Gia hạn Thông tư 02: Cần xem xét, đánh giá kỹ đối tượng được giãn, hoãn nợ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chuyên gia cho rằng việc gia hạn Thông tư 02 cần xem xét, đánh giá thật kỹ đối tượng được áp dụng, doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi thì cần tìm mọi giải pháp tháo gỡ, còn doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, năng lực tài chính yếu kém thì kiên quyết không cơ cấu nợ, chuyển nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ.

Nợ xấu sẽ tăng mạnh nếu Thông tư 02 hết hiệu lực

Theo ghi nhận, hầu hết ngân hàng đều đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu tăng nhanh. Tổng nợ xấu cuối quý III/2023 của các ngân hàng tăng 61% so với cuối quý trước đó, lên 196.755 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chưa phản ánh hết thực chất nợ xấu của ngân hàng, vì rất nhiều khoản nợ xấu vẫn đang “ẩn mình trong các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

“Nợ xấu của các ngân hàng hiện chưa hạch toán cả giãn, hoãn, chuyển nhóm nợ, mà nếu cộng cả vào sẽ còn tăng ít nhất là gấp đôi”, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16%.

Nợ xấu các ngân hàng có xu hướng tăng do những khó khăn chung của nền kinh tế

Nợ xấu các ngân hàng có xu hướng tăng do những khó khăn chung của nền kinh tế

Trong khi nợ xấu tăng cao, các ngân hàng lại đang chật vật xử lý khi thị trường bất động sản đóng băng. Theo thống kê, tổng trị giá bất động sản thế chấp tại các ngân hàng hiện chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay, thậm chí tỷ lệ này tại một vài nhà băng lên đến 80-90%.

Do đó, bất động sản thường là tài sản được các ngân hàng đem ra phát mãi nhiều nhất, nhưng thời gian gần đây, nhiều nhà băng phải hạ giá tài sản bảo đảm thấp hơn nhiều so với giá trị khoản nợ vẫn không thể bán được.

Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia và các ngân hàng đều bày tỏ lo ngại tình hình nợ xấu sẽ trở nên trầm trọng hơn rất nhiều khi Thông tư 02 hết hiệu lực. Điều này sẽ buộc các ngân hàng phải co hẹp cho vay để tập trung vào quản trị rủi ro.

Cần đánh giá kỹ đối tượng gia hạn

Trước tình hình trên, nhiều ý kiến cho rằng NHNN nên xem xét kéo dài Thông tư 02 để tạo điều kiện cho cả ngân hàng cũng như giúp doanh nghiệp có thời gian phục hồi trở lại.

“NHNN nên tiếp tục gia hạn Thông tư 02 để hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp. Đồng thời, có sự hỗ trợ cho công tác xử lý nợ xấu cho các ngân hàng”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank kiến nghị.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng có thể xem xét kéo dài Thông tư 02 thêm tối đa 1 năm - đến tháng 6/2025, thời điểm thị trường bất động sản được dự báo sẽ phục hồi.

"Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn, việc kéo dài thời gian hiệu lực của Thông tư nhằm giãn quá trình xử lý nợ, giúp quá trình trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng diễn ra từ từ, không ảnh hưởng lớn đến nền tảng tài chính. Đồng thời, doanh nghiệp có thêm nguồn lực, điều kiện tái tạo quay vòng nguồn vốn kinh doanh" – ông nói.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng đồng tình việc nên xem xét kéo dài Thông tư 02 thêm 1 năm nữa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi có cơ hội để vượt qua khó khăn.

“Tuy nhiên, nếu kéo dài Thông tư 02 thì cần xem xét, đánh giá thật kỹ đối tượng được áp dụng theo hướng: doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi thì cần tìm mọi giải pháp tháo gỡ, không chỉ giãn hoãn nợ mà có thể cho vay mới. Song chỉ có vậy thì chưa đủ, mà cần có sự hỗ trợ của các cấp các ngành thì mới có thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Còn trường hợp doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, năng lực tài chính yếu kém thì kiên quyết không cơ cấu nợ, chuyển nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ, phần thiếu hụt xử lý quỹ dự phòng rủi ro của TCTD” – ông Hùng kiến nghị.

Theo ông, đây là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu lại doanh nghiệp, không thể để các doanh nghiệp không còn khả năng phục hồi làm gánh nặng cho nền kinh tế.

Ngoài ra, đại diện Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng đã đến lúc cần nghiên cứu xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản, để làm sao những doanh nghiệp (kể cả các ngân hàng thương mại) không thể phục hồi được thì cần phải bắt buộc xử lý theo Luật Phá sản.