Xét xử phúc thẩm vụ án "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài":

Dương Tự Trọng bật khóc trong lời nói sau cùng

ANTĐ - Ngày 22-5, TAND tối cao đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án liên quan đến nguyên Phó giám đốc CATP Hải Phòng Dương Tự Trọng cùng đồng phạm “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. Trong lời nói sau cùng vào chiều nay, Trọng đã khóc và xin Chủ tịch nước ân giảm cho anh trai thoát án tử hình.

Không hề né tránh!

Theo bản án sơ thẩm, HĐXX- TAND TP Hà Nội kết luận, sau khi nghe tin việc mình bị khởi tố, Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines) đã gọi điện thoại cho em trai là Dương Tự Trọng (SN 1961, trú ở phố Cầu Đất, Ngô Quyền – nguyên Phó Giám đốc CATP Hải Phòng) để Trọng tổ chức cho Dũng trốn đi nước ngoài.

Được sự giúp sức của cấp dưới và bạn bè, Trọng đã đưa Dương Chí Dũng trốn chạy từ Hà Nội xuống Quảng Ninh, vào TP Hồ Chí Minh rồi vượt biên sang Campuchia, bay qua Singapore để định đi Mỹ. Tuy nhiên, do không được phép nhập cảnh vào Mỹ nên Dương Chí Dũng đã phải quay lại Campuchia và bị bắt (vào ngày 4-9-2012).

Dương Tự Trọng và 5 đồng phạm trong phiên toà phúc thẩm

Từ nhận định này, ngày 8-1-2014, tòa sơ thẩm đã tuyên phạt Dương Tự Trọng 18 năm tù; Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH- CATP Hải Phòng) 13 năm tù; Trần Văn Dũng (tức Dũng Bắc Kạn, SN 1968, ở xã An Đồng, huyện An Dương) 8 năm tù; Đồng Xuân Phong (SN 1974, trú ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) 7 năm tù; Nguyễn Trọng Ánh (SN 1985, nguyên cán bộ CATP Hải Phòng) 6 năm tù; Hoàng Văn Thắng (nguyên Cán bộ phòng CSĐT tội phạm về Môi trường - CATP Hải Phòng) 5 năm tù; Phạm Minh Tuấn (nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng, Hải Phòng) 5 năm tù.

Sau phiên tòa này thì chỉ có Hoàng Văn Thắng không kháng cáo. Tất cả các bị cáo còn lại đều đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngoài việc ra phán quyết đối với các bị cáo như trên thì HĐXX sơ thẩm còn ra Quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” theo điều 263 BLHS. Việc khởi tố này dựa trên lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn, lời khai của nhân chứng Dương Chí Dũng; dựa trên đề nghị của KSV và quy định của Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước; Danh mục bí mật Nhà nước mức độ “Tuyệt mật” và “Tối mật” của Bộ Công an.

Vẫn giữ được phong độ của một người từng trải, Dương Tự Trọng khá bình thản và trả lời rành rọt các câu hỏi thẩm vấn của HĐXX. Dương Tự Trọng được chủ tọa cho trình bày những điều chưa đồng tình về lời khai các bị cáo khác và quá trình đưa Dương Chí Dũng đi nước ngoài.

Trong phần trả lời thẩm vấn của HĐXX, Dương Tự Trọng cho rằng, tất cả quá trình đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn đều do mình chỉ đạo. Các bị cáo khác chỉ đóng vai trò thực hành.

5 bị cáo được đề nghị giảm án 

Sau phần thẩm vấn, HĐXX bước sang phần tranh luận. Đại diện Viện KSND Tối cao đã phát biểu quan điểm và đề nghị HĐXX phúc thẩm giảm án cho Dương Tự Trọng cùng 4 đồng phạm có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Về kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Minh Tuấn, Kiểm sát viên cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên phạt Tuấn 5 năm tù là đúng tội, không oan. 

Đồng thời, đại diện VKS cho rằng, hành vi tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài đã xâm phạm trực tiếp đến hoạt động xuất nhập cảnh. Các bị cáo sử dụng thủ đoạn tinh vi như dùng SIM rác, bí danh, thay đổi xe... 

Dương Tự Trọng bật khóc trong lời nói sau cùng 

Các bị cáo hoạt động theo sự chỉ đạo của chủ mưu Dương Tự Trọng. Đối với các bị cáo khác, KSV vẫn giữ nguyên quan điểm “gây hậu quả nghiêm trọng”, bởi các bị cáo đều biết Dương Chí Dũng bị khởi tố trong một vụ án tham nhũng lớn, nhưng vẫn tổ chức cho người này trốn sang Campuchia, gây tốn kém trong điều tra, truy bắt và gây ảnh hưởng đến dư luận, mất niềm tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng, ảnh hưởng đến uy tín lực lượng công an nói riêng và các cơ quan tố tụng nói chung. 

Các bị cáo còn thực hiện hành vi với thủ đoạn tinh vi, thường xuyên thay đổi số điện thoại để liên lạc, các bị cáo đã kết hợp chặt chẽ với nhau, sử dụng nghiệp vụ trong quá trình phạm tội, câu kết với cả đối tượng bị truy nã. 

Tuy nhiên, tại phiên toà phúc thẩm lần này, đại diện VKS nhận định bị cáo Dương Tự Trọng đã thành khẩn, ăn năn hối cải, nhận lỗi, nên có cơ sở giảm án cho bị cáo. Đối với bị cáo Vũ Tiến Sơn là bị cáo có vai trò thứ hai, là mắt xích quan trọng xâu chuỗi các bị cáo với nhau, là người trực tiếp chuẩn bị phương tiện như xe ô tô, điện thoại… Tuy nhiên, xét về động cơ phạm tội xuất phát từ tình cảm, nể nang, lệ thuộc vào quan hệ cấp trên, cấp dưới, nhân thân tốt, nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Sơn. 

Hai bị cáo là Trần Văn Dũng và Đồng Xuân Phong bị đại diện VKS cho rằng đều có nhân thân xấu nhưng xét thấy hình phạt của bản án sơ thẩm có phần hơi nặng, cần tuyên phạt ngang nhau. Do đó, cần xem xét giảm mức án cho hai bị cáo này. Cùng các bị cáo trên thì bị cáo Nguyễn Trọng Ánh cũng được đại diện VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm án. 

Được nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghỉ nghị án, Dương Tự Trọng bật khóc, xin Chủ tịch nước ân giảm án tử hình cho anh trai Dương Chí Dũng và bị Mai Văn Phúc (nguyên TGĐ Vinalines). Đây là hai người bị kết án tử hình trong vụ "Tham ô" và "Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". 

Đồng thời, bị cáo Trọng xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Phạm Minh Tuấn cũng như các bị cáo khác trong vụ án "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài".

Theo kế hoạch, 13h 30 phút chiều 23-5, HĐXX sẽ tuyên án.