Giá vàng liệu còn cơ hội bứt phá?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thông tin lạm phát kỷ lục cộng với chính sách tiền tệ có xu hướng thắt chặt hơn đang tác động trái chiều lên giá vàng tuần này.

Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần sáng nay, giá vàng trong nước có xu hướng biến động không nhiều. Vàng SJC niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng nhẹ 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào, lên mức 61,05 triệu đồng/lượng; nhưng lại giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra, về 61,65 triệu đồng/lượng tại TP.HCM và 61,67 triệu đồng/lượng tại Hà Nội.

Trên thị trường tự do, giá thương hiệu vàng quốc gia SJC đang dao động quanh 60,95 – 61,60 triệu đồng/lượng, không biến đổi nhiều so với cuối tuần trước.

Trên thế giới, giá vàng mở cửa tại thị trường châu Á quanh mức 1.818 USD/ounce, gần như giữ nguyên mức chốt phiên cuối tuần trước.

Giá vàng đang chịu tác động của thông tin lạm phát và lãi suất đồng USD

Giá vàng đang chịu tác động của thông tin lạm phát và lãi suất đồng USD

Trong tuần qua, giá vàng chịu ảnh hưởng lớn từ những thông tin liên quan đến lạm phát và sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Theo đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,5% trong tháng 12/2021, sau khi tăng 0,8% trong tháng 11/2021.

Dữ liệu này vượt qua các dự báo trước đó, với mức tăng dự kiến chỉ 0,4%. Tính chung cả năm 2021, lạm phát của Mỹ tăng 7% - mức cao nhất kể từ tháng 6/1982.

Trong khi đó, chỉ số CPI cốt lõi, không tính giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,6% trong tháng 12/2021. So với cùng kỳ năm 2020, lạm phát cơ bản đã tăng 5,5%. Sức khỏe đồng bạc xanh giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng, sau khi lạm phát tại Mỹ ghi nhận mức tăng mạnh nhất theo năm trong gần 4 thập kỷ qua.

Chủ tịch Fed, ông Powell cho biết, cơ quan này sẽ không để tình trạng lạm phát cao kéo dài. Theo ông, các kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed, trong đó việc tăng lãi suất và giảm quy mô chương trình mua tài sản, là cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Vàng đón nhận những thông tin trên với những tác động trái chiều. Theo đó, áp lực lạm phát cao đã thúc đẩy một số hoạt động mua vào của nhà đầu tư đối với vàng như một tài sản chống lại sự mất giá.

Tuy nhiên, với việc Fed có thể sớm thắt chặt chính sách tiền tệ hơn, đồng USD nhiều khả năng sẽ phục hồi trở lại, qua đó cản trở đà tăng của vàng. Dẫu vậy, mức tăng 0,25% mỗi lần điều chỉnh cũng chỉ đưa tổng tăng lãi suất của đồng USD trong năm 2022 lên 0,75% - không phải là quá cao. Do đó, áp lực của lãi suất lên giá vàng được cho là không quá cao.

Hơn nữa, một số chuyên gia cũng nhận định rằng việc tăng lãi suất phần lớn đã phản ánh vào giá vàng trước đó, nên nếu những động thái này được hiện thực hóa, cũng không phải cú sốc lớn đối với kim loại quý.

Do đó hiện nay, nhận định về giá vàng đang có 2 luồng ý kiến với 2 kịch bản khác nhau. Theo đó, với kịch bản tăng, các nhà phân tích dự báo kim loại quý này có thể tăng lên 2.000 USD/ounce trong trường hợp lạm phát của Mỹ còn tăng mạnh. Ngược lại nó có thể giảm xuống 1.400 USD/ounce nếu lãi suất USD tăng cao.

Tập đoàn tài chính MKS Pamp Group (Thụy Sĩ) dự báo, giá vàng chỉ có thể đạt mức bình quân 1.800 USD/ounce. Bà Nicky Shiels, Giám đốc chiến lược kinh doanh vàng của MKS Pamp Group cho rằng, để giá vàng đẩy lên 2.000 USD/ounce, cần có các yếu tố như tắc nghẽn chuỗi cung, giá năng lượng cao dẫn đến lạm phát kéo dài trong thời gian tới, nhưng khả năng đó là rất thấp.