Đừng tự mua thuốc điều trị tại nhà

(ANTĐ) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, thời điểm này nhiều dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên cả nước, trong đó đáng sợ nhất là dịch tay chân miệng đang gia tăng mạnh cả về số lượng lẫn số ca tử vong.

Đừng tự mua thuốc điều trị tại nhà ảnh 1

Bệnh viện nhiệt đới Trung ương luôn qúa tải bệnh nhân 

6 tháng, trên 40 ca tử vong

TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, nếu như trong các năm 2009, 2010, mỗi năm ghi nhận khoảng trên dưới 10.000 ca mắc tay chân miệng thì chỉ trong chưa đầy 6 tháng đầu năm 2011 này, số ca mắc tay chân miệng trên cả nước đã là hơn 13.000 người. Cao điểm như trong tháng 6 ghi nhận đến gần 4.000 ca mắc, 9 ca tử vong. Ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, dù số mắc chưa cao song diễn biến của dịch cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gia tăng mạnh trong thời gian tới.

Đặc biệt, đến thời điểm này đã có khoảng 40 trường hợp tay chân miệng tử vong, tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều so với các năm trước đó. Nguyên nhân là do sự lưu hành của tác nhân Enterovirus 71 (EV71) gây bệnh cảnh lâm sàng nặng, nguy cơ tử vong cao đang ngày càng lan rộng, không chỉ phổ biến ở khu vực miền Nam mà còn ra cả khu vực miền Bắc, nhất là Hà Nội và Ninh Bình.

Chẳng hạn, từ tháng 4 đến nay, BV Sản-Nhi tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận hơn 300 trẻ em mắc bệnh tay chân miệng vào khám, điều trị, tăng đột biến so với nhiều năm trước. Trong số này, 60% ca bệnh do chủng virus EV71 gây ra, có 2 ca biến chứng viêm não phải điều trị tích cực.

Các ca bệnh tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Có những giai đoạn lượng bệnh nhân tăng đột biến khiến BV quá tải, phải tổ chức nằm ghép 2 bệnh nhân một giường. Theo bác sĩ Ngô Thị Thúy, Khoa Nội nhi, BV Sản - Nhi Ninh Bình, vài năm trước, tác nhân gây bệnh tay chân miệng chủ yếu là do chủng virus Coxsackievirus A16 ít gây biến chứng, nhưng năm nay lại xuất hiện nhiều ca bệnh do chủng virus EV71 dễ gây biến chứng nguy hiểm. Bệnh này có những dấu hiệu ban đầu giống thủy đậu nên một số gia đình tự mua thuốc điều trị tại nhà và nhập viện muộn, gây khó khăn cho việc điều trị.

Không thể chủ quan

Ngoài mối lo lớn nhất hiện nay là dịch tay chân miệng, các dịch bệnh khác cũng diễn biến khá phức tạp và nguy cơ bùng phát cao. TS Nguyễn Văn Bình cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 498 trường hợp mắc cúm A/H1N1 tại 40 địa phương, trong đó có 13 trường hợp tử vong.

Trong tháng 6, cả nước đã ghi nhận 1.758 trường hợp sốt xuất huyết tại 30 tỉnh/ thành phố, 3 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 17.518 và 14 trường hợp tử vong. Tính trung bình, mỗi tuần ghi nhận khoảng 400-500 ca sốt xuất huyết và dự kiến trong cả năm sẽ có khoảng 800.000-110.000 người mắc, khoảng 80-110 ca tử vong do bệnh này. Cũng trong tháng 6, ghi nhận 39 trường hợp mắc viêm não virus tại 15 địa phương, không có tử vong, tích lũy số mắc từ đầu năm là 381, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2010. Tổng số ca mắc thương hàn từ đầu năm là 164 người...

Đáng chú ý, có một số bệnh chúng ta đã tuyên bố thanh toán được từ nhiều năm nay nhưng đang có nguy cơ quay trở lại. Chẳng hạn như bệnh bại liệt đã được thanh toán tại nước ta từ năm 2000, song hiện thành quả này đang bị đe dọa nghiêm trọng. TS. Bình phân tích, để phòng bệnh này thì biện pháp duy nhất là tiêm, uống vaccine, trong đó phương pháp tiêm vaccine đạt hiệu quả phòng bệnh cao hơn nhưng giá thành đắt. Còn với biện pháp uống vaccine, người bệnh được bổ sung một lượng virus sống vào cơ thể, tuy loại virus này đã được khống chế không còn khả năng gây bệnh nhưng khi được thải ra ngoài nó vẫn tiềm ẩn nguy cơ biến đổi để gây bệnh cho cộng đồng (dù khả năng xảy ra rất ít và hiện chưa gặp)...

TS Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, nước ta vẫn đang phải đối mặt với các dịch bệnh truyền nhiễm. Ở các BV tuyến huyện, tỉnh, số mắc bệnh truyền nhiễm vẫn chiếm đến một nửa trong tổng số cơ cấu bệnh nhân. Do đó, ngoài việc tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh của người dân thì cũng cần phải giám sát thực hiện nghiêm hơn Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Cần có chế tài xử phạt thích đáng với những đơn vị, những người dân không tuân thủ luật để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như mắc bệnh truyền nhiễm không khai báo, vứt xác gà, vịt mắc bệnh ra môi trường làm phát tán virus gây bệnh...