Gia hạn Thông tư 02: Hỗ trợ nền kinh tế nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng nợ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các ngân hàng thương mại đồng loạt kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn thêm Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ thêm từ 6 tháng đến 1 năm khi thông tư này hết hạn vào ngày 30/6/2024.

Áp lực nợ xấu rất lớn khi Thông tư 02 hết hiệu lực

Tại hội nghị toàn ngành về thúc đẩy tín dụng mới đây, lãnh đạo hàng loạt ngân hàng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gia hạn Thông tư 02. Theo Phó Tổng Giám đốc BIDV, ông Trần Long, những khó khăn của thị trường đang ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng. Điều này dẫn đến quy mô nợ xấu gia tăng và tỷ lệ bao trùm nợ xấu tại các ngân hàng giảm. Các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 02 đến hạn trong năm 2024 và 2025 nên áp lực giảm nợ khi đến hạn sẽ rất lớn.

Do đó, lãnh đạo BIDV cho rằng, nếu không được gia hạn Thông tư 02 sẽ khó khăn cho khách hàng và cả ngân hàng.

Tại LPBank, ông Hồ Nam Tiến, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc cho biết, đến nay, đến nay, Ngân hàng đã thực hiện triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 là 192 lượt khách hàng với tổng dư nợ gốc của khách hàng là hơn 7.237 tỷ đồng, với số lãi cơ cấu là 327 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo LPBank đề xuất việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khách hàng nên được kéo dài thêm tối đa 12 tháng. Vì hiện nay, khi đến hạn trả nợ cơ cấu thì số tiền trả nợ hàng kỳ của doanh nghiệp sẽ bị gấp đôi đối với khách hàng vay vốn trung dài hạn (bao gồm số tiền đến hạn định kỳ và số tiền cơ cấu nợ) dẫn đến việc khó khăn trong việc trả nợ.

“Chúng tôi đề xuất Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời hạn hiệu lực của Thông tư 02 thêm 12 tháng đến 30/06/2025 để tiếp tục hỗ trợ khách hàng có khả năng hồi phục” – ông Hồ Nam Tiến kiến nghị.

Doanh nghiệp vẫn sẽ khó khăn trong trả nợ khi Thông tư 02 hết hiệu lực

Doanh nghiệp vẫn sẽ khó khăn trong trả nợ khi Thông tư 02 hết hiệu lực

Tương tự, ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank cũng cho hay, nợ xấu của Techcombank đến cuối tháng 1/2024 ngang bằng với cuối 2023, với tỷ lệ 1,2%.

Đến cuối tháng 1/2024, Ngân hàng đã cơ cấu nợ theo Thông tư 02 là khoảng 6.000 tỷ đồng và hiện khách hàng cũng bắt đầu trả nợ dần. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian trả nợ thì Techcombank cũng kiến nghị được gia hạn thêm thời gian đối với việc cơ cấu và trả nợ tại Thông tư 02.

Cùng ý kiến, lãnh đạo Vietcombank, VietinBank MB, VPBank… cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn Thông tư này thêm 1 năm, tức đến tháng 6/2025 để giúp khách hàng và ngân hàng có điều kiện và thời gian trong việc trả nợ.

Cần thiết nhưng sẽ cân nhắc gia hạn bao lâu

Thông tư 02 được NHNN ban hành vào cuối tháng 4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.

Đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang, sau gần 8 tháng triển khai thông tư này (lũy kế từ ngày 24/4/2023 đến 30/11/2023), tổng giá trị nợ gốc và lãi được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 171.083 tỷ đồng, với 175.581 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Liên quan đến việc gia hạn Thông tư 02, Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy cần thiết xem xét gia hạn thêm Thông tư 02, nhưng vấn đề gia hạn thêm 6 tháng hay 1 năm thì cần được xem xét kỹ.

“Tinh thần là sẽ giãn Thông tư này, nhưng phải xem xét xem những vấn đề nội hàm của Thông tư có phải thay đổi không hay chỉ thay đổi về mặt thời gian. Cái này phải làm sao hài hòa giữa hỗ trợ nền kinh tế doanh nghiệp, nhưng cũng phải đảm bảo an toàn, đảm bảo chất lượng nợ của các ngân hàng thương mại không để nợ xấu phát sinh, dẫn đến hậu quả sau này” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh, mặc dù tín dụng có chậm lại trong tháng đầu năm nay, các ngân hàng cũng không nên cho vay bằng mọi giá, nhưng cũng không thể thắt chặt tín dụng. Tín dụng cần được hướng vào lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, nhưng có điều kiện phục hồi.