“Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU trong EVFTA”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Quá trình thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-EU (EVFTA) hai năm qua đã mang một ý nghĩa to lớn đối với cả Việt Nam và EU.

EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam với cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu giữa hai bên mang tính bổ sung cao. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng so với thời điểm trước khi hiệp định này có hiệu lực.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trong kim ngạch thương mại Việt Nam-EU hiện nay vẫn được đánh giá chưa tương xứng với triển vọng phát triển hợp tác thương mại giữa hai bên. Còn rất nhiều doanh nghiệp Việt vẫn chưa hiểu hết những lợi ích và chưa đáp ứng quy định về C/O ưu đãi, nhằm tận dụng được tối đa ưu đãi thuế quan từ EVFTA.

Vì sao nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng triệt để những ưu đãi xuất xứ trong EVFTA?

Và cần những giải pháp như thế nào để gia tăng hơn nữa hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU, tận dụng tối đa EVFTA?

Những vấn đề này được chia sẻ dưới những góc nhìn đa dạng và sâu sắc hơn tại Tọa đàm với chủ đề: “Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU trong EVFTA” do Tạp chí Công Thương thực hiện.

Dự tọa đàm có: bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương; bà Đặng Thị Hải Bình - Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hoá và Sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan; bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, bà Trịnh Thị Thu Hiền chia sẻ, liên quan đến tình hình sử dụng chứng nhận xuất xứ trong EVFTA, mức độ mà các lô hàng xuất khẩu đi EU được cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA đang chiếm 20% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đi EU và đây là một con số được nhìn nhận khá tích cực.

Thứ nhất, liên quan đến thị trường thì hàng xuất khẩu đi EU chủ yếu được cấp C/O đến những thị trường có cảng biển hoặc là các trung tâm phân phối của Châu Âu, ví dụ như Bỉ, Đức, Hà Lan và Pháp...

Còn đối với những mặt hàng hiện nay đang có kim ngạch cao được cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA gồm có da giày, thủy sản... Những con số cụ thể liên quan đến các mặt hàng, các thị trường có thể thấy rất rõ nét, ví dụ như C/O xuất khẩu đi thị trường Đức đã được cấp 3,2 tỷ đô la Mỹ trong hai năm đầu thực hiện EVFTA, cấp đi Bỉ là 3,5 tỷ.

Ví dụ đối với mặt hàng da giày thì số liệu của mặt hàng da giày là 8,9 tỷ cấp trong vòng hai năm kể từ khi thực hiện EVFTA. Tổng kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O trong khuôn khổ EVFTA là 18,7 tỷ trong hai năm đầu thực hiện EVFTA.

Ở góc độ khác,bà Đặng Thị Hải Bình - Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hoá và Sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan nhìn nhận: Quy định chứng từ xuất xứ hàng hóa của EVFTA có những linh hoạt và khác biệt so với các hiệp định khác.

Theo bà Bình, liên quan đến quy tắc xuất xứ để thực hiện mỗi hiệp định thương mại tự do sẽ có quy định riêng và để đáp ứng, để tận dụng được thuế ưu đãi trong khuôn khổ Hiệp định thì doanh nghiệp cần phải nắm chắc các quy định về xuất xứ hàng hóa và mỗi hiệp định có một quy định riêng.

Cụ thể ở trong Hiệp định EVFTA thì đã được quy định ở Nghị định thư số 1 về Quy định hàng hoá có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lý hành chính giữa hai bên, trong đó có những điểm rất cụ thể và doanh nghiệp cần nắm chắc để có sự khác biệt nổi trội như là có quy định về cộng gộp, cho phép cộng gộp chéo hay là quy định liên quan đến hạn mức linh hoạt hoặc một số các quy định khác.

Còn trong lĩnh vực hải quan có thể thấy rõ khác biệt liên quan đến hình thức truy xuất chứng từ xuất xứ hàng hóa.

Trong Hiệp định có quy định rất rõ chứng từ chứng hiện xuất hàng hóa áp dụng cho hàng xuất khẩu xuất xứ Việt Nam sang EU là chứng từ gì và quy định đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU đến Việt Nam để áp dụng ưu đãi đặc biệt là hình thức chứng từ gì.

“Doanh nghiệp cần phải nắm chắc quy định. Bởi vì bên cạnh thuận lợi mang lại là giảm thiểu thủ tục hành chính, các ưu đãi về thuế thì cũng có những quy định riêng về thủ tục mà doanh nghiệp cần lưu ý, nó khác biệt so với các hiệp định khác”, bà Bình nhấn mạnh.

Ở góc độ của Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, bà Phan Thị Thanh Xuân nói rõ hơn về những điểm nổi bật của việc sử dụng ưu đãi xuất xứ của các doanh nghiệp da giày từ Việt Nam sang thị trường EU trong hai năm mà chúng ta vừa thực thi Hiệp định; cũng như việc sử dụng ưu đãi chứng nhận xuất xứ đã góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp khi xuất khẩu da giày sang thị trường EU. Theo bà Xuân, EU là một thị trường truyền thống và cũng là một thị trường chính của ngành da giày. Tuy nhiên trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường EU chúng ta chỉ chiếm vào khoảng 22 - 23% và sau khi hiệp định có hiệu lực thì tỷ trọng này đã nâng lên là 26%.

Đặc biệt là trong hai năm vừa qua khi mà ngành da giày bị chịu tác động của đại dịch Covid chúng ta cũng thấy hầu như xuất khẩu vào các thị trường đều có sự suy giảm.

Nhưng cũng nhờ Hiệp định EVFTA mà ngành da giày vẫn duy trì được xuất khẩu vào thị trường EU và năm 2021 là năm đánh giá chịu ảnh hưởng lớn nhất thì thị trường EU vẫn có sự tăng trưởng.

Nhờ thế kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2021 vẫn đạt kế hoạch đề ra và trong thời gian 9 tháng vừa rồi thì qua khảo sát dữ liệu thống kê, mức độ tăng trưởng của thị trường EVFTA khá tốt với mức độ 15% và hầu như mức độ tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường trong khối EVFTA đều tăng ở mức 15 - 20%.

“Hiệp định EVFTA thực sự cũng đã góp phần rất tốt trong thành tích xuất khẩu của ngành da giày nói riêng và của Việt Nam nói chung”, bà Xuân phân tích.