Dứt điểm nợ đọng

ANTĐ - Chỉ trong 9 tháng, từ tháng 10-2012 đến 7-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành liên tiếp 3 chỉ thị yêu cầu các địa phương phải xử lý dứt điểm nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản. Thế nhưng, theo công bố của Kiểm toán Nhà nước, số tiền nợ đọng của các địa phương đã lên tới 91.000 tỷ đồng.

Thực ra, tình trạng trên đã được cảnh báo khá sớm với nhận định bản chất của nợ đọng xây dựng cơ bản là “nợ đồng lần”. Tức là Nhà nước nợ doanh nghiệp, doanh nghiệp này nợ doanh nghiệp kia, cuối cùng các doanh nghiệp nợ tiền vay vốn ngân hàng, đồng thời nợ cả tiền lương của công nhân. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, có lẽ là người đầu tiên lên tiếng báo động về con số nợ đọng lên tới gần 100.000 tỷ đồng và nhận định rằng, chính nợ đọng “đẻ” ra nợ xấu và ảnh hưởng mang tính dây chuyền cho cả Nhà nước và doanh nghiệp cũng như người lao động. Nhiều doanh nghiệp thực ra đã và đang “chết lâm sàng” vì chưa thu được khoản nợ đọng này.

Ngành GT-VT là một trong những ngành có số tiền nợ đọng lớn, với tổng số tiền nợ lương của người lao động hơn 160 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế 255 tỷ đồng. Có tới 3.200 người thiếu việc làm trong gần 100 doanh nghiệp là do các công trình đã hoàn thành nhưng chưa được thanh toán và nhiều công trình bị hoãn, giãn tiến độ. Theo thống kê, hiện có hơn 200 công trình giao thông chậm thanh toán với số tiền trên 2.000 tỷ đồng. Một số tổng giám đốc tổng công ty, công ty kêu trời vì hàng trăm tỷ đồng tiền vốn “chôn” trong các công trình chưa được thanh toán hoặc bị đình hoãn. Thậm chí có những công trình đã sử dụng mấy năm nay nhưng công ty chưa được thanh toán.

Trong khi đó, hầu như doanh nghiệp phải chạy vay vốn ngân hàng, nợ đọng xây dựng cơ bản dẫn đến nợ xấu, chưa kể nợ gốc, nợ lãi đè lên vai doanh nghiệp và đương nhiên người lao động chịu áp lực nhất. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, có 15/63 địa phương nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên 100% kế hoạch vốn. Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, tiêu chí tính toán nợ đọng phải là những công trình có trong kế hoạch, còn những phần doanh nghiệp tự làm thêm thì không thể coi là nợ của ngân sách được. 

Quan điểm của Bộ Tài chính rất rõ ràng: Các địa phương phải tự lo trả nợ cho doanh nghiệp, ngân sách Nhà nước sẽ không trả nợ thay. Các địa phương để xảy ra nợ đọng lớn thì không được khởi công dự án mới, tập trung xử lý nợ. Các bộ, ngành, địa phương phải làm rõ trách nhiệm cá nhân trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiêm khắc như vậy.