F-117A tái xuất dưới vai trò tiêm kích phòng không, át vía cả J-20 và Su-35S?

ANTD.VN - Tiêm kích tàng hình F-117A Night Hawk nếu được nâng cấp với radar dẫn bắn tên lửa không đối không tầm xa thì sức mạnh của nó được cho là còn vượt trội Su-35S trong tác chiến ngoài tầm nhìn.

Đại tá nghỉ hưu Jack Forsythe của Không quân Mỹ trong bài phỏng vấn kỷ niệm 10 năm ngày tiêm kích tàng hình F-117A Night Hawk chính thức nghỉ hưu đã cho rằng công nghệ áp dụng trên F-117A chưa hề lạc hậu và nhiều đối thủ vẫn đang tìm cách sao chép.

Viễn cảnh F-117A được quay trở lại biên chế chiến đấu của Không lực Hoa Kỳ được nhắc đến ngày càng nhiều, do các cường quốc đang đi theo hướng tận dụng những trang bị cũ nhưng vẫn phát huy đầy đủ tính năng trong chiến tranh hiện đại.

Điển hình cho xu hướng trên có thể kể đến Không quân Nga đang gấp rút phục hồi cả trăm tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 hay Không quân Thủy quân Lục chiến Mỹ cũng tái sử dụng chiến đấu cơ F/A-18C/D được lưu trữ tại "nghĩa địa máy bay" Davis-Monthan.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ gấp rút tăng cường sức mạnh toàn diện cho các quân binh chủng thuộc Quân đội Hoa Kỳ, trước mắt là tận dụng nhiều trang bị cũ đã loại biên dẫn tới kỳ vọng rất có thể tiêm kích F-117A sẽ sớm "tái ngũ".

Vào ngày 14/11/2017, người dân Mỹ vẫn nhìn thấy chiếc F-117A Nighthawk hoạt động trên bầu trời cùng 1 chiếc F-16, cho thấy tình trạng của chúng vẫn rất tốt. 

Điều này cũng hợp lý khi khung thân của F-117A Night Hawk còn giờ bay tích lũy khá cao, nếu ngừng sử dụng luôn là quá đáng tiếc.

Vậy nếu như được gọi tái ngũ, vai trò nào thích hợp nhất đối với F-117A? Có lẽ nó không còn hoạt động như một máy bay ném bom nữa vì đã bộc lộ điểm yếu chết người qua cuộc chiến tranh Nam Tư 1999, mà sẽ trở thành một chiếc "F" đích thực.

Đầu năm 2016, ông John Stillion, chuyên gia của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ (CSBA) cho biết, các loại máy bay ném bom tầm xa (như B-2) cũng có tiềm năng để trở thành một phi cơ chiến đấu khi mang theo vũ khí không đối không và các thiết bị cảm biến.

Đây là ý tưởng rất thú vị, theo một vài nhận định, nếu radar AN/APQ-181 đang lắp đặt trên B-2 được nâng cấp với kênh đối không thì nó sẽ cung cấp năng lực phát hiện chiến đấu cơ đối phương từ cự ly xa hơn rất nhiều khoảng cách máy bay địch nhận ra sự có mặt của B-2.

Trong trường hợp này, với lợi thế thấy trước và bắn trước, B-2 hoàn toàn đủ khả năng tiêu diệt một chiếc tiêm kích chiếm ưu thế trên không có diện tích phản xạ radar lớn trên 10 m2 thuộc dòng Flanker của Nga (Su-35S, Su-30SM).

Quay trở lại với F-117A, thiết kế khí động học của chiếc phi cơ này dĩ nhiên là không phù hợp cho một trận không chiến quần vòng. 

Nhưng trong tác chiến ngoài tầm nhìn, nhờ diện tích phản xạ radar mặt trước chỉ là 0,001 m2, yếu tố trên khiến máy bay địch khó phát hiện và định vị nó bằng radar dẫn đường cho tên lửa.

Trong quá khứ, Không lực Hoa Kỳ từng dự định trang bị tên lửa đối không AIM-9 Sidewinder cho F-117A, các phi công thậm chí còn được huấn luyện để bắn chúng, tuy nhiên ý tưởng trên chưa được triển khai đại trà vì cho rằng không cần thiết.

Nhưng hiện tại khi tình hình đã có những chuyển biến mới, đặc biệt quan trọng là đường lối của Tổng thống Trump và đề xuất của chuyên gia thuộc CSBA, viễn cảnh F-117A "tái xuất giang hồ" dưới vai trò tiêm kích không chiến tầm xa là khả thi.

Nếu điều này trở thành hiện thực, chắc chắn sẽ khiến Không quân Nga, Trung Quốc phải toát mồ hôi hột tìm cách đối phó vì chiếc Su-57 lẫn J-20 của họ vẫn chưa thực sự hoàn thiện.

Đây là một ý tưởng và viễn cảnh được giới bình luận quân sư chú ý trong tương lai.