Giá cầu thủ lại leo thang

ANTĐ - Công Vinh sẽ ký hợp đồng có giá trị kỷ lục ở V.League, nhiều người bắt đầu lật lại vấn đề rằng giá cầu thủ ngày càng tăng phi mã đến độ mất kiểm soát... Và có một nghịch lý nữa là khi người ta nói đến chuyện cầu thủ được trả bao nhiêu, đội bóng chi bao nhiêu tiền, nhưng nếu chia số tiền ấy cho số người thật sự xem đội bóng đá, hẳn là chi phí để một người xem vào sân phải đứng đâu đó trong top ten của bóng đá thế giới.

Sau 8 năm, cầu thủ Việt “đội giá”… 30 lần

V-League 2003, Minh Phương chuyển từ Cảng Sài Gòn tới Đồng Tâm Long An với giá 400 triệu đồng. Vào thời điểm đó, mức giá này là cao nhất. Nhưng tám năm sau, kỷ lục chuyển nhượng Việt Nam đang thuộc về Phước Tứ. Trung vệ xuất thân từ Thể Công bỏ Thanh Hóa tới Sài Gòn Xuân Thành với mức “lót tay” 12 tỷ đồng.

Hai mùa bóng chuyên nghiệp đầu tiên, V-League hầu như không có khái niệm mua bán cầu thủ nội. Vụ chuyển nhượng đầu tiên là trường hợp của Minh Phương. Sau Tiger Cup 2002, Minh Phương từ Cảng Sài Gòn tới Đồng Tâm Long An với giá 400 triệu đồng. Rồi Trường Giang rời Tiền Giang đến Bình Dương  với kỷ lục mới về giá trị chuyển nhượng 1,2 tỷ đồng. Nếu không tính các cầu thủ ngoại, Trường Giang là cầu thủ đắt giá nhất V-League ở thời điểm đó. Hai năm sau đó, kỷ lục chuyển nhượng mà Trung Kiên và Trường Giang nắm giữ đã bị phá rất sâu với trường hợp của Lê Công Vinh.

Công Vinh được xem là ngôi sao lớn nhất của bóng đá Việt Nam nhờ tỏa sáng ở AFF Cup 2008. Sau bàn thắng lịch sử vào lưới Thái Lan trong trận chung kết lượt về, đưa tuyển Việt Nam lần đầu vô địch, Công Vinh rời Sông Lam Nghệ An. Tới Hà Nội T&T theo hợp đồng ba năm, Công Vinh được đội này trả 7 tỷ đồng “lót tay” cùng mức lương 50 triệu đồng mỗi tháng.

Kỷ lục của Công Vinh chỉ tồn tại đúng một năm. Năm 2009, Để có được Như Thành, Ninh Bình phải trả cho cầu thủ này 8 tỷ đồng. Cũng trong năm 2009, Ninh Bình mua thêm tiền đạo Việt Thắng từ Đồng Tâm Long An. Cái giá mà “bầu” Trường phải trả để sở hữu trung phong cắm ưng ý nhất của HLV Calisto, trong hai năm là 6 tỷ đồng.

Kết thúc V-League 2010, giá cầu thủ Việt Nam có kỷ lục mới. Trung vệ Lê Phước Tứ - cầu thủ xuất thân từ Thể Công đến Sài Gòn Xuân Thành với bản hợp đồng có thời hạn ba năm, với giá 12 tỷ đồng. Phước Tứ trở thành cầu thủ Việt Nam có giá chuyển nhượng cao nhất cho tới lúc đó.

Kỷ lục mà Phước Tứ lập đã không tồn tại lâu. Bởi V-League đang có nhiều hợp đồng kiểu “bom tấn”. Lê Công Vinh, tiền đạo mới hết hợp đồng với Hà Nội T&T sau những chiêu làm giá không thành đã đành nhận lời tái ký hợp đồng trị giá nghe nói chỉ khoảng 8 tỷ đồng. Vào đúng ngày 2 bên dự định chính thức ký kết thì tiền đạo số một Việt Nam đã tuyên bố: Tôi là người của CLB Hà Nội (đội được bầu Kiên tạo thành từ Hòa Phát Hà Nội và Hà Nội  ACB). Tất cả đều ngã ngửa, chưng hửng… khi biết trị giá hợp đồng là 15 tỷ!

