- Thành lập Hội đồng Nhà nước thẩm định dự án vành đai 4- Vùng Thủ đô
- Đường vành đai 4 và 5 vùng Thủ đô: Địa phương đồng loạt kiến nghị Trung ương đầu tư
- Nhiều câu hỏi cần sớm trả lời về siêu dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô
UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Đây là lần thứ ba, UBND TP Hà Nội có tờ trình gửi Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô.
Tại tờ trình này, UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.
Theo đề xuất của UBND TP Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long), đi qua địa phận TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức hỗn hợp đầu tư công và đầu tư PPP. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư căn cứ quy mô của từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP.
Đường vành đai 4-Vùng Thủ đô có chiều dài gần 113km |
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.466 ha, trong đó đất trồng lúa 2 vụ khoảng 918 ha. Giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn phân kỳ là 95.425 tỷ đồng, bao gồm nhu cầu vốn ngân sách giai đoạn 2021 – 2025 là 34.806 tỷ đồng; nhu cầu vốn ngân sách giai đoạn 2026 – 2030 là 28.225 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư PPP là 29.391 tỷ đồng (bằng 50% tổng mức đầu tư dự án thành phần PPP, bằng 31% tổng mức đầu tư dự án tổng thể); lãi vay là 3.003 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện mà UBND TP Hà Nội đề xuất là chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, hoàn thành công trình vào năm 2028.
Được biết, dự án thành phần số 3 có mục tiêu đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến (quy mô 4 làn xe, rộng 17 m với đường và 17,5 m với cầu) và tuyến nối 9,7 km sẽ được thực hiện theo hình thức PPP sẽ do UBND TP Hà Nội là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Dự án thành phần số 3 có tổng mức đầu tư khoảng 61.784 tỷ đồng này được UBND TP Hà Nội kiến nghị áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.
Hiện dự án đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn như Vingroup, Him Lam, T&T, Phương Thành, Geleximco…
Theo quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên, các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ cho đường sắt vành đai.
Tổng chiều rộng mặt cắt ngang đoạn thông thường là 120 m, đoạn đi ra ngoài đê sông Đáy hiện hữu có tổng chiều rộng mặt cắt ngang 135 m; một số vị trí đặc biệt đi qua khu đô thị, khu công nghiệp khó khăn về GPMB có thể thu hẹp phần dải dự trữ.
Trong giai đoạn phân kỳ, dự án có mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc và hệ thống đường đô thị, đường song hành; bề rộng nền đường cao tốc đi bằng là 17 m, đi trên cao là 17,5 m; bề rộng nền đường song hành mỗi bên là 12 m.