảo nguồn hàng ổn định, tránh biến động giá. Tại siêu thị vẫn đang thực hiện chương trình bình ổn giá cho nhiều mặt hàng thiết yếu, thực hiện các đợt khuyến mại giảm giá để hỗ trợ người tiêu dùng.

Nói về khả năng giảm giá hàng hóa, đại diện các nhà bán lẻ cho hay, điều chỉnh giá luôn có độ trễ mà giá xăng dầu hiện còn diễn biến thất thường, 10 ngày điều chỉnh 1 lần nên các nhà sản xuất, cung ứng còn nghe ngóng. Hơn nữa, giá hàng hóa cấu thành từ nhiều chi phí, mà giá xăng dầu, chi phí vận chuyển chỉ chiếm một phần trong đó.

Hiện tại, tình trạng khan hiếm, tăng giá nguyên vật liệu sản xuất trên thế giới vẫn tiếp diễn. Do đó, hàng hóa sản xuất trong nước phải nhập khẩu nguyên liệu hoặc hàng tiêu dùng nhập khẩu vẫn giữ được ổn định giá bán đã là tin vui đối với người tiêu dùng.