3 năm trước, HN T&T đã nổ phát súng đầu tiên trong trận chiến "thổi giá" cầu thủ khi bỏ ra 7 tỷ đồng để đưa chính Công Vinh rời xứ Nghệ. Bây giờ, Hà Nội T&T muốn ngôi sao gốc Nghệ An ở lại với giá tiền “vừa phải” nhưng mọi tính toán đã đổ bể.

Mới mấy năm trước, giá chuyển nhượng những ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt Nam nếu quy đổi, cũng chỉ cỡ 10 chiếc xe máy loại xịn nhất. Nhưng bây giờ số tiền mà các đội bóng phải bỏ ra phải tính bằng  nhiều chiếc xe hơi đời mới! Giá của cầu thủ đã lên tới đỉnh, nhưng chưa hề thấy có điểm dừng.

Nghiệp dư lãnh lương cao

Nhận 8 tỷ khi rời đội bóng xứ Nghệ ra Thủ đô nhưng những đóng góp của tiền đạo người xứ Nghệ cho đội bóng Thủ đô nói ít cũng chẳng phải ít, nhưng nếu gọi tương xứng với số tiền mà ông bầu Đỗ Quang Hiển bỏ ra cho bản hợp đồng này thì chắc chắn là chưa. Cứ thử tính đơn giản trung bình mỗi mùa giải Công Vinh ghi 11 bàn, tính ra mỗi bàn thắng mà tiền đạo này ghi được cho đội mình có giá tới 230 triệu/bàn tương đương hơn 10.000 USD.

Rõ là sự đóng góp và cống hiến đã không đi theo với giá trị chuyển nhượng. Điều đó có thể thấy ở trường hợp của Đình Luật, trung vệ ở mùa rồi mỗi trận đấu ra sân đá cho Hải Phòng nhận 270 triệu, quả thực nghe mà thấy kinh hoàng.

Thị trường chuyển nhượng tuân thủ theo quy luật cung - cầu. Và trong một chừng mực nào đó, lĩnh vực này có đặc thù riêng, nhưng câu hỏi đặt ra là: Có hay không sự bất hợp lý trong việc định giá chuyển nhượng cầu thủ? Giá trị chuyển nhượng các cầu thủ bóng đá đang leo thang chóng mặt, dù không phải cầu thủ nào cũng tương xứng với số tiền khổng lồ mà các đội bóng mua về. Với mức tiền quá lớn cho một cầu thủ chơi bóng ở một nền bóng đá chậm phát triển như Việt Nam, các cầu thủ của Việt Nam lại có quyền tự hào khi mình sánh ngang với các ngôi sao trên thế giới. Nhưng thử hỏi Việt Nam đã có cầu thủ nào ra nước ngoài thi đấu. Vậy là thực tế họ chỉ khoác trên mình những giá trị ảo mà thôi. Nhiều bản hợp đồng có giá trị lớn tới mức phi lý, nhưng rốt cuộc điều ấy vẫn song hành với giải đấu mà nhiều người đã chua chát gọi rằng "giải nghiệp dư lãnh lương cao" với sự trống vắng trên các khán đài V-League - một hình ảnh đáng buồn của bóng đá Việt Nam


Phương pháp tính giá thị trường

Nói cho thật đúng với cái mức thu nhập vài trăm nghìn USD/năm cho những cầu thủ sáng giá tầm cỡ quốc gia như ở Việt Nam là quá thấp. Tuy nhiên các cầu thủ cũng như những lao động trong các ngành nghề khác, họ phải mang lại thu nhập cho đơn vị trả lương mình ít nhất là 150% thu nhập của họ. Còn cầu thủ Việt mang lại bao nhiêu cho câu lạc bộ? Đọc thống kê đóng góp của các cầu thủ tiêu biểu ở phần trên bài viết này bạn đoc sẽ hiểu rõ thêm. Hầu hết không mang lại nổi đúng số tiền mà cầu thủ nhận được. Thế nhưng lại đang có một đánh giá ngược đời, có cầu thủ gặp BLĐ đội bóng đặt vấn đề đòi tăng lương, tăng thu nhập với cái lý, nếu tôi không đá, đội thiệt hại bao nhiêu ?

Vậy là giá cao hay thấp hoàn toàn không phải ở đóng góp của cầu thủ. Và như vậy bàn cao hay thấp… chẳng là gì cả!

Công Vinh bỏ Hà Nội T&T: Tình không bằng tiền

Khi chỉ còn đợi đến “ngày đẹp”  HN.T&T và tiền đạo Lê Công Vinh sẽ ký hợp đồng có thời hạn 3 năm. Thật bất ngờ, HN.ACB đã có được cái gật đầu đồng ý từ tiền đạo xứ Nghệ.

Theo Công Vinh, chưa bao giờ vấn đề tài chính kinh tế được anh đặt lên vị trí số 1 khi đàm phán hợp đồng. Những chi tiết liên quan tới bản hợp đồng sẽ được Hà Nội T&T và Công Vinh ký được giữ kín nhưng theo tìm hiểu, số tiền Vinh nhận được không quá 7 tỷ đồng. “Nhiều người nghĩ cầu thủ bây giờ quá thực dụng, chỉ quan tâm tới tiền, nhưng tôi lại có cách nhìn khác. Nếu ông chủ đối xử tốt, tôn trọng cầu thủ, thì không ai dễ dàng dứt áo ra đi. Tiền quan trọng thật, nhưng tình cảm còn có ý nghĩa hơn nhiều. Ở Hà Nội T&T, ông Đỗ Quang Hiển đã đối xử với tôi quá tốt trong 3 năm qua, đặc biệt trong thời điểm tôi bị chấn thương. Những tình cảm ấy cộng với khát vọng cống hiến cho đội bóng đã đưa tôi tới quyết định gia hạn thêm hợp đồng 3 năm với đội bóng” - Lê Công Vinh tâm sự.

Thế nhưng, Công Vinh bất ngờ đến với ông bầu khác - ông bầu Nguyễn Đức Kiên. Thông tin này ngay lập tức gây sốc trên sàn chuyển nhượng cầu thủ V-League. Dù trị giá của bản hợp đồng chưa được tiết lộ,  nhưng theo những thông tin chưa được kiểm chứng thì cú "áp phe" này giá không dưới 15 tỷ đồng. Tiền đạo xứ Nghệ lại ghi bàn ngoạn mục vào phút chót trên thị trường chuyển nhượng.

Ông Đỗ Quang Hiển khi được hỏi về chuyện này đã nói: "Chắc Công Vinh ra đi là vì tiền. Tôi thực sự bất ngờ khi Công Vinh thay đổi quyết định vào phút cuối. Vinh đã nói với tôi rất nhiều về cái tình, cái nghĩa. Có lẽ H.N ACB trả giá cao hơn nên Công Vinh mới ra đi". Còn ông Nguyễn Quốc Hội, Chủ tịch CLB Hà Nội T&T cho biết: “Tôi không có vấn đề gì với chuyện đi hay ở của Vinh cả. Chỉ có điều ban đầu chúng tôi đã  giải phóng hợp đồng cho Công Vinh nhưng Vinh đã đến xin gặp và nói chuyện với ông Hiển, sau đó đồng ý ở lại, giờ thì Vinh lại xin đi. Vấn đề chỉ là chữ “Tín” và cái “Tâm” mà thôi”.

Quyết định mới của Công Vinh cũng không quá khó hiểu. Trước đó, Công Vinh được nuôi dưỡng và đào tạo từ nhỏ ở lò SLNA, để có được như ngày hôm nay chính là nhờ vào đất thành Vinh. Nếu cống hiến cho đội bóng áo vàng thì cũng là để trả hết tình nghĩa mà các thầy đã dìu dắt anh ngày nào. Nhưng SLNA cũng không thể có đủ tiền để níu chân Công Vinh nên anh đã quay ngược ra Hà Nội với  Hà Nội T&T dù khoản tiền lót tay không được như ý.

Bây giờ, nhận 15 tỷ đồng cho ba năm từ ông bầu Nguyễn Đức Kiên, Công Vinh lập kỷ lục mới về chuyển nhượng trong giới cầu thủ nội và là người đã có câu tra lời cho bài toán “ TÌNH hay TIỀN