Dược phẩm - công cụ ngoại giao của Ấn Độ thời đại dịch

ANTD.VN - Vài ngày sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu dược phẩm trong bối cảnh đại dịch Covid-19, họ đã đảo ngược quyết định của mình sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị New Delhi cung cấp thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine (HCQ) cho Mỹ. Với quyết định xuất khẩu thuốc, Ấn Độ - được mệnh danh là “lò dược phẩm của thế giới” - đã nhận được nhiều lời khen ngợi, vì thế vị thế ngoại giao của Ấn Độ được tăng cường.

Dược phẩm - công cụ ngoại giao của Ấn Độ thời đại dịch ảnh 1Ngành dược phẩm Ấn Độ cũng gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu nhập từ Trung Quốc

Các chuyên gia chính sách đối ngoại ở Ấn Độ trước đó vẫn cảm thấy sốc khi ông Trump dọa sẽ xem xét lại cán cân thương mại với Ấn Độ - một đồng minh gần gũi của Mỹ, nhưng quyết định xuất khẩu HCQ của New Delhi dường như đã thay đổi ngay lập tức thái độ của Tổng thống Mỹ.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong quá trình xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 đã phải đối mặt với những chỉ trích và ông đã gọi HCQ là một loại thuốc “thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến chống lại virus Corona mới. 

“Thời điểm đặc biệt đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa bạn bè. Cảm ơn Ấn Độ và người dân Ấn Độ vì quyết định xuất khẩu HCQ. Điều đó sẽ không bị lãng quên! Cảm ơn Thủ tướng NarendraModi vì sự lãnh đạo mạnh mẽ của ông trong việc giúp đỡ không chỉ Ấn Độ, mà cả nhân loại trong cuộc chiến này!”, ông Trump viết trên Twitter.

Trước đó, Tổng thống Mỹ trước các phóng viên đã ca ngợi ông Modi “tuyệt vời” và nói rằng Mỹ sẽ luôn nhớ Ấn Độ đều đáp ứng những gì họ đề nghị. 

Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ đã nhanh chóng đáp lời, nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước. “Hoàn toàn đồng ý với ông, Tổng thống Donald Trump. Thời điểm như thế này đưa bạn bè đến gần nhau hơn. Quan hệ đối tác Ấn Độ - Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ấn Độ sẽ làm mọi cách có thể để giúp nhân loại chiến đấu chống lại Covid-19. Chúng ta sẽ cùng nhau giành chiến thắng”, ông Modi đăng trên mạng Twitter.

Ngoại giao dược phẩm 

Nhu cầu gấp về HCQ trên toàn cầu đã buộc Ấn Độ phải hạn chế xuất khẩu và một số loại thuốc khác vào ngày 25-3. Ngoại lệ duy nhất là trên cơ sở nhân đạo hoặc với những khách hàng đã thanh toán đầy đủ trước. Ấn Độ là một trong những nhà sản xuất HCQ (thường được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp và sốt rét) lớn nhất thế giới và thu về doanh thu xuất khẩu trị giá 50 triệu USD mỗi năm. Sau khi hủy bỏ lệnh cấm, Ấn Độ đã quyết định xuất khẩu HCQ và các loại thuốc khác để giúp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở hơn một chục quốc gia với 2 hình thức: viện trợ nhân đạo và cung ứng thương mại.

“Về mặt nào đó, các quyết định này đã mang lại thiện chí. Mọi người nhận thấy rằng, không giống như Trung Quốc dư thừa thiết bị bảo vệ cá nhân hoặc máy thở và máy móc sản xuất, Ấn Độ đang hy sinh thực sự để thể hiện đoàn kết quốc tế và không tranh thủ kiếm tiền trong lúc dịch bệnh. Những điều này sẽ giúp Ấn Độ tạo được thiện chí trong mắt đối tác nước ngoài và quan trọng là sự kết nối sau khi đại dịch được kiểm soát”.

Ông Kanwal Sibal (cựu Ngoại trưởng Ấn Độ)

Với quyết định xuất khẩu thuốc, Ấn Độ - được mệnh danh là “lò dược phẩm của thế giới” - đã nhận được nhiều lời khen ngợi như Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Một số quốc gia khác, bao gồm Vương quốc Anh, bày tỏ lòng biết ơn của họ nhờ thiện chí ngoại giao từ New Delhi.

Bên cạnh đó, kể từ khi đại dịch Covid-19 chuyển sang giai đoạn căng thẳng, Thủ tướng Ấn Độ đã khuấy động tinh thần đoàn kết quốc tế trong việc chống lại đại dịch. Vào giữa tháng 3-2020, ông Modi đã đề xuất một quỹ chống Covid-19 trong các quốc gia thuộc Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), trong đó New Delhi cam kết đóng góp 10 triệu USD. Ấn Độ cũng sẽ gửi thuốc đến các nước láng giềng như Nepal, Bhutan, Sri Lanka, Afghanistan, Bangladesh, Maldives, Mauritius và Seychelles.

 “Về mặt nào đó, các quyết định này đã mang lại thiện chí. Mọi người nhận thấy rằng, không giống như Trung Quốc dư thừa thiết bị bảo vệ cá nhân hoặc máy thở và máy móc sản xuất, Ấn Độ đang hy sinh thực sự để thể hiện đoàn kết quốc tế và không tranh thủ kiếm tiền trong lúc dịch bệnh”, ông Kanwal Sibal, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ nói với Al Jazeera. 

Theo ông Sibal, những điều này sẽ giúp Ấn Độ tạo được thiện chí trong mắt đối tác nước ngoài và quan trọng là sự kết nối sau khi đại dịch được kiểm soát. “Vì vậy, tôi không nghĩ người ta phóng đại về mức độ thiện chí nhưng chắc chắn vị thế ngoại giao của Ấn Độ sẽ được tăng cường khi họ muốn có được ưu ái tương tự từ một số quốc gia mà họ đã thể hiện sự hào phóng”, ông Sibal nói.

 “Khi một quốc gia đưa ra lời kêu gọi về thuốc trong đại dịch này, tính nhân văn vẫn là ưu tiên hàng đầu trong quá trình ra quyết định. Đây không phải là lúc tìm kiếm lợi thế riêng trong cuộc khủng hoảng, mà trên hết là tình cảm nhân đạo”, ông Lalit Mansingh, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ nhận định.

Ông Mansingh cho rằng, từ trước tới nay, Ấn Độ đã có chính sách giúp đỡ nhiều người, như bệnh nhân nhiễm HIV /AIDS: “Thuốc được sản xuất tại Ấn Độ đã cứu giúp hàng triệu dân châu Phi”.

Dược phẩm - công cụ ngoại giao của Ấn Độ thời đại dịch ảnh 2Ấn Độ đã không còn cấm xuất khẩu thuốc chống sốt rét HCQ để các nước có thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19

Ngành dược phẩm cũng lao đao vì đại dịch

Nhiều năm qua, Ấn Độ là nhà sản xuất thuốc generic (thuốc tương đương về mặt sinh học so với biệt dược gốc) lớn nhất, giúp giảm chi phí điều trị cho người dân trên toàn thế giới. Theo Báo cáo Kinh doanh Toàn cầu, “ngành công nghiệp dược phẩm tiếp tục là một trụ cột chính của nền kinh tế đang phát triển của Ấn Độ. Là nhà cung cấp thuốc generic lớn nhất thế giới, ngành này đóng góp tới 40% nhu cầu chung của Mỹ về thuốc generic. Các công ty Ấn Độ nhận được 304 giấy cấp phép từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ năm 2017”. 

Ấn Độ là quê hương của ngành công nghiệp dược phẩm lớn thứ ba về khối lượng và lớn thứ 10 về giá trị trên thế giới. Tổng quy mô của ngành công nghiệp này, bao gồm cả thuốc và thiết bị y tế, là khoảng 43 tỷ USD, trong đó thuốc xuất khẩu đem về 20 tỷ USD. Ngành dược phẩm hiện đóng góp khoảng 1,72% GDP của Ấn Độ. Ấn Độ xuất khẩu dược phẩm đến hơn 200 quốc gia, bao gồm các thị trường được kiểm soát chặt chẽ ở Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản và Australia.

Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp trên toàn cầu đều bị ảnh hưởng lớn vì đại dịch, ngành dược phẩm Ấn Độ cũng không phải ngoại lệ. “Bóng ma” của virus Corona đã bộc lộ những lỗ hổng trong ngành dược phẩm Ấn Độ, khi họ phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc về nguyên liệu như hoạt chất dược phẩm API hay các loại thuốc để hoàn thiện công thức thành phẩm.

Trong những năm qua, sự phụ thuộc của ngành dược phẩm Ấn Độ vào Trung Quốc đã tăng lên đáng kể kể từ khi các công ty dược phẩm nước này nhận thấy việc nhập khẩu rẻ hơn so với sản xuất các thành phần chính. “Năm ngoái, nước này đã nhập khẩu khoảng 50.000 rupee (6,5 tỷ USD) API và dược phẩm trung gian, trong đó 2/3 lượng API nhập khẩu là từ Trung Quốc”, TS Sakt Xoay Selvaraj thuộc Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ cho biết. 

Một phần lớn các API này được nhập từ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, nơi được cho là khởi phát dịch Covid-19 và cũng là trung tâm sản xuất API cùng nhiều loại thuốc số lượng lớn khác. Gần đây, các nhà sản xuất kiến nghị rằng nếu chính phủ Ấn Độ không can thiệp sớm, họ sẽ thiếu nguyên liệu, và nhiều loại thuốc thiết yếu có thể biến mất khỏi kệ trong vài tuần tới. 

Manav Grover, Giám đốc điều hành của Cosway Dược, nơi sản xuất hơn 200 loại thuốc, bao gồm thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác, cho biết, nguồn dự trữ của công ty đã cạn kiệt và chi phí nguyên liệu thô tăng vọt trong vài tuần qua, đặc biệt là sau khi Trung Quốc ngừng xuất khẩu do sự lây lan của virus Corona. 

Theo ông Manav Grover, người tiêu dùng sẽ sớm cảm thấy sức nóng của sự thiếu hụt này. “Các nhà cung cấp đang tích trữ nguyên liệu thô và tăng giá. Tình hình thực sự tồi tệ, có quá nhiều chợ đen. Ngay cả những nguyên liệu thô có sẵn cũng được các thương nhân tích trữ”, ông Grover nói. 

“Giống như khẩu trang và dung dịch sát khuẩn, nguyên liệu thô cũng không dễ tìm. Chẳng hạn, chúng tôi đã từng lấy HCQ với giá 20.000 rupee (261USD)/kg nhưng giá hiện nay tăng gấp 4 lần, khoảng 85.000 rupee/kg. Vì vậy, một viên HCQ có giá 5 rupee nay tăng gấp 7 lần lên giá 35 rupee”, ông Grover cho biết